"Cuộc chiến" smartphone

Sự biến mất của những tên tuổi cũ, thay thế bằng các tân binh đang cho thấy bộ mặt mới của thị trường smartphone Việt đang mất dần tính đa dạng hóa.

Sự đi xuống của một số thương hiệu truyền thống tạo cơ hội cho các tên tuổi mới vươn lên. Thị trường di động Việt Nam có mức độ cạnh tranh khốc liệt, nhưng cách đua chen không giống các năm trước.

Những tay chơi "đuối sức"

Thị trường điện thoại di động Việt Nam có thể nói đang phân hóa mạnh, mảng cao cấp thuộc về Apple và Samsung, mảng trung cấp do các hãng Trung Quốc chiếm lĩnh còn các dòng điện thoại đình đám một thời như Sony, LG, Nokia dần "đuối sức" và biến mất.

Những thương hiệu vang bóng một thời đang mất dần chỗ đứng tại thị trường Việt Nam. Theo thống kê của GfK, thị phần smartphone của Sony tại Việt Nam trong năm 2017 chỉ là 2,4%, giảm so với mức 3,8% năm trước đó. HTC thậm chí không có tên trong danh sách 10 nhà sản xuất doanh số lớn nhất thị trường.

Nguyên nhân đầu tiên là do các hãng này có quá ít sản phẩm mới ra mắt, thậm chí có hãng như LG suốt 2 năm nay không trình làng smartphone mới nào. Hãng này ngoài XZ2 cao cấp thì họ đem thêm một chiếc Xperia L2 tầm trung về Việt Nam. Bộ đôi XA2 và XA2 Ultra được đánh giá khá cao nhưng chỉ bán hạn chế tại một đại lý và nhanh chóng hết hàng.

Còn HTC, năm 2014, hãng tung tổng cộng 13 mẫu smartphone - nhiều nhất trong số các hãng di động có mặt trên thị trường. Trong khi đó, tính đến đầu tháng 5 năm nay, chưa có bất cứ một mẫu smartphone HTC đời 2018 nào bán ra tại Việt Nam. Sony chỉ có một số sản phẩm bán tại Việt Nam là XZ 2, Xperia L2, bộ đôi XA 2 và XA2 Ultra với số lượng hạn chế. Công ty nghiên cứu thị trường GfK đã thống kê và cho biết thị phần của Sony tại thị trường smartphone Việt Nam chỉ còn 2,4% vào năm 2017.


Cuộc chơi đang nằm trong tay ai?

Phân khúc smartphone cao cấp ở Việt Nam hiện nay được xem như sân chơi riêng của Samsung và Apple.

Những tên tuổi truyền thống có rất ít sản phẩm để cạnh tranh ở phân khúc này trong khi các hãng smartphone mới nổi đến từ Trung Quốc lại tỏ ra chưa đủ sức. Oppo từng phải bỏ dòng cao cấp N và Find, Huawei cũng không bán các sản phẩm cao cấp tại Việt Nam.

Thay vào đó, các hãng mới nổi này tập trung vào phân khúc tầm trung với nhiều sản phẩm được ra mắt từ đầu năm tới nay, đa phần học theo Apple với thiết kế tai thỏ nổi tiếng.

Cũng theo thống kê của GfK, các thương hiệu như Oppo, Vivo, Huawei lần lượt chiếm lĩnh 19,4, 2,4 và 2,3% thị phần. Dự kiến trong năm 2018 này, vị trí của các hãng di động nói trên sẽ tiếp tục tăng lên nhờ những màn đầu tư mạnh mẽ vào loạt sản phẩm vừa ra mắt.

Với việc các hãng di động mới nổi của Trung Quốc cập nhật xu hướng nhanh nhạy, đánh mạnh vào giá và đầu tư lớn vào thương hiệu đã khiến cho các nhà sản xuất smartphone truyền thống vốn cải tiến chậm chạp rơi vào tình trạng lao dốc.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, thị trường smartphone hiện nay đang mất dần tính đa dạng.

"Điểm mạnh của các thương hiệu mới nổi là cập nhật xu hướng nhanh, ưu thế về giá, thiết kế, nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng và chi mạnh vào việc PR, quảng cáo sản phẩm. Nhưng họ lại có một điểm yếu đó là danh tiếng. Chính vì vậy, các thương hiệu mới này chưa đủ sức để "chạy đua" với Samsung hay Apple nhưng đang dần khẳng định vị trí của mình khi đã "đè chết" một số tên tuổi khác.", ông Nam cho biết.

Có thể thấy, so với thời kỳ thịnh vượng cách đây khoảng 5 năm thì thị trường di động Việt Nam hiện nay đang dần đánh mất sự đa dạng mà trở nên phân hóa rõ ràng hơn.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp