Đài Loan (Trung Quốc) khởi xướng điều tra chống bán phá giá với xi măng và clanhke Việt Nam

Vừa qua, Đài Loan (Trung Quốc) đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá với xi măng và clanhke có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam theo yêu cầu của Hiệp hội các nhà sản xuất xi măng Đài Loan (Trung Quốc)
Đài Loan (Trung Quốc) khởi xướng điều tra chống bán phá giá với xi măng và clanhke Việt Nam
Đài Loan (Trung Quốc) chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá với xi măng và clanhke có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 12/8/2024, Cục đã nhận được thông tin về việc Đài Loan (Trung Quốc) chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá với xi măng và clanhke có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.

Cụ thể, bên yêu cầu điều tra là Hiệp hội các nhà sản xuất xi măng Đài Loan (Trung Quốc); mặt hàng bị điều tra chống bán phá giá là xi măng và clanhke được phân loại theo mã hàng hóa nhập khẩu của Đài Loan (Trung Quốc) 2523.29.90.00.2 và 2523.10.90.00.3.

Thời kỳ điều tra bán phá giá từ ngày 01/7/2023 đến ngày 30/6/2024. Biên độ phá giá cáo buộc với Việt Nam là 16,99%.

Nguyên đơn nêu tên 07 doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong cáo buộc bán phá giá. Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp khác cũng xuất khẩu mặt hàng bị điều tra sang Đài Loan (Trung Quốc).

Quy trình thủ tục điều tra tiếp theo như sau:

Cơ quan điều tra Đài Loan (Trung Quốc) bao gồm Cơ quan Quản lý tài chính (MOF) và Cơ quan Quản lý kinh tế (MOEA). Trong đó, MOF là cơ quan có thẩm quyền điều tra hành vi bán phá giá, MOEA là cơ quan điều tra thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.

 MOF sẽ chọn mẫu điều tra để tính toán biên độ bán phá giá. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam được chọn mẫu được coi là bị đơn bắt buộc và phải tham gia vụ việc, trả lời Bản câu hỏi điều tra và cung cấp các thông tin theo yêu cầu của MOF. Các doanh nghiệp này được tính thuế riêng tùy thuộc vào thông tin, dữ liệu cung cấp.

Trong vòng 20 ngày kể từ ngày ban hành thông báo khởi xướng, tất cả 7 doanh nghiệp được nêu tên và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu khác chưa được nêu tên đều phải gửi xác nhận tham gia để phục vụ việc chọn mẫu.

Các doanh nghiệp liên quan nhưng không nộp xác nhận tham gia sẽ bị tính biên độ bán phá giá dựa trên thông tin của Bên yêu cầu hoặc các thông tin sẵn có khác. Bản công khai Hồ sơ yêu cầu và mẫu xác nhận tham gia có thể được tải về tại: https://web.customs.gov.tw/singlehtml/717?cntId=cus1_179457_717

Ở các bước điều tra tiếp theo, MOF và MOEA sẽ phối hợp điều tra theo thẩm quyền, ban hành kết luận sơ bộ, kết luận cuối cùng, thẩm tra tại chỗ, điều trần để xác minh các thông tin phục vụ ra quyết định về hành vi bán phá giá, thiệt hại của ngánh sản xuất trong nước và mối quan hệ nhân quả.

Trong vòng 20 ngày kể từ ngày khởi xướng, doanh nghiệp gửi văn bản nêu ý kiến hoặc cung cấp thông tin về hàng hóa, nội dung thông báo khởi xướng theo địa chỉ: The Customs Administration (MOF), No.13, Tacheng St., Taipei City 103205, Taiwan.

Liên quan đến vụ việc này, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị Hiệp hội và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan nghiên cứu kỹ Hồ sơ yêu cầu, Thông báo khởi xướng và các hướng dẫn, quy định liên quan; gửi mẫu xác nhận theo đúng nội dung và thời hạn quy định.

Đồng thời, hợp tác đầy đủ, toàn diện để trả lời (các) Bản câu hỏi điều tra, cung cấp thông tin theo yêu cầu của Cơ quan điều tra.

Bên cạnh đó, thường xuyên cung cấp thông tin, trao đổi tình hình với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Huyền My