Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương vừa có buổi làm việc với Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Công ty CP DAP Số 2 Vinachem (DAP-2 Lào Cai), Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình để xem xét phương án xử lý, tháo gỡ khó khăn với các dự án này.
Sẽ tái cơ cấu nợ?
Báo cáo tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái với Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc), ông Phùng Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết, những năm qua, Tập đoàn đã quyết liệt thực hiện tái cơ cấu Đạm Hà Bắc, đổi mới công tác quản trị, tổ chức lại sản xuất và quản lý sản xuất theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trực thuộc. Định biên của Đạm Hà Bắc năm 2015 là 1.774 người, đến nay giảm còn trên 1.200 người.
Bên cạnh đó, các đầu mối của Đạm Hà Bắc cũng được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn. Nếu như năm 2015, Đạm Hà Bắc có 32 đầu mối thì đến năm 2020 còn 24 đầu mối. Dự kiến năm 2022 sẽ cắt giảm còn 18 đầu mối. Việc làm và thu nhập của người lao động Đạm Hà Bắc cũng được đảm bảo, bình quân năm 2021 đạt 8 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm làm ra đều tiêu thụ hết.
Kết thúc năm 2021, doanh thu toàn tập đoàn đạt hơn 53 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay; lãi hơn 2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, dự án Đạm Hà Bắc mở rộng, nâng công suất, đi vào vận hành từ tháng 4/2015 luôn duy trì công suất ổn định trên 90%.
Năm 2021, tình hình sản xuất, kinh doanh của Đạm Hà Bắc có tín hiệu khả quan. Công suất đạt 92% với 473 nghìn tấn Ure thành phẩm (đây là mức sản phẩm kỷ lục của nhà máy) được cung cấp cho thị trường, doanh thu 4.558 tỷ đồng, lần đầu tiên lãi 6,25 tỷ đồng sau nhiều năm chịu lỗ. Điều này đã động viên, khích lệ cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp.
Năm 2021 tình hình sản xuất có tín hiệu khả quan, Nhà máy Đạm Hà Bắc chạy 92% công suất, cung cấp cho thị trường 437.000 tấn Ure (đây là mức kỷ lục). Sau 6 năm mở rộng, đây là năm lần đầu tiên Đạm Hà Bắc đã có lãi. Theo đó, nhà máy đã tập trung nguồn lực trả ngân hàng 745 tỷ (VDB – Ngân hàng phát triển) và 34,9 triệu USD.
Bước sang năm 2022 tình hình sản xuất, kinh doanh của Đạm Hà Bắc tiếp tục có những tín hiệu tốt, giá phân bón tăng, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Nhà máy phấn đấu sản xuất cung cấp cho thị trường khoảng 410 nghìn tấn Ure. Dự kiến sản xuất năm nay Đạm Hà Bắc sẽ tiếp tục có lãi…
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả sản xuất kinh doanh đang có dấu hiệu khởi sắc thì khoản lỗ lũy kế trong 5 năm qua của Đạm Hà Bắc vẫn còn rất lớn. Nguyên nhân cơ bản là do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng và chi phí tài chính rất lớn. Đạm Hà Bắc đang vay của các ngân hàng với lãi suất cao và phải chịu lãi phạt dẫn đến lãi chồng lãi.
Ông Phùng Quang Hiệp chia sẻ: “Nếu không tái cơ cấu tài chính thì Đạm Hà Bắc khó có thể phát triển ổn định, bền vững. Ngược lại, theo phương án tính toán của Vinachem, nếu tái cơ cấu Đạm Hà Bắc sẽ lãi khoảng 828 tỷ đồng/năm”.
Trước những khó khăn và thuận lợi đặt ra, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam xây dựng 4 phương án xử lý vấn đề của Đạm Hà Bắc là: Chuyển vốn vay thành vốn góp; cơ cấu lại tài chính; bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp; cho phá sản doanh nghiệp.
Trên cơ sở đánh giá ưu, nhược điểm của từng phương án, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đề xuất lựa chọn phương án tái cơ cấu lại các khoản nợ ngân hàng của Đạm Hà Bắc, với những giải pháp như: Khoanh nợ, giãn nợ, dừng tính phạt trên số tiền gốc, tiền lại chậm trả…
Lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam khẳng định, nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt cơ chế đặc thù thì Đạm Hà Bắc cơ sẽ sớm ra khỏi khó khăn và phát triển ổn định.
Đối với Đạm Ninh Bình, theo báo cáo, đến thời điểm này, dự án Đạm Ninh Bình chưa hoàn thành quyết toán do một số vướng mắc trong thực hiện hợp đồng và vấn đề tài chính…
Từ khi đi vào hoạt động, Nhà máy Đạm Ninh Bình gặp nhiều khó khăn nên kinh doanh thua lỗ. Nguyên nhân là do tốc độ tăng giá của sản phẩm ure thấp hơn tốc độ tăng giá của nguyên liệu đầu vào (than). Bên cạnh đó, chi phí khấu hao, lãi vay cao; doanh nghiệp thiếu vốn lưu động để phục vụ sản xuất; tác động của dịch bệnh COVID-19; còn xảy ra một số sự cố, mất thời gian, chi phí sửa chữa;…
Tuy nhiên, từ năm 2021, hoạt động của nhà máy đã có chuyển biến tích cực hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp đã hoạt động có lãi.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đề xuất một số giải pháp xử lý đối với Công ty Đạm Ninh Bình: Tái cơ cấu nợ vay; phá sản doanh nghiệp; bán toàn bộ doanh nghiệp. Trên cơ sở tính toán các phương án, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đề xuất lựa chọn phương án tái cơ cấu nợ vay để bảo đảm giảm thiểu thiệt hại cho tất cả các bên.
Còn với dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân bón DAP-2 Lào Cai, báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho thấy, nếu như trong giai đoạn 2015-2020, dự án lỗ 2.900 tỷ đồng, thì trong 6 tháng đầu năm 2022, nhà máy đạt doanh thu 1.521 tỷ đồng, lợi nhuận 75 tỷ đồng, trả nợ các ngân hàng được 130 tỷ đồng.
Phía Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đề xuất 4 phương án xử lý, tái cơ cấu. Phương án 1 là tái cơ cấu nợ vay đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và ngân hàng thương mại. Phương án 2, đấu giá cổ phần của Tập đoàn tại công ty. Phương án 3, bổ sung vốn điều lệ cho Công ty cổ phần DAP-2 thông qua việc chuyển vốn vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam thành vốn góp và phương án 4 là phá sản doanh nghiệp.
Làm rõ tính khả thi và chọn giải pháp phù hợp
Tại các buổi làm việc, ý kiến chung của các đại biểu là phân bón là mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Đất nước ta vẫn là nước nông nghiệp, không thể không có nhà máy phân bón. Nhất là trong bối cảnh khó khăn, ngành nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế.
Đối với Đạm Hà Bắc, các đại biểu đánh giá, thời gian qua, nhà máy đã rất nỗ lực tái cơ cấu. Nhờ đó, đến thời điểm hiện tại, tất cả các chỉ số sản xuất, kinh doanh của Đạm Hà Bắc đều tốt, trừ chỉ số tài chính. Do đó, nếu không cơ cấu lại, để tiếp tục lãi chồng lãi thì Đạm Hà Bắc không thể thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện tại.
Đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho hay, Đạm Hà Bắc là thương hiệu rất lớn, có uy tín trong bà con nông dân. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Bắc Giang mong muốn trung ương có biện pháp cơ cấu lại tài chính để sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tỉnh Bắc Giang cũng sẽ tạo điều kiện tốt nhất để Đạm Hà Bắc ổn định sản xuất, kinh doanh, qua đó giảm được giá thành... Được như thế bà con nông dân sẽ rất phấn khởi.
Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết thêm, thời gian qua Ủy ban đã cùng với Tập đoàn và nhà máy Đạm Hà Bắc bàn thảo, xây dựng các phương án tái cơ cấu. Sau khi tính toán kỹ lưỡng các mặt, Ủy ban và doanh nghiệp đã đồng thuận lựa chọn đề xuất lựa chọn phương án tái cơ cấu tài chính. Đồng thời, mong muốn các cơ quan liên quan và cấp có thẩm quyền sớm quyết định để tháo gỡ khó khăn cho Đạm Hà Bắc.
Tương tự như vậy, đây cũng là phương án các đại biểu lựa chọn cho DAP-2 Lào Cai và Đạm Ninh Bình.
Về xử lý khó khăn cho doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Việc tìm giải pháp để xử lý yếu kém của Đạm Hà Bắc là yêu cầu cấp bách. Công ty đang nợ số tiền lớn. Nếu để lâu, vốn ngày càng mất đi, lỗ nhiều hơn, do đó phải có giải pháp khả thi, xử lý dứt điểm, không để kéo dài.
Nhìn nhận các phương án tái cơ cấu, Phó Thủ tướng cho rằng, phương án khả thi nhất là tái cơ cấu tài chính. Do vậy, cần đưa đây là phương án đầu tiên trong Đề án tái cơ cấu, tiếp đến là phương án bán cổ phần, chuyển vốn vay và cuối cùng là phá sản.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Nếu chọn phương án tái cơ cấu tài chính, phải làm rõ từng cơ chế, giải pháp khả thi, từ việc khoanh nợ, điều chỉnh lãi suất cho vay, kéo dài thời hạn vay, dừng tính lãi phạt trả chậm, đến thời hạn cơ cấu lại, phải xác định đến thời hạn nào xử lý được âm vốn chủ sở hữu. Đồng thời phải làm rõ về mặt thẩm quyền về cơ chế, giải pháp tài chính, rà soát tình hình thị trường, dự báo dài hạn giá bình quân…
Đối với hai dự án còn lại, sau khi nghe báo cáo, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và đại diện các bộ, ngành đã cho ý kiến đối với các phương án, đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các đơn vị liên quan tiếp thu, bổ sung, làm rõ tính khả thi của các phương án được chọn để hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.