Tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ hợp pháp các ngành sản xuất trong nước
Báo cáo về công tác thực thi pháp luật phòng vệ thương mại tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Chu Thắng Trung cho biết, trước bối cảnh nhiều hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá hoặc được trợ cấp gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số ngành sản xuất trong nước, công tác khởi kiện, điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ hợp pháp các ngành sản xuất trong nước.
Năm 2024, Cục Phòng vệ thương mại tiếp tục điều tra, rà soát 10 vụ việc đã khởi xướng trong năm 2023; khởi xướng điều tra 06 vụ việc mới, khởi xướng rà soát 03 vụ việc rà soát cuối kỳ; khởi xướng 01 rà soát hàng năm, tiếp nhận và xử lý 07 hồ sơ đề nghị điều tra và rà soát mới.
Trong số 55 vụ việc điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, đã có 31 biện pháp phòng vệ thương mại có hiệu lực. Các biện pháp này đã góp phần bảo đảm môi trường thương mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và việc làm của hàng triệu lao động, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội, tăng thu cho ngân sách nhà nước khoảng 1,5 nghìn tỷ mỗi năm.
Về công tác rà soát các biện pháp phòng vệ thương mại đang được áp dụng, trong năm 2024, Cục Phòng vệ thương mại đã thực hiện 12 vụ việc rà soát các biện pháp phòng vệ thương mại đang được áp dụng theo quy định để đảm bảo các biện pháp được áp dụng đúng đối tượng, đúng mức độ và đúng điều kiện. Trong số các vụ việc rà soát có 02 vụ việc rà soát nhà xuất khẩu mới, 04 vụ việc rà soát hàng năm và 06 vụ việc rà soát cuối kỳ.
Cục đã trình Lãnh đạo Bộ báo cáo đánh giá tổng thể tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành thép, ngành mía đường và đưa ra các khuyến nghị.
Cục cũng đã phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng theo dõi sát sao tình hình nhập khẩu các mặt hàng chủ chốt để đảm bảo thị trường trong nước phát triển lành mạnh, hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất trong nước nộp hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại khi có dấu hiệu hàng hóa nhập khẩu gia tăng nhanh gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế.
Ngoài ra, nhằm theo dõi và đánh giá sát sao hiệu quả của các biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng, Cục Phòng vệ thương mại đã nghiên cứu, rà soát các biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng đối với các mặt hàng để kịp thời có điều chỉnh phù hợp đảm bảo cung cầu trên thị trường.
Về tiếp nhận và xử lý hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, năm 2024, Cục Phòng vệ thương mại đã thông báo và tiếp nhận 94 hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (bao gồm cấp miễn trừ cho năm 2024-2025 và cấp bổ sung cho năm 2024). Trong đó, liên quan đến các vụ việc chống bán phá giá, Cục đã báo cáo Lãnh đạo Bộ ban hành 72 quyết định miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá và thẩm định, xác định có 14 hồ sơ không đủ điều kiện cấp miễn trừ theo quy định. Liên quan đến các vụ việc tự vệ, Cục đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ, chống lẩn tránh biện pháp tự vệ của các doanh nghiệp nhập khẩu và báo cáo Lãnh đạo Bộ ban hành 04 quyết định miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong năm 2024, 02 quyết định bổ sung lượng miễn trừ năm 2024 và 02 quyết định miễn trừ thời kỳ năm 2025.
Về công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra chuyên ngành việc thực hiện các quy định của pháp luật phòng vệ thương mại, Cục đã hoàn thành việc kiểm tra đối với 12/13 doanh nghiệp theo đúng quy định và đúng thời hạn (01 doanh nghiệp thông báo đóng cửa, Cục đã gửi Thanh tra Bộ đề xuất đưa ra khỏi Kế hoạch kiểm tra).
Về công tác ứng phó các vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài, năm 2024, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với 32 vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài mới khởi xướng phát sinh từ 12 thị trường (trong đó có 01 thị trường lần đầu tiên điều tra với Việt Nam là Nam Phi). Con số này tăng gần gấp đôi so với năm 2023 (15 vụ việc). Hoa Kỳ vẫn là nước điều tra nhiều nhất với 11 vụ việc (chiếm khoảng 1/3 số vụ việc năm 2024).
Bên cạnh các vụ việc mới phát sinh, Cục Phòng vệ thương mại tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xử lý một số vụ việc phòng vệ thương mại khởi xướng từ năm 2023 chưa kết thúc điều tra và các vụ việc rà soát áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (hiện vẫn còn hơn 100 biện pháp còn hiệu lực). Đơn cử, có những biện pháp đã được áp dụng hơn 20 năm như lệnh áp thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ với cá tra-basa, tôm nước ấm vẫn được rà soát hàng năm.
Nhiều kết quả tích cực
Theo Cục Phòng vệ thương mại, năm 2024 ghi nhận các cuộc điều tra phòng vệ thương mại không chỉ gia tăng về số lượng (gần gấp đôi năm 2023), mà còn trở nên phức tạp hơn khi nhiều quốc gia điều tra các nội dung mới chưa từng có tiền lệ như: Hoa Kỳ điều tra trợ cấp xuyên quốc gia với pin mặt trời và vỏ viên nhộng; Canada lần đầu tiên điều tra chống lẩn tránh với một nước (là Việt Nam)… Cùng với đó, sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng, từ các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn như pin mặt trời (4,2 tỷ USD), tôm (800 triệu USD), thép chống ăn mòn (242 triệu USD) đến các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu thấp hơn như khay đúc bằng sợi (50 triệu USD), đĩa giấy (9 triệu USD)…
Trước bối cảnh đó, Cục Phòng vệ thương mại đã triển khai hàng loạt biện pháp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế như: (i) cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh để các cơ quan chức năng, hiệp hội, doanh nghiệp phối hợp theo dõi và nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp; (ii) chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, hiệp hội, ngành hàng xử lý các vụ việc phát sinh: hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định điều tra và xây dựng phương án ứng phó; trả lời các bản câu hỏi và tham gia các cuộc thẩm tra dành cho Chính phủ Việt Nam; xây dựng lập luận, phản biện, tham vấn với cơ quan điều tra nước ngoài khi có cáo buộc thiếu chính xác hoặc hoạt động và kết luận điều tra chưa phù hợp với các quy định quốc tế, pháp luật của nước sở tại; (iii) đưa vụ việc ra cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)…
Nhờ đó, công tác xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong năm 2024 như: Hoa Kỳ chấm dứt điều tra chống lẩn tránh với tủ gỗ, chấm dứt điều tra chống bán phá giá nhôm đùn ép, chấm dứt điều tra phạm vi sản phẩm với bánh xe kéo bằng thép; Hoa Kỳ xác định thuế chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh thấp ở mức 2,84% đối với toàn ngành (trừ 01 doanh nghiệp không tham gia vụ việc), thấp hơn so với đối thủ từ Ấn Độ (5,77% - 5,87%) và Ecuador (3,57 - 4,41%); Hoa Kỳ sơ bộ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp ở mức thấp đối với doanh nghiệp xuất khẩu đĩa giấy lớn nhất (5,48%); Hoa Kỳ sơ bộ kết luận tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tham gia rà soát được hưởng mức thuế suất 0 USD/kg cho kỳ rà soát hành chính lần thứ 20 thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra - basa phi lê đông lạnh; Các doanh nghiệp hợp tác được hưởng thuế 0% trong vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ điều tra chống lẩn tránh pin năng lượng mặt trời; Một số doanh nghiệp được miễn trừ hoàn toàn hoặc một phần việc mở rộng biện pháp thuế gốc trong vụ việc EU điều tra chống lẩn tránh thép không gỉ; Các doanh nghiệp hợp tác được hưởng thuế 0% trong vụ việc Ấn Độ điều tra chống bán phá giá với ống thép hàn không gỉ...
"Việc các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp/thấp hơn so với các nước cùng bị điều tra đã góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu." - Đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho biết.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ 10 tháng đầu năm 2024 đạt 7,34 tỷ USD, tăng 25,25% so với cùng kỳ năm 2023; xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hoa Kỳ 10 tháng đầu năm 2024 đạt 646 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, mức thuế trong một số vụ việc do Hoa Kỳ điều tra còn khá cao. Ví dụ như trong kỳ rà soát hành chính lần thứ nhất lệnh áp thuế chống bán phá giá với mật ong, biên độ phá giá toàn quốc sơ bộ không đổi so với lệnh áp thuế ban đầu (60,03%), tuy nhiên, biên độ phá giá sơ bộ của 02 bị đơn bắt buộc - cũng là bị đơn trong vụ việc ban đầu và biên độ phá giá riêng rẽ sơ bộ của 13 công ty lại tăng gấp đôi (58,74% - 61,27% lên 100,54% - 154,47%) mặc dù cả Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam đều đã tích cực tham gia vụ việc và hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra của Hoa Kỳ. Cục Phòng vệ thương mại nhận định, nguyên nhân chính là do Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường nên áp dụng giá trị thay thế từ nước thứ ba, không phản ánh đúng thực tiễn sản xuất của Việt Nam.
Về công tác giải quyết tranh chấp, Cục Phòng vệ thương mại đang tiếp tục xử lý vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO về thuế chống phá giá của Hoa Kỳ đối với cá tra-basa Việt Nam (DS536). Nhằm tạo điều kiện để hai Bên thảo luận giải pháp song phương giải quyết vụ việc, Việt Nam và Hoa Kỳ đã 19 lần đề nghị WTO gia hạn thời gian ban hành báo cáo của Ban Hội thẩm, thời hạn mới nhất đến ngày 14 tháng 02 năm 2025.
Cho đến nay, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ cơ bản đã đạt được nội dung thỏa thuận song phương giải quyết vụ việc. Việc cho phép ký kết Thỏa thuận này đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 109/NQ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2022.
Tuy nhiên, việc ký kết Thỏa thuận đang tạm thời gián đoạn do Nguyên đơn - đại diện ngành sản xuất cá tra, basa của Hoa Kỳ thay đổi quan điểm, chưa đạt được thỏa thuận mong muốn với ngành sản xuất của ta. Trong thời gian qua, Cục Phòng vệ thương mại thường xuyên cập nhật thông tin từ đại diện ngành sản xuất của Việt Nam, luật sư tư vấn của Chính phủ về thỏa thuận nội bộ giữa đại diện ngành sản xuất cá tra, basa của hai bên, từ đó chủ động thảo luận với phía Hoa Kỳ về thỏa thuận song phương giữa hai Chính phủ.
Tích cực truyền thông, phổ biến về phòng vệ thương mại
Bên cạnh đó, nhằm tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến về phòng vệ thương mại, Cục đã tiến hành các hoạt động, cụ thể: Duy trì và cập nhật thông tin lên website của Cục với 380 tin/bài trong năm 2024. Theo thống kê trung bình có khoảng 40.000 người theo dõi với tần suất hơn 78.000 lượt truy cập website Cục; Cập nhật thông tin phòng vệ thương mại trong nước cung cấp cho Văn phòng Bộ điểm tin hàng ngày; Phát hành 40 số Bản tin điện tử phòng vệ thương mại và Cảnh báo sớm; Phát hành 04 số Bản tin giấy phòng vệ thương mại theo từng Quý, 02 Bản tin giấy phòng vệ thương mại và Cảnh báo sớm; Tham gia một số tọa đàm trực tuyến về công tác phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm trên các kênh truyền thông như Truyền hình Quốc hội, VTC, Dân Việt, Báo Công thương, Tạp chí Công thương; Thường xuyên cung cấp thông tin, phỏng vấn, và trả lời theo đề nghị của các cơ quan truyền thông như: Thời báo Tài chính Việt Nam, Báo Đấu thầu, Báo Công thương, Tạp chí Công Thương, Báo Tuổi trẻ, VTV, Báo Pháp luật Hồ Chí Minh, Washington Post (Hoa Kỳ).
Đồng thời, Cục cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo tập huấn tăng cường phổ biến pháp luật về phòng vệ thương mại. Cụ thể, năm 2024, Cục đã tổ chức thành công Diễn đàn Phòng vệ thương mại: Tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng tưởng bền vững lần đầu tiên với nội dung đánh giá hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng thời gian qua và thu hút lượng lớn sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, các Hiệp hội và cơ quan ban ngành; 25 hội thảo, hội nghị về phòng vệ thương mại tại các địa phương (Lai Châu, Điện Biên, Hà Nội, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Đắk Nông, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu...); 10 cuộc tọa đàm trao đổi chuyên môn với các doanh nghiệp, Hiệp hội bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại; và 06 buổi đào tạo chuyên sâu cho các doanh nghiệp cơ khí, nhôm, thép, lốp xe…
Cục cũng đã phối hợp tổ chức thành công: i) Phiên đối thoại cấp cao Việt Nam - Australia lần thứ 3 về phòng vệ thương mại tại Australia tháng 6/2024 trong khuôn khổ chương trình “Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế” (EEES) giữa Việt Nam và Australia; ii) Kỳ họp lần thứ 9 Tiểu ban PVTM thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) và Kỳ họp lần thứ 8 Nhóm Công tác chung về phòng vệ thương mại Việt Nam - Hàn Quốc tại Hàn Quốc tháng 11 năm 2024; iii) Diễn đàn về phòng vệ thương mại của các quốc gia thành viên ASEAN.
Trong năm 2024 vừa qua, Cục Phòng vệ thương mại đã chủ động trình Lãnh đạo Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về: i) các chương trình trợ cấp bị điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và một số kiến nghị và ii) việc Hoa Kỳ tăng cường áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của ta. Bên cạnh đó, Cục đã tích cực chuẩn bị tài liệu và nội dung làm việc cho Lãnh đạo Bộ trong các cuộc họp tiếp song phương các đối tác như Hoa Kỳ, Australia...
Định hướng các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện Cục Phòng vệ thương mại cũng cho biết, trong quá trình triển khai công tác năm 2024 vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể:
Về sự bất cập trong quy định pháp luật, đến thời điểm hiện tại, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng vệ thương mại đã khá hoàn chỉnh, tuy nhiên, sau một thời gian thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về phòng vệ thương mại, Luật Đấu thầu năm 2023 về việc thuê luật sư, Cục đã nghiên cứu rà soát và báo cáo Lãnh đạo Bộ một số bất cập trong các văn bản hiện hành về phòng vệ thương mại cần hoàn thiện nhằm đáp ứng sự phát triển của thực tiễn.
Về thực thi pháp luật về phòng vệ thương mại, nhận thức về phòng vệ thương mại, đặc biệt là tác động nhiều chiều của các biện pháp phòng vệ thương mại còn chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, thực tiễn áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trong thời gian qua đã bộc lộ một số nội dung cần được xem xét, xử lý để tăng cường hiệu quả của biện pháp phòng vệ thương mại như: (i) xác định chính xác phạm vi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại; (ii) theo dõi hiệu quả của biện pháp PVTM được áp dụng (kể cả xu thế lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại) để có biện pháp xử lý kịp thời.
Hạn chế về nguồn lực, do khối lượng, quy mô của công tác phòng vệ thương mại tăng rất nhanh trong thời gian qua, nhưng, hiện nay nguồn lực dành cho công tác này còn hạn chế, kể cả về số lượng các công chức, điều tra viên xử lý vụ việc cũng như nguồn kinh phí. Để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn thì một nhiệm vụ đặt ra là cần tăng cường nguồn lực cho công tác phòng vệ thương mại. Đặc biệt, đối với các nội dung liên quan tới điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thì các cán bộ, công chức của Cục Phòng vệ thương mại cần tiếp tục được bồi dưỡng, nâng cao năng lực pháp lý, các kiến thức về hải quan, xuất nhập khẩu.
Về cơ chế phối hợp, để có thể cảnh báo sớm và xử lý hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng, ngăn chặn các hành vi lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ thương mại cần được chủ động hơn trong việc tiếp cận các dữ liệu thống kê xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan. Cơ chế trao đổi hiện tại mang tính thụ động, trong khi nhu cầu thông tin về số liệu xuất nhập khẩu là thường xuyên, liên tục, gắn liền với nhiệm vụ cảnh báo sớm cho doanh nghiệp trong ứng phó vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Về cơ chế tài chính, trong bối cảnh các nước ngày càng tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, thời hạn xử lý vụ việc ngắn, công tác ứng phó với các vụ việc do nước ngoài điều tra và áp dụng đối với hàng xuất khẩu, đòi hỏi phải có một cơ chế tài chính đặc thù dự phòng để kịp thời xử lý ngay khi vụ việc phát sinh.
Định hướng công tác năm 2025, đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho biết, Cục sẽ tiếp tục điều tra các vụ việc từ năm 2024, rà soát hàng năm việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, rà soát nhà xuất khẩu mới, đánh giá hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng,... Đồng thời, năm 2025, Cục sẽ tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp theo Kế hoạch của Bộ (Cục đã gửi Thanh tra Bộ đề xuất kiểm tra 16 doanh nghiệp trong năm 2025).
Về công tác ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục sẽ tiếp tục xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng trong thời gian qua và các vụ việc mới phát sinh (nếu có), tập trung vào vụ việc chống trợ cấp (trong đó Chính phủ là một bên bị điều tra), điều tra tình hình thị trường đặc biệt và các vụ việc liên quan tới các ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn như thép, pin năng lượng mặt trời... do tác động lớn.
Tiếp tục hỗ trợ xử lý các vụ việc rà soát biện pháp phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, tập trung vào rà soát biện pháp chống trợ cấp (trong đó Chính phủ là một bên bị điều tra), tình hình thị trường đặc biệt và các biện pháp liên quan tới các ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn như thép, gỗ, thủy sản... do tác động lớn.
Tiếp tục theo dõi, cập nhật và trao đổi với Hoa Kỳ về việc ký thỏa thuận song phương vụ việc giải quyết tranh chấp liên quan đến thuế chống bán phá giá cá tra, cá basa nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước liên quan.
Về công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến, đào tạo, nghiên cứu, Cục sẽ tiếp tục duy trì cập nhật thông tin lên website của Cục và Bộ hàng ngày; tiếp tục kế hoạch phát hành 48 số Bản tin điện tử phòng vệ thương mại và Cảnh báo sớm; phát hành 04 số Bản tin giấy phòng vệ thương mại theo từng Quý; phát hành các ấn phẩm, video clip tuyên truyền, phổ biến về phòng vệ thương mại... Bên cạnh đó, năm 2025, Cục sẽ tiếp tục tổ chức Diễn đàn Phòng vệ thương mại lần thứ 2 và tổ chức các chương trình tuyên truyền, hội thảo, hội nghị, tọa đàm, tập huấn, đào tạo các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các tỉnh/thành phố trên cả nước.
Ngoài ra, Cục sẽ tổ chức Phiên đối thoại cấp cao Việt Nam - Australia lần thứ 4 về phòng vệ thương và các hoạt động bên lề tại Việt Nam trong năm 2025; Tổ chức Kỳ họp lần thứ 10 Tiểu ban phòng vệ thương mại thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) và Kỳ họp lần thứ 9 Nhóm Công tác chung về phòng vệ thương mại Việt Nam - Hàn Quốc và các hoạt động bên lề trong năm 2025.
Để hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ năm 2025, Cục Phòng vệ thương mại kiến nghị tiếp tục nhận được sự chỉ đạo tập trung của Lãnh đạo Bộ trong cả công tác điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu và công tác hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài; Tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Lãnh đạo Bộ trong các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Cục; trong công tác xây dựng tổ chức, nhân sự và phân bổ nguồn lực để đáp ứng yêu cầu công việc.
Đồng thời, tiếp tục nhận được sự phối hợp, chia sẻ thông tin, tham gia ý kiến kịp thời của các đơn vị trong Bộ; nhận được sự phối hợp của các hiệp hội để xây dựng các hoạt động hướng dẫn cho các doanh nghiệp là thành viên hiệp hội nắm bắt những kiến thức chuyên sâu về phòng vệ thương mại.
Không ngừng vận động các quốc gia công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường
Tính đến nay, đã có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường. Năm 2024, Costa Rica công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Trong gần 23 năm qua, Cục Phòng vệ thương mại đã không ngừng thúc đẩy công tác đề nghị các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như: Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil... công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Bên cạnh đó, trước sự biến đổi phức tạp không ngừng của thương mại không biên giới, một số nước mặc dù đã công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường song vẫn quy định và áp dụng những biến thể của kinh tế thị trường như “tình trạng thị trường đặc biệt” hoặc “các quốc gia buộc phải tuân thủ” trong điều tra phòng vệ thương mại để áp đặt, đối xử với một số ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam thuộc quốc gia có nền kinh tế phi thị trường. Trong hơn một thập kỷ lại đây, Cục Phòng vệ thương mại đã liên tục đấu tranh, hỗ trợ các ngành sản xuất, xuất khẩu phản bác việc áp dụng các biến thể kinh tế thị trường trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá và trợ cấp của nước ngoài, giữ vững thị trường xuất khẩu.
Đối với việc đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường, trong suốt 270 ngày tham gia quy trình theo quy định pháp luật của Hoa Kỳ, Cục Phòng vệ thương mại đã phối hợp với luật sư tư vấn của Chính phủ cung cấp hơn 20.000 trang thông tin, tài liệu nhằm chứng minh sự tiến bộ mạnh mẽ của Việt Nam trên tất cả sáu tiêu chí mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra khi xem xét công nhận một quốc gia có nền kinh tế thị trường. Các bản lập luận của Bộ Công Thương cũng chứng minh một cách đầy đủ, nhất quán về mức độ thực hiện sáu tiêu chí này của Việt Nam ít nhất là ngang bằng và thường tốt hơn so với mức độ thực hiện của các quốc gia khác đã được công nhận nền kinh tế thị trường; và thực tế tương đương hoặc tốt hơn các quốc gia đã luôn được coi là nền kinh tế thị trường.
Bên cạnh đó, Cục Phòng vệ thương mại cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan vận động 41 tổ chức, cá nhân, hiệp hội doanh nghiệp, thương mại Hoa Kỳ bày tỏ ý kiến ủng hộ mạnh mẽ việc công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường. Trong đó có những tổ chức, cá nhân đại diện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ như Hiệp hội Nông nghiệp quốc gia Hoa Kỳ (NASDA), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), Hiệp hội Các nhà bán lẻ Hoa Kỳ.
Mặc dù kết luận do Bộ Thương mại Hoa Kỳ ban hành tiếp tục chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường, nhưng cũng đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực về nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua.
"Trong thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, phân tích các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, để bổ sung, hoàn thiện lập luận cũng như cân nhắc thời điểm thích hợp nhằm nộp hồ sơ đề nghị Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam." - Đại diện Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh.