Chuyển giao 5 vụ có dấu hiệu hình sự cho Cơ quan cảnh sát điều tra
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục QLTT Vĩnh Phúc thường xuyên chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường công tác nắm bắt địa bàn, chủ động kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh.
Kết quả, đã kiểm tra tổng số 373 vụ; xử lý trong kỳ 189 vụ; tổng tiền xử phạt vi phạm hành chính và nộp ngân sách nhà nước 2,3 tỷ đồng (đạt 76,8 % chỉ tiêu đăng ký thi đua năm 2024 của Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc). Các hành vi vi phạm chủ yếu về kinh doanh hàng hoá nhập lậu; vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ; vi phạm về giá; vi phạm trong kinh doanh; vi phạm về An toàn thực phẩm; vi phạm khác.
Đặc biệt, Cục QLTT Vĩnh Phúc đã chuyển giao Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Vĩnh Phúc 05 vụ sản xuất hàng hóa là thực phẩm có dấu hiệu tội phạm hình sự (01 vụ sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa (Mứt Tết) + 04 vụ dấu hiệu hàng hóa giả về chất lượng sản phẩm hàng hóa (mật ong)). Kết quả xử lý đến thời điểm hiện tại: đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 01 vụ sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa (Mứt Tết); Cơ quan cảnh sát điều tra đã chuyển giao lại cho cơ quan quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc 02 vụ để xử lý vi phạm hành chính (vi phạm về chất lượng hàng hóa)
Đồng thời, lực lượng QLTT Vĩnh Phúc đã vận động, ký cam kết không kinh doanh hàng hoá nhập lậu; không sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng giả... với 256 cơ sở trên địa bàn.
Ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân được nâng lên
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Cục QLTT Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát các Đội QLTT đã thực hiện tuyên truyền pháp luật và vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh ký cam kết không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, không sản xuất buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng: Bằng các hình thức tuyên truyền trực tiếp, treo băng rôn, phát tài liệu, tờ rơi tuyên truyền…
Ngoài ra, phối hợp với Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) tổ chức Hội nghị tập huấn phân biệt hàng giả, hàng thật cho công chức cục quản lý thị trường và các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh như công an, hải quan, thanh tra Khoa học và Công nghệ....với gần 70 người tham dự.
Phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh duy trì các chuyên mục: “Nói không với thực phẩm bẩn” phát sóng 01 số/tuần định kỳ thứ 3 hàng tuần sau chương trình bản tin Thời sự 19h45 và phát sóng trong chương trình phát thanh của Đài; chuyên mục “Chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng” phát sóng 01 số/tuần định kỳ sau bản tin Thời sự 19h45 ngày thứ 6 hàng tuần; chuyên mục “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phát sóng định kỳ mỗi tuần 01 số.
Phối hợp Cổng thông tin giao tiếp điện tử tỉnh duy trì hoạt động chuyên mục “Phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả” trên (website) điện tử, trong năm đã phối hợp thường xuyên đăng tải các tin bài, phóng sự về hoạt động đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các lực lượng chức năng, và các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ.
Phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc đăng tải tin bài, hình ảnh và media về công tác đấu tranh buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả và vi phạm an toàn thực phẩm của lực lượng quản lý thị trường trên Bản tin Công Thương và trang thông tin điện tử của ngành Công Thương Vĩnh Phúc tại địa chỉ vinhphucit.gov.vn.
Đồng thời, thường xuyên phối hợp Báo Vĩnh Phúc, các cơ quan thông tấn Trung ương tại địa phương tăng cường đưa tin, bài tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Duy trì và đăng tải thông tin, về triển khai thực hiện nhiệm vụ và kết quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường tỉnh trên trang thông tin điện tử của Cục QLTT Vĩnh Phúc tại địa chỉ: Vinhphuc.dms.gov.vn và tham gia viết tin, bài đề nghị đăng tải tại cổng thông tin điện tử của Tổng Cục quản lý thị trường.
Chính vì chú trọng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cho nên nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân được nâng lên.
Duy trì tốt công tác phối hợp
Công tác phối hợp giữa lực lượng QLTT Vĩnh Phúc với các lực lượng chức năng ngày càng được quan tâm, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Cục QLTT Vĩnh Phúc cũng duy trì và thực hiện tốt các quy chế, kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng
Cục QLTT Vĩnh Phúc luôn duy trì tốt công tác phối hợp với các cấp, các ngành và các cơ quan chức năng có liên quan trên địa bàn trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường như: Công an tỉnh, Sở y tế, Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các huyện, thành phố, ...từ đó góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh với các hoạt động sản xuất, kinh doanh trái pháp luật, hạn chế tình trạng buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại; ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, thường xuyên nắm bắt thông tin, quản lý địa bàn và thực hiện kiểm tra, kiểm soát đối với các mặt hàng theo chỉ đạo của các cơ quan thẩm quyền; tổ chức quán triệt, triển khai đồng bộ, kịp thời các văn bản, chính sách pháp luật về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và các văn bản có liên quan để triển khai đến toàn lực lượng thực hiện.
Trên khâu lưu thông, lực lượng QLTT phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đặc biệt là phòng cảnh sát giao thông công an tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành dừng, khám phương tiện vận chuyển hàng hóa có dấu hiệu vi phạm lưu thông qua địa bàn tỉnh, ngăn chặn, xử lý kịp thời đối với các hành vi buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đáng chú ý, Cục QLTT Vĩnh Phúc đã chủ trì Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra do Chủ tịch UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thành lập, tổ chức tiến hành kiểm tra 321 vụ.
Quyết liệt thực hiện các giải pháp quản lý thị trường
Để chủ động ngăn ngừa gian lận thương mại, bảo đảm bình ổn thị trường, góp phần tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, 6 tháng cuối năm 2024, Cục QLTT Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản, kế hoạch thực hiện của Bộ Công Thương, Tổng Cục QLTT, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo 389 Vĩnh Phúc về kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tăng cường công tác quản lý địa bàn, theo dõi diễn biến thị trường đối với các mặt hàng như: Lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas, thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế, vàng, thuốc lá, thuốc lá thế hệ mới...để kịp thời phát hiện, kiểm tra đột xuất nhằm ngăn chặn các hành vi kinh doanh hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rỗ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm...
Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử.
Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương để nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm an toàn thực phẩm....
Chỉ đạo đơn vị trực thuộc tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật với các hình thức phù hợp; chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông nâng cáo chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động người dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận trong kinh doanh; tích cực phát hiện, tố giác với cơ quan chức năng các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh để xử lý.