Cải cách phải thực chất
Từ nay đến khi CPTPP có hiệu lực, Việt Nam còn phải sửa đổi quy định pháp luật theo hướng tạo công bằng, thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài và trong nước. Đây là lợi ích lâu dài và được đánh giá là rất lớn của FTA thế hệ mới này đối với nền kinh tế Việt Nam. Khi đó, doanh nghiệp sẽ được hưởng môi trường kinh doanh, được hưởng quy trình thủ tục minh bạch, rõ ràng hơn. CPTPP là cơ hội để Việt Nam cải cách thể chế lần thứ hai, sau WTO.
Đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia kinh tế trong Hội thảo “Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương: Các cam kết cơ bản - Những lưu ý cho doanh nghiệp” khi đề cập đến tương lai của nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp Việt Nam khi CPTPP chính thức có hiệu lực.
Ông Lộc cho rằng, khi CPTPP chính thức có hiệu lực, thách thức lớn nhất của Chính phủ Việt Nam cũng như các doanh nghiệp đó chính là việc cải cách thể chếLý giải về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho hay, CPTPP quy định rất nhiều nghĩa vụ, trong đó có các nghĩa vụ liên quan đến minh bạch hóa, xử lý tranh chấp, phòng chống tham nhũng và rất nhiều nghĩa vụ khác tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Nếu thực hiện những nghĩa vụ này, Việt Nam cũng phải sửa đổi hàng loạt quy định pháp luật.
Thực tế, trong quá trình biên soạn để sửa Luật Đầu tư, Việt Nam đã từng bước lồng ghép nghĩa vụ CPTPP vào và các luật sau này cũng thế. Cơ quan nhà nước đã được phổ biến về CPTPP để thấy FTA này áp dụng các tiêu chuẩn cao, mới và Việt Nam cũng dần thực hiện, lồng ghép vào quá trình ban hành các văn bản pháp luật trong nước thời gian qua và sắp tới.
Chia sẻ về những cơ hội và thách thức khi CPTPP chính thức có hiệu lực, ông khẳng định: “cơ hội nhiều song thách thức cũng không ít”. Một trong những thách thức mà Việt Nam có thể gặp phải, đó là làm thế nào để cả các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp cùng vào cuộc, để cả hệ thống cải cách một cách thực chất, toàn diện và hiệu quả.
Khi CPTPP có hiệu lực, chắc chắn Việt Nam còn phải sửa đổi quy định pháp luật nhiều hơn nữa để tạo thuận lợi doanh nghiệpTheo ông Vũ Tiến Lộc, nhìn từ góc độ thể chế, CPTPP đã tạm hoãn một số nghĩa vụ phức tạp trong TPP, đặc biệt, trong một số khía cạnh về sở hữu trí tuệ, tranh chấp Nhà nước - nhà đầu tư nước ngoài… Điều này chắc chắn sẽ giúp Việt Nam và các nước có thêm thời gian điều chỉnh và thích ứng ở các lĩnh vực liên quan. Tuy nhiên, CPTPP cũng tạo áp lực cho việc sửa đổi, cải cách thể chế kinh tế đối với Việt Nam.
"Các điều khoản trong CPTPP đòi hỏi thực hiện nhiều cải cách, trong nhiều lĩnh vực, kể cả trong quan điểm, cũng như vấn đề pháp lý, hành chính. Chính những đòi hỏi này đã tạo thêm động lực phát triển, giúp nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, khuôn khổ pháp luật, tính cạnh tranh, môi trường đầu tư, kinh doanh", ông Lộc cho hay.
Cải cách phải lấy lợi ích của doanh nghiệp làm trung tâm
Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế nhận định, tác động quan trọng nhất của CPTPP là tạo động lực thúc đẩy quá trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm giấy phép con giúp doanh nghiệp phát triển. Qua đó tạo động lực vững chắc cho sự phát triển kinh tế.
Liên quan vấn đề này, Th.S Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, nhìn tổng thể quá trình cải cách của Việt Nam trong 30 năm qua, chúng ta nhận thấy, lợi ích mà Việt Nam đạt được nhiều nhất là cải cách trong nước và hội nhập là chất xúc tác để thúc đẩy quá trình cải cách này gần hơn với lợi ích của người dân, đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm trong quá trình hoạch định chính sách.
Cải cách phải lấy lợi ích của người dân và doanh nghiệp làm trung tâmKhác với giai đoạn 2016 trở về trước, hiện nay cải cách lại phải đi trước quá trình hội nhập, cải cách chính là động lực cho doanh nghiệp. Vì vậy ở đây câu chuyện quan trọng nhất là Chính phủ vẫn phải hướng về cộng đồng doanh nghiệp, đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm.
“Theo đó, Chính phủ cần tiếp tục có biện pháp thực tế nhằm cắt giảm các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, đồng thời có những chính sách khác nhằm ứng phó kịp thời với những cú sốc bất lợi, xử lý thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hoặc làm cách nào để gắn kết hơn người lao động với cộng đồng doanh nghiệp, đây là những vấn đề mang tính kỹ thuật nhưng có tính lâu dài”, Th.S Nguyễn Anh Dương khuyến nghị.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển cũng cho rằng, thời gian vừa qua, Chính phủ đã có quyết tâm rất lớn trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, ông Tuyển cho biết, những việc làm này của Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa, thực hiện đúng những cải cách mà doanh nghiệp cần.
Theo ông Trương Đình Tuyển, cải cách chính là tạo động lực cho doanh nghiệp. Do đó, điều quan trọng nhất là Chính phủ phải hướng về cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe những khó khăn vướng mắc của họ, đặt họ vào vị trí trung tâm của phát triển và tăng trưởng kinh tế.