Như ở bài trước chúng tôi trình bày, nhiều doanh nghiệp phân phối điện thoại, điện máy như Thế giới di động, Digiworld, FPT Retail, Nguyễn Kim… khi nhảy vào thị trường dược phẩm đều dùng cách mua lại hệ thống mà các công ty dược đang sở hữu để kinh doanh ngay; ngược lại, Vingroup lại dùng cách đi lên từ đầu, ngay từ khâu nghiên cứu, sản xuất. Vì sao trên cùng một thị trường có 2 dòng chảy khác nhau?
Nhưng có lẽ trước hết cần làm rõ vì sao nhiều doanh nghiệp rất xa lạ, thậm chí không liên quan đến lĩnh vực dược phẩm lại nhảy vào thị trường này? Câu trả lời đơn thuần là áp lực kinh doanh.
Bạn thử nghĩ xem, những doanh nghiệp trên đều là công ty cổ phần, mỗi lần tới kỳ đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên, HĐQT lo gì nhất? Cổ đông kỳ vọng gì nhất? Đó là lợi nhuận, là phần trăm trả cổ tức, là thị giá cổ phiếu. Những cái kỳ vọng ấy đủ khiến HĐQT phải nát óc trước ĐHCĐ cả quý. Biết bao phương án đặt lên bàn nghị sự, biết bao quyết sách được vạch ra, tất cả chỉ để thỏa mãn mong muốn của cổ đông.
Phương án đơn giản
nhất là mở rộng địa bàn kinh doanh. Từ 2012 đến nay, các chuỗi cửa hàng điện
thoại, điện máy liên tục phình ra. Nhưng đến năm 2017, hai mảng điện thoại và
điện máy có dấu hiệu bão hòa. Với Thế giới di động, tốc độ mở cửa hàng mới đã nhanh
hơn tốc độ tăng trưởng chung của thị trường đến 7,5%.
Hiện công ty này có 1.100 cửa hàng thế giới di động và 600 cửa hàng Bách hóa xanh, khiến cửa hàng mới cạnh tranh trực tiếp với cửa hàng hiện tại, làm doanh thu gần như không tăng trưởng. Vì thế, thị phần 2 mảng này giữ nguyên ở mức 62%, trong khi trước đây công ty thường giành thêm 1-2% thị phần mỗi quý.
FPT Retail có kế
hoạch tăng trưởng doanh thu trung bình 20% và tăng trưởng lợi nhuận sau thuế
27% trong 3 năm tiếp theo đến 2020. Nhưng vì giá điện thoại không ngừng giảm; từ
2013 - 2017, số lượng smartphone tiêu thụ ở Việt Nam tăng hơn 3 lần, nhưng giá
trị thị trường chưa tăng tới gấp đôi, nghĩa là giá trung bình 1 chiếc
smartphone tại Việt Nam đang ngày một rẻ đi.
Để duy trì mức tăng doanh thu, FPT Retail buộc phải liên tục mở thêm cửa hàng. Mặc dù số cửa hàng của FPT Retail chưa nhiều, khoảng trên 500, song số cửa hàng điện thoại trên thị trường đã cận bão hòa, nếu mở tiếp cửa hàng điện thoại thì ít hiệu quả, phải mở rộng 2 lần chiều rộng (doanh thu) mới được 1 lần chiều sâu (lợi nhuận).
Nguyễn Kim, Digiworld, Thiên Hòa… cũng vướng vào câu chuyện bão hòa tương tự, nên chuyển hướng sang lĩnh vực khác là việc phải làm nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng, hiệu quả kinh doanh, điều mà các cổ đông - những người giao vốn cho công ty kỳ vọng, đòi hỏi.
Bây giờ trở lại câu hỏi đầu tiên, vì sao cùng là “người ngoại đạo”, song những công ty nói trên chọn cách mua lại công ty dược để kinh doanh luôn; như Thế giới di động mua Phúc An Khang, FPT Retail mua Long Châu, Nguyễn Kim thâu tóm Dược Lâm Đồng; Digiworld bắt tay với Vinamedic, còn Vigroup lại tự mình nghiên cứu sản xuất dược phẩm?
Trước hết, đó là
do các công ty điện máy, điện thoại là những hệ thống kinh doanh theo chuỗi, việc
lấn sân sang dược phẩm, thực chất cũng là kinh doanh dược phẩm, có nhiều điểm tương
đồng về quản lý và quản trị. Hơn nữa, đứng sau Thế Giới Di Động, Nguyễn Kim...
là các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phần, muốn làm gì thì
phải thông qua (nói đúng hơn là xin phép), họ gật thì được, lắc thì thôi.
Các quỹ này thực chất là kinh doanh vốn, họ không ăn đời ở kiếp với 1 công ty nào. Họ tiếp máu cho công ty, thông thường đến khi công ty đã đạt đỉnh điểm, trước khi giảm xuống theo chu kỳ thì bán phần vốn của mình tại công ty đi. Vì thế, chả dại gì họ để vòng quay vốn của mình quá dài. Trong khi Vingroup là doanh nghiệp không phụ thuộc vào các quỹ. Định hướng phát triển của Vingroup trong nhiều năm sau này không phải dịch vụ mà là công nghệ. Ta đã thấy Vingroup sản xuất ô tô, sản xuất điện thoại, và giờ đây là dược phẩm với thương hiệu Vinfa, tiếp đến sẽ là thiết bị y tế.
Đó là những lý do cơ bản khiến dòng chảy của Vingroup khác với dòng chảy của Thế giới di động, Nguyễn Kim, FPT Retail, Digiworld.