Cuộc chơi bán lẻ năm 2019 sẽ như thế nào?

Ngành bán lẻ Việt Nam được đánh giá là tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ bán buôn và bán lẻ Việt Nam chiếm tới hơn 14% GDP cả nước. Bán lẻ cũng thuộc 1 trong 6 ngành nghề thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất.

Việt Nam cũng được Nielsen đánh giá là thị trường tiềm năng về bán lẻ. BMI ước tính đến năm 2017, giá trị thị trường hàng tiêu dùng của Việt Nam vào khoảng 120 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng hàng năm gần 10% trong giai đoạn 2012 – 2017. Nền kinh tế này là một trong những thị trường hàng tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất trong các nền kinh tế mới nổi của châu Á – Thái Bình Dương với tăng trưởng sẽ duy trì mức hai con số từ nay đến năm 2022, theo nghiên cứu của PwC.

Sôi nổi hoạt động M&A bán lẻ và sự lên ngôi của doanh nghiệp Việt

 

Báo cáo mới nhất của VCBS nhận định bán lẻ là ngành có sức hút với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đơn vị này lý giải từ tháng 1/2015 các doanh nghiệp bán lẻ 100% vốn nước ngoài đã được phép thành lập ở Việt Nam. Đồng thời, doanh nghiệp 10 nước ASEAN được bãi bỏ hàng rào thuế quan khi tham gia khu vực mậu dịch chung ASEAN, theo đó, 100% dòng thuế nhập khẩu ở hầu hết các mặt hàng cũng được xóa bỏ vào năm 2018. Môi trường thuận lợi giúp bán lẻ luôn là ngành thu hút đầu tư nước ngoài.

VCBS cho biết làn sóng các giao dịch M&A trong ngành bán lẻ đã dấy lên từ đầu năm 2016 và tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây như một kênh đầu tư hấp dẫn. Bởi nếu năm 2005 chỉ có 18 thương vụ M&A với tổng giá trị là 61 triệu USD thì đến năm 2017 mức này đã tăng lên thành 10,2 tỷ USD.

Một số thương vụ M&A bán lẻ nổi trội trong giai đoạn này có thể kể đến như Central Group thâu tóm chuỗi 33 siêu thị, đại siêu thị BigC Việt Nam với giá 1,14 tỷ USD hồi tháng 4/2016.

Tháng 1/2016, TTC Holdings thâu tóm Metro Cash & Cary Việt Nam của tập đoàn Metro Đức sau đó hợp nhất với Big C Thái Lan. Ước tính Metro chiếm khoảng 22% thị phần bán lẻ của Việt Nam nhưng đã thua lỗ khoảng 12,5 triệu USD kể từ khi hoạt động.

Không chỉ có các doanh nghiệp ngoại tham gia thị trường, M&A trong ngành bán lẻ đã chứng kiến sự trỗi dậy của các nhà đầu tư trong nước.

Ví dụ trong năm 2017 là thương vụ CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động thâu tóm chuỗi siêu thị điện máy Trần Anh với số tiền là 824 tỷ đồng.

Điều này cũng đã diễn ra mạnh mẽ trong năm 2018. Cụ thể, Tập đoàn BGR của doanh nhân Nguyễn Thị Nga đã trở thành nhà đầu tư chiến lược khi mua lại 65% cổ phần của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro)

Hay hồi đầu tháng 10/2018, CTCP Dịch vụ Thương mại VinCommerce, đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup đã xác nhận việc mua lại 100% cổ phần chuỗi siêu thị Fivimart, sau khi Tập đoàn Aeon (Nhật) chấm dứt việc rót vốn. Hệ thống 25 siêu thị Fivimart đã được đổi tên thành VinMart khi thương vụ hoàn tất.

Sau sáp nhập, VinCommerce sở hữu hệ thống bán lẻ tại Việt Nam với khoảng hơn 100 siêu thị VinMart và 1.400 cửa hàng tiện lợi VinMart+ trên toàn quốc.

Tập đoàn này cũng đã chính thức nắm quyền kiểm soát Viễn Thông A hồi đầu tháng 11/2018. Tập đoàn này nắm 100% tỷ lệ biểu quyết và 64,46% tỷ lệ lợi ích củaViễn Thông A.

Việc nắm quyền kiểm soát Viễn Thông A cùng với hệ thống VinPro đang có sẵn sẽ củng cố đang kể vị thế của Vingroup trong lĩnh vực bán lẻ điện thoại, điện máy. Viễn Thông A hiện có 190 cửa hàng với doanh thu hàng năm đạt gần 5.000 tỷ đồng.

Triển vọng tích cực trong năm 2019

 

Với hoạt động mạnh tay đầu tư, thâu tóm các doanh nghiệp bán lẻ, thị trường này được dự báo sẽ càng ngày càng khốc liệt, và cuộc chơi dường như chỉ giành cho các ông lớn. VCBS cũng chỉ ra một số nhận định tích cực cho thị trường này.

Thứ nhất, thu nhập bình quân tăng hỗ trợ cho ngành bán lẻ. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người tăng cao sẽ giúp khoảng 40% dân số sẽ trở thành tầng lớp trung lưu trước năm 2021. Tổng chi tiêu của hộ gia đình được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 11,4% trong giai đoạn 2017 – 2021, theo Euromonitor.

Đô thị hóa tăng nhanh, từ mức 20% năm 1998 đã lên mức 37,5% trong năm 2017 và ước tính vào khoảng 37,4% vào năm 2021 cũng giúp mở rộng dư địa thị trường. BMI kỳ vọng khu vực nông thôn sẽ chuyển mình lên nông thôn mới, thành thị. Hiện khu vực nông thôn chiếm khoảng 65% tổng dân số cả nước, được coi là một thị trường tiêu thụ rộng lớn.

Thứ hai, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng hỗ trợ sự phát triển của ngành. Tính đến cuối tháng 6/2018, tín dụng tiêu dùng chiếm 18% trong tổng dư nợ tín dụng, cao hơn mức 11,4% của 2016.

Mặt bằng lãi suất trong nửa đầu năm 2018 duy trì ổn định và được dự báo chỉ tăng nhẹ trong nửa cuối năm.

Đây được coi là yếu tố hỗ trợ tích cực cho các công ty trong ngành khi phải duy trì mức lãi suất cao trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, xu hướng liên kết với nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ để đẩy mạnh dịch vụ cho vay tiêu dùng lãi suất 0% kích thích tiêu dùng của người dân, từ đó thúc đẩy doanh số bán lẻ.

Mô hình siêu thị mini cũng được đánh giá có nhiều triển vọng trong thời gian tới. Các thương hiệu như Bách Hóa Xanh, Satra Food, hay Vinmart + đều sở hữu những điểm đặc trưng với mục tiêu cạnh tranh trực tiếp với chợ truyền thống nên vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá tốt.

Bên cạnh đó, mô hình kết hợp với tiệm tạp hóa truyền thống cũng được xem là điểm khác biệt. Điển hình như Saigon Co.op đã thực hiện chiến lược liên kết với các cửa hàng tạp hóa bằng việc nhượng quyền thương hiệu Co.op Smile cho các cửa hàng tạp hóa nhỏ l nhằm tận dụng được điểm bán, lượng khách hàng sẵn có của các đại lý truyền thống, nhưng thay vào đó sẽ hiện đại hóa việc quản lý và điều hành các cửa hàng này theo tiêu chuẩn của siêu thị mini nhằm khắc phục hạn chế của các cửa hàng truyền thống.