Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê, Tổng cục Thống kê, “tháng Một là tháng giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, do đó nhu cầu tiêu dùng của người dân có mức tăng hơn các tháng trước, song CPI chỉ tăng nhẹ là nhờ do lượng cung hàng hóa được chuẩn bị cho dịp Tết khá dồi dào.”
So sánh với tháng 12/2018, báo cáo từ Tổng cục Thống kê chỉ ra, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 9 nhóm hàng tăng giá, trong đó nhóm đồ uống - thuốc lá tăng cao nhất 0,69% và nhóm thuốc - dịch vụ y tế tăng thấp nhất 0,01%, tuy nhiên có 2 nhóm giảm giá là giao thông và bưu chính viễn thông, xuống lần lượt 3,04% và 0,09%.
Lương thực, dịch vụ ăn uống tăng
Trong tháng này, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc tăng cao do nhu cầu chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán.
Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã tăng 0,66%. Trong đó, nhóm thực phẩm, giá thịt lợn có mức tăng 0,42% do hoạt động sản xuất các loại thực phẩm phục vụ nhu cầu Tết của người dân. Và, giá thịt gia cầm tươi sống tăng 1,01%, đặc biệt giá gà ta tăng từ 5.000 đồng - 10.000 đồng/kg.
Bà Ngọc cho hay, thời điểm này người dân thường có tâm lý “găm” hàng đợi đến sát Tết mới bán ra thị trường nhằm thu về các mức giá cao hơn.
Ngoài ra, giá các mặt hang thủy sản tươi sống cũng tăng mạnh 1,1%, trong đó cá tươi tăng 0,91%, tôm tươi tăng 1,67%, thủy hải sản chế biến tăng 1,06%. Thời tiết về cuối năm tại các tỉnh miền Bắc có rét đậm và kéo dài ngày đã khiến nguồn cung rau xanh giảm, khiến giá cả tăng 2,51%.
Đối với nhóm lương thực, chỉ số giá cũng tăng 0,52%, lý do được bà Ngọc chỉ ra là: “Các doanh nghiệp thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long tập trung mua các sản phẩm gạo chất lượng cao với dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo trong quý I/2019 sẽ tăng tại Philippines và Indonesia cộng thêm nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng tại các loại gạo nếp và gạo tẻ ngon dịp Tết.”
Xăng dầu bình ổn giúp nhóm giao thông giảm mạnh
Tháng Một, chỉ số giá nhóm giao thông có mức giảm sâu 3,04% là do giá xăng dầu đã điều chỉnh giảm theo xu hướng của thị trường thế giới đồng thời việc sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu trong nước đã giúp cho giá xăng A95 giảm 540 đồng/lít, giá xăng E5 giảm 510 đồng/lít, giá dầu diezen giảm 1.100 đồng/lít (ngày 16/1). Theo đó, bình quân trong tháng giá xăng dầu giảm tới 6,98% và đóng góp giảm CPI chung 0,29%.
Về tỷ giá, việc Chính phủ Mỹ đóng cửa ngừng hoạt động vì Quốc Hội Mỹ không đồng ý chi 5,7 tỷ USD xây bức tường biên giới ngăn chặn tệ nạn nhập cư trái phép đã khiến chỉ số USD giảm từ mức 96,64 (tháng 12/2018) về mức 95,64 (bình quân đến ngày 24/1). Trong nước, chính sách điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với 8 đồng tiền chủ chốt đã giúp VND giữ tỷ giá so với USD, giá bình quân ở thị trường tự do quanh mức 23.229 VND/USD.
Trái lại, giá vàng thế giới giao dịch quanh ở mức 1.286,78 USD/ounce tăng 2,32% so với tháng trước (ngày 25/1) khiến giá vàng trong nước tăng 2,25% và dao động quanh mức 3,641 triệu đồng/chỉ vàng SJC.
Theo báo cáo, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) của tháng chỉ tăng 0,3% so với tháng trước, tăng 1,83% so với cùng kỳ.
Bà Ngọc cho hay, việc chỉ số lạm phát cơ bản tháng Một so cùng kỳ ở mức 1,83% phản ánh nhu cầu về tiền tệ cuối năm âm lịch tăng hơn so với các tháng khác, tuy nhiên chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định.../.