Công ty TNHH NN MTV Máy kéo và Máy nông nghiệp, trực thuộc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp là một doanh nghiệp cơ khí hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua hơn 45 năm hoạt động, Công ty đã cho ra đời rất nhiều loại máy phục vụ cho nông nghiệp, đặc biệt là các loại máy phục vụ cho canh tác lúa nước.
Hàng năm, tổng diện tích gieo cấy lúa lên đến 7,7 triệu ha, làm mạ và cấy lúa là khâu hết sức vất vả và nặng nhọc trong quá trình canh tác. Khi cấy lúa, người nông dân phải cúi gập người liên tục và lội trong bùn nước và điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Việc giải phóng sức lao động nặng nhọc cho người nông dân, tạo điều kiện cho người lao động tham gia các ngành nghề khác có thu nhập cao hơn, đồng thời cơ giới hoá trong khâu cấy lúa sẽ tạo điều kiện tốt để cơ giới hóa các khâu tiếp theo như chăm sóc, thu hoạch lúa và sau thu hoạch.
II. Quá trình thực hiện :
Xuất phát từ những yêu cầu cấp thiết của việc cơ giới hoá khâu cấy lúa, các cán bộ của Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã phối hợp với Công ty TNHH NN MTV Máy kéo và Máy nông nghiệp nghiên cứu các mẫu máy cấy của Nhật Bản và Trung Quốc, từ đó thiết kế, cải tiến và chế tạo một loại máy cấy phù hợp với trình độ công nghệ và điều kiện canh tác của Việt Nam.
Mẫu máy cấy của Nhật Bản có kết cấu hiện đại, điều khiển thuận tiện, nhưng yêu cầu công nghệ chế tạo tiên tiến, nên giá thành sản phẩm rất cao,
Mẫu máy cấy của Trung Quốc kết cấu đơn giản hơn, nhưng do sự khác biệt về thổ nhưỡng cũng như thói quen canh tác (cấy quá thưa) nên không phù hợp với yêu cầu canh tác của Việt Nam.
Sở dĩ phải cải tiến mẫu máy là do khí hậu nước ta thuộc loại nhiệt đới nóng ẩm, cây lúa phát triển rất nhanh với thời gian sinh trưởng ngắn hơn nên máy cấy phải có mật độ dày hơn và đảm bảo năng suất đồng đều.
Kế thừa các kinh nghiệm, kiến thức đã tích luỹ về lĩnh vực này, các cán bộ của Viện phối hợp cùng Công ty đã cho ra đời loại máy cấy 6 hàng MC6H-250 có các thông số cơ bản :
Công suất động cơ Diesel: 4,5 mã lực;
Số vòng quay động cơ: 2600v/p;
Số hàng cấy một lượt: 6 hàng;
Khoảng cách hàng cấy: 25cm;
Khoảng cách khóm cấy: 12 cm hoặc 14 cm;
Năng suất: 1800-2200m2/giờ (~6 sào/h);
Kích thước (dài x rộng x cao) 2500 x 1800 x 1300 mm;
Trọng lượng: 160 kg;
Tiêu hao nhiên liệu: 0,6 lít/giờ 3,5 lít ha).
Máy cấy MC6H có 4 bộ phận làm việc chính là bộ phận di động, bộ phận cấy, bộ phận đỡ cung cấp mạ cùng các hệ thống khung nối và các cơ cấu điều khiển.
(1). Động cơ Diesel 4,5 mã lực- 2600 v/p;
(2). Bộ phận di chuyển;
(3). Hệ thống khung nối và các cơ cấu điều khiển Bàn trượt;
(4). Bàn trượt;
(5). Bộ phận đỡ - cung cấp mạ;
(6). Bộ phận cấy.
Máy cấy sử dụng động cơ diesel 4,5 mã lực truyền chuyển động qua hộp số chính đến bánh xe chủ động, trong quá trình cấy, bánh xe được thiết kế như một bánh sắt chủ động có 18 mấu bám, dùng để kéo toàn bộ máy cấy. Bộ phận cấy gồm 6 tay cấy, 3 phải -3 trái làm việc theo nguyên lý cơ cấu 4 khâu, trên mỗi tay cấy có nỉa tách mạ và cần đẩy dúi mạ xuống đất. Mỗi vòng quay của tay cấy, cần đẩy dúi mạ chỉ hoạt động một lần, nỉa tách mạ sẽ tách từ thảm mạ một miếng mạ nhỏ 0,5~1 cm2 có từ 3~5 rảnh mạ. Khi nỉa tách mạ được đưa xuống vị trí thấp nhất thì cần đẩy mạ sẽ đẩy miếng mạ ra và dúi xuống ruộng. Sau mỗi vòng quay của tay cấy, bộ phận ra mạ lại dịch chuyển thảm mạ sang ngang để vòng sau tay cấy tiếp tục tách miếng mạ mới. Số rảnh mạ trong mỗi lần cấy, khóm mạ và khoảng cách từ khóm mạ trước đến khóm mạ sau có thể điều chỉnh bằng cách thay đổi tỉ số truyền chuyển động tương ứng giữa tay cấy và cơ cấu ra mạ. Máy do 1 người ngồi lái và 1-2 người ngồi tiếp mạ.
Toàn bộ cơ cấu đỡ cung cấp mạ và bộ phận cấy đặt trên bàn trượt (chế tạo bằng vật liệu composite) được kéo bởi bộ phận di chuyển thông qua hệ thống khung.
Việc vận hành máy đơn giản, dễ thao tác, phù hợp với trình độ sử dụng của người nông dân.
Ngày 21/2/2005, máy cấy MC6H đã được đưa vào áp dụng thử nghiệm cấy lúa tại xã Vạn Phúc (Hà Đông- Hà Tây). Chất lượng cấy đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, cây lúa đứng thẳng không sót, mật độ đồng đều, máy dễ dàng điều khiển và sử dụng, sau khi cấy thử được bà con nông dân đánh giá cao.
III. Khả năng và điều kiện áp dụng vào thực tế sản xuất
Có thể thấy, việc đưa máy cấy vào đồng ruộng đã bước đầu thành công dù mới chỉ mức độ thử nghiệm.
Một vấn đề đặt ra khi áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào đời sống là phải tính đến yếu tố kinh tế để đầu tư và trình độ của người sử dụng phải phù hợp. Do loại máy cấy này chỉ sử dụng được mạ khay, nên trước tiên phải xây dựng được các tổ hợp chuyên sản xuất mạ khay, ngoài ra cũng phải từ bỏ hoàn toàn cách gieo mạ ngoài đồng để cơ giới hoá đồng ruộng từ khâu làm mạ đến khâu cấy.
Về tính kinh tế:
Giá mạ cấy làm theo phương thức thông thường (mạ dược) có giá thành xấp xỉ trên dưới 40.000 đ/sào cấy.
Giá mạ thảm trên khay có giá thành 25.000~30.000 đ/sào cấy.
Máy cấy chế tạo tại Công ty TNHH NN MTV Máy kéo và Máy nông nghiệp có giá 15 triệu đồng, với giá này, người nông dân hoàn toàn có khả năng đầu tư để làm dịch vụ. q