Tham dự Đại hội, về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng chí Huỳnh Thanh Xuân - Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thị Thu Hồng, Nguyên Uỷ viên Đảng đoàn,nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đồng chí Trần Thanh Hà - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đồng chí Nguyễn Xuân Hùng - Uỷ viên đoàn Chủ tịch, Chánh Văn phòng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng các đồng chí lãnh đạo, các Ban, Văn phòng, Ủy ban kiểm tra, các đồng chí trong Tổ công tác số 4 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Về phía Bộ Công Thương, có đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; đồng chí Nguyễn Sinh Nhật Tân - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Công Thương; đồng chí Đỗ Thắng Hải, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Công Thương; đồng chí Cao Quốc Hưng - nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương; đồng chí Đặng Hoàng An - nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Cùng sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo, đại diện các Ban của Đảng, Ban Đối ngoại Trung ương, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Văn phòng Chính phủ; các đồng chí đại diện lãnh đạo các Vụ, Văn phòng Bộ, Văn phòng Ban Cán sự Đảng Đảng ủy Bộ Công Thương, đại diện lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện, Trung tâm, Trường, Cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương.
Đặc biệt, Đại hội Công đoàn Công Thương Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023 - 2028 đã quy tụ 398 đại biểu ưu tú, đại diện cho hơn 153.000 đoàn viên, người lao động của Công đoàn các cấp trực thuộc Công đoàn Công thương Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Phan Văn Bản - Uỷ viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Công Thương, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam nhấn mạnh, Đại hội Công đoàn Công Thương Việt Nam lần thứ IV là sự kiện chính trị quan trọng của đoàn viên, người lao động ngành Công Thương.
Với phương châm “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”, Đại hội Công đoàn Công Thương Việt Nam lần thứ IV có nhiệm vụ đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội III Công đoàn Công Thương Việt Nam. Qua đó, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ 2023 - 2028 để xây dựng Công đoàn Công Thương Việt Nam ngày càng vững mạnh.
Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Công Thương Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2018 - 2023, đồng chí Quách Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam cho biết, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, đẩy mạnh công tác Công đoàn và phong trào công nhân viên chức lao động trong ngành.
Qua đó, hoạt động Công đoàn toàn ngành có những bước chuyển biến quan trọng, nhiều nội dung được triển khai đạt kết quả tốt, góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Theo đồng chí Quách Văn Ngọc, nhiệm kỳ 2023 - 2028, Công đoàn Công Thương Việt Nam đứng trước những thời cơ và thách thức mới. Trong đó, nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đồng thời chịu tác động tiêu cực từ nền kinh tế thế giới, các vấn đề xung đột toàn cầu vẫn nguy cơ tiềm ẩn, sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư..., làm ảnh hưởng đối với hoạt động ngành Công Thương, tác động tới phong trào công nhân và hoạt động công đoàn.
Để nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn Công Thương Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã đề ra một số chỉ tiêu phấn đấu.
Một, phấn đấu có ít nhất 90% đoàn viên, người lao động được tuyên truyền, phổ biến, học tập, quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lao động và công đoàn; ít nhất 65% công nhân lao động tại các doanh nghiệp tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.
Hai, 100% công đoàn cơ sở khu vực hành chính, sự nghiệp công lập, doanh nghiệp khu vực nhà nước, ít nhất 75% công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tham gia với người sử dụng lao động ban hành, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Trong đó, phấn đấu 75% công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động; phấn đấu 100% các đơn vị HCSN tổ chức hội nghị công chức, viên chức.
Ba, bình quân mỗi công đoàn cơ sở giới thiệu ít nhất 01 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp.
Bốn, ít nhất 80% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ; ít nhất 80% công đoàn cơ sở khu vực nhà nước và 55% công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Năm, ít nhất 90% công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có đủ điều kiện thành lập ban nữ công quần chúng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Sáu, hằng năm 100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức thực hiện kiểm tra tài chính cùng cấp đúng tiến độ; Công đoàn Công Thương tổ chức kiểm tra ít nhất 25% công đoàn cấp dưới về tài chính, 20% về chấp hành Điều lệ công đoàn; ít nhất 10% công đoàn cơ sở doanh nghiệp được công đoàn cấp trên kiểm tra, giám sát tài chính.
Bảy, 100% chủ tịch công đoàn cơ sở bầu mới được đào tạo, bồi dưỡng với hình thức phù hợp; 95% trở lên Ủy viên Ban Chấp hành công đoàn cơ sở được tập huấn bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác công đoàn.
Tám, phấn đấu hết năm 2028 toàn Ngành có 182.258 đoàn viên công đoàn.
Chín, ít nhất 85% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn đủ điều kiện đại diện, thương lượng, ký kết được thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật.
Mười, 80% số vụ việc của đoàn viên có nhu giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án sẽ có đại diện công đoàn tham gia hoặc được công đoàn hỗ trợ.
5 vấn đề trọng tâm cho Công đoàn ngành Công Thương
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Công đoàn Công Thương Việt Nam đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua.
Đặc biệt, trong 5 năm qua, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, tương đối toàn diện trên các mặt công tác.
Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, đã góp phần củng cố, nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn, đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành Công Thương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tổ chức và hoạt động của Công đoàn Công Thương Việt Nam còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế nhất định. Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh một số vấn đề để Đại hội thảo luận, xem xét và quyết định.
Một, tổ chức công đoàn cần thực hiện thật tốt vai trò, vị trí là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với người lao động; tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng trong đội ngũ công chức, viên chức và người lao động, nhất là lao động trẻ, giúp cho mỗi đoàn viên, người lao động nắm vững và nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo, điều hành của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ trong quá trình thực thi công vụ; đồng thời, nắm chắc tình hình quốc tế, trong nước và cảnh giác trước âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị để từ đó nâng cao nhận thức về lý tưởng của Đảng, mục tiêu cách mạng của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho đoàn viên công đoàn được học tập, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, trau dồi ngoại ngữ và tu dưỡng rèn luyện bản thân, luôn hoàn thành tốt nghĩa vụ và trách nhiệm của người cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá - hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và định hướng tư tưởng cho đoàn viên, cán bộ công chức viên chức lao động công nhân, người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Hai, phát huy hơn nữa vị trí, vai trò, trách nhiệm của công đoàn trong tham gia quản lý cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; Thực hiện tốt quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến đoàn viên và người lao động, nhất là trong các lĩnh vực: Điều kiện làm việc, thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, và an toàn lao động… Thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, cán bộ công chức viên chức lao động.
Ba, vận động đoàn viên, cán bộ công chức viên chức lao động tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành phát động; nghiên cứu, cụ thể hóa các tiêu chí thi đua phù hợp với nhiệm vụ chính trị của ngành, của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành.
Bốn, tiếp tục bám sát kế hoạch số 06/BCS ngày 05/4/2022 của Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương để không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn theo tinh thần Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trách nhiệm, tâm huyết; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển của từng cơ quan, đơn vị.
Năm, tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng, củng cố tổ chức công đoàn thực sự trong sạch, vững mạnh, là hạt nhân, trung tâm đoàn kết, tập hợp đoàn viên; trong đó trọng tâm là việc quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, XIII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng". Kết luận số 21 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII và các quan điểm, nghị quyết của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị về "Tăng cường bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới" trong đoàn viên, cán bộ công chức viên chức lao động góp phần đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền và hoạt động của các cấp công đoàn; giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp đảng viên từ những đoàn viên ưu tú của Công đoàn và bổ sung cho Đảng bộ những cán bộ xuất sắc trưởng thành từ phong trào cán bộ công chức viên chức lao động và hoạt động công đoàn nhằm phục vụ cho sự phát triển bền vững của ngành Công Thương.
Công đoàn Công Thương Việt Nam tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức, nội dung
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Huỳnh Thanh Xuân cũng ghi nhận và chúc mừng những thành tích nổi bật mà đội ngũ công nhân viên chức lao động và các cấp công đoàn ngành Công Thương đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.
"Kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, với tinh thần dân chủ, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tôi tin tưởng trong nhiệm kỳ mới, hoạt động của Công đoàn Công Thương Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả, hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra, góp phần xây dựng giai cấp công nhân ngày càng hiện đại, lớn mạnh, tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh, toàn diện, xây dựng ngành Công Thương phát triển bền vững, từng bước hiện đại", đồng chí Huỳnh Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bày tỏ.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho biết, thời gian tới, ngành Công thương tiếp tục thực hiện chủ trương tái cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp dẫn đến số lượng đoàn viên sẽ sụt giảm đáng kể, ảnh hưởng tới đời sống, việc làm, thu nhập và tâm tư của người lao động. Nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về lao động và công đoàn sẽ có nhiều sự điều chỉnh, bổ sung, đặt ra những vấn đề mới, chưa có tiền lệ đối với tổ chức Công đoàn.
Chính vì vậy, cán bộ, đoàn viên, người lao động Công đoàn Công Thương đang hướng về Đại hội hơn bao giờ hết. Đoàn viên Công đoàn gửi trọn niềm tin vào các đại biểu và chờ đón những quyết định sáng suốt của Đại hội.
Đồng chí Phan Văn Bản tái đắc cử Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028
Sau khi nghe báo cáo cùng các ý kiến tham luận và phát biểu chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân và Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Huỳnh Thanh Xuân, Đại hội đã bầu 38 uỷ viên vào Ban Chấp hành khóa mới.
Tại kỳ họp thứ nhất Ban Chấp hành Công đoàn Công Thương Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028, các uỷ viên đã bầu 12 Ủy viên Ban Thường vụ; 11 Ủy viên Ủy ban kiểm tra; đồng thời, bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII gồm 10 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết. Bầu đồng chí Phan Văn Bản tiếp tục làm Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam khoá IV; các Phó Chủ tịch gồm đồng chí Vũ Trường Sơn, đồng chí Quách Văn Ngọc, đồng chí Lê Thị Đức.
Đại hội cũng bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028 gồm 10 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết.