Trò chuyện với tôi, tiến sỹ Thái Phụng Nê như chìm trong hồi ức về những lần được dự họp với cố Đại tướng, được nghe và thực hiện các chỉ đạo của Người trong việc xây dựng thủy điện ở thập niên 70, 80 của thế kỷ trước.
Thời gian ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng phụ trách khoa học kỹ thuật. Hoạt động điện lực được Đại tướng rất quan tâm, vì vậy "trong công tác chỉ đạo chung, Đại tướng luôn căn dặn "ngành Điện phải đi trước một bước", phải chú trọng vào công tác đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện".
Trong đó, Thủy điện Hòa Bình - theo cảm nhận của tiến sỹ Thái Phụng Nê - là công trình mà vai trò của Phó thủ tướng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại nhiều dấu ấn đậm nét nhất.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp dự lễ khởi công xây dựng công trình Đường dây 110 kV Huế - Đà Nẵng - Ảnh: Tư liệu
Vị cố vấn cao cấp về thủy điện nhớ lại, khi chuẩn bị xây dựng Thủy điện Hòa Bình, giới chuyên môn và xã hội đã dấy lên cuộc tranh luận hết sức sôi nổi về việc nên chọn lựa phương án xây dựng ngầm hay hở. Đông đảo các ngành, nghề, các nhà khoa học, kỹ thuật chuyên môn, trí thức đăng đàn cho ý kiến và chia thành 2 nhóm đối kháng tranh luận tưởng chừng "không thể ngã ngũ".
Thủy điện Hòa Bình là công trình do Liên Xô giúp đỡ chúng ta rất vô tư. Việc thiết kế, hướng dẫn thi công do các cơ quan kỹ thuật Liên Xô thực hiện mà lúc đó là Viện Thiết kế Thủy công Mạc Tư Khoa. Qua tính toán, so sánh về kinh tế kỹ thuật thì các chuyên gia Liên Xô có kiến nghị rằng: Xây dựng nhà máy thủy điện ngầm là việc "nằm trong tầm tay" của nước bạn. Mặt khác, trong điều kiện địa hình và địa chất cụ thể của Thủy điện Hoà Bình thì phương án ngầm rẻ hơn phương án hở đến 4%. Đồng thời, nếu thực hiện phương án ngầm thì các tổ máy 1 và máy 2 có thể đưa vào vận hành sớm hơn dự kiến.
Nên nhớ, thập niên 80 của thế kỷ XX là thời điểm nước ta thiếu điện trầm trọng. Bởi vậy, đưa các tổ máy vào vận hành sớm có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với quốc gia.
Tuy nhiên, Việt Nam vốn chưa có kinh nghiệm làm nhà máy thủy điện ngầm, đặc biệt là một công trình ngầm lớn như Thủy điện Hòa Bình. Do đó, phần đông ý kiến khi ấy tỏ ra lo ngại rằng, chúng ta không đủ sức và lực để thực hiện phương án ngầm.
Trong bối cảnh đó, một cuộc họp để quyết "ngầm hay hở" cho Thủy điện Hòa Bình do Phó thủ tướng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì đã được tổ chức. Tiến sỹ Thái Phụng Nê lúc này đảm đương nhiệm vụ quản lý công trình thủy điện nên được mời dự họp.
Tiến sỹ Nê đặc biệt ấn tượng về tác phong nghiêm trang và dứt khoát của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông kể lại, Đại tướng yêu cầu các báo cáo phải "ngắn gọn" và "đi thẳng vào vấn đề" chứ không được "kể lể" dài dòng, mất thời gian. Đại tướng lắng nghe với sự tập trung cao độ. Người coi trọng và nghe rất kỹ tất cả ý kiến của các đơn vị có liên quan cũng như những phân tích của các nhà nghiên cứu, chuyên gia,… trong cuộc họp.
Kết thúc buổi họp, Đại tướng kết luận rất quyết đoán rằng, Ông đã được nghe, được nghiên cứu kỹ và quyết định theo kiến nghị của phía Liên Xô. Đây là kiến nghị của những chuyên gia giầu kinh nghiệm và rất có ý thức về mặt an ninh. "Do đó, tôi quyết định Thủy điện Hòa bình sẽ chọn phương án ngầm" - Đại tướng kết luận.
Ông Nê cho biết, ông vô cùng ngưỡng mộ Đại tướng - một nhà quân sự thiên tài - vì sự am hiểu trong lĩnh vực chuyên môn kỹ thuật phức tạp này. Hơn hết là việc Người đã suy xét, cân nhắc cẩn trọng trên nhiều phương diện, từ những tính toán kỹ thuật của các chuyên gia Liên Xô đến sự phân tích, cố vấn của các chuyên gia, các nhà chuyên môn trong nước để đưa ra một kết luận quyết đoán và sáng suốt cho Thủy điện Hòa Bình như chúng ta có được ngày hôm nay.
Cũng từ "lò" Thủy điện Hòa Bình đã đào tạo cho Việt Nam đội ngũ thợ xây dựng thủy điện chất lượng cao, trong đó có xây dựng các thủy điện ngầm khác như Ialy, Huội Quảng.
Ông Nê nhớ lại, không chỉ trong thời gian tại nhiệm mà cả thời gian đã nghỉ tuổi già, những ý kiến liên quan đến xây dựng thủy điện của Đại tướng đều mang tính "kim chỉ nam". Điển hình là đầu những năm 2000, Quốc hội, Chính phủ, các chuyên gia trong nước khi đó đang tranh luận hết sức quyết liệt về quy hoạch bậc thang sông Đà thông qua lựa chọn xây dựng Thủy điện Sơn La cao/Sơn La thấp hay Sơn La nhỏ.
Khi đến hỏi ý kiến của Đại tướng, Người nói: "Đối với đất nước mình thì phải đặt vấn đề an toàn lên cao nhất. Cái gì an toàn hơn thì chọn". Ông cũng không quên căn dặn: "Các đồng chí phải tính toán kỹ, bàn kỹ rồi hẵng quyết định".
Sau đó, tiếp thu ý kiến của Đại tướng, Quốc hội đã chọn phương án Sơn La thấp tức là có 3 bậc trên dòng chính sông Đà gồm các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La và Lai Châu. Đến nay, cả 3 bậc thang sông Đà đã phát huy hiệu quả và đảm bảo cao nhất cho an toàn của vùng hạ du.
Bằng tầm nhìn chiến lược và trí tuệ sáng suốt của mình, Đại tướng đóng vai trò rất lớn trong việc góp phần phát triển ngành thủy điện tại Việt Nam như hiện nay - tiến sỹ Thái Phụng Nê nói.
Cảm phục Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ông Trịnh Trọng Thực - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch kinh tế điện, thuộc Bộ Điện lực: "Cuối năm 1982, tôi được cử làm Phó chủ nhiệm Chương trình Cân bằng năng lượng toàn quốc. Tôi đã biên soạn và có phần báo cáo "Kết quả bước đầu trong việc thực hiện Chương trình Năng lượng mới" tại Hội nghị khoa học do Phó Thủ tướng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì. Lúc đó, Đại tướng là Phó thủ tướng phụ trách công tác khoa học và công tác giáo dục đào tạo.
Tôi giữ mãi ấn tượng về ông là 1 người rất điềm tĩnh, làm việc khoa học và nghiêm túc. Tất cả các báo cáo trong hội nghị hôm đó ông đều lắng nghe rất kỹ. Có thể nói, Đại tướng đã rất quan tâm, trăn trở với việc phát triển, ứng dụng các nguồn năng lượng mới cho đất nước".
Nguyễn Ngọc Tuấn - Giảng viên trường Đại học Điện lực: "Đọc xong bài viết "Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim tôi" của TS Ngô Đức Lâm đăng trên trang thông tin điện tử evn.com.vn ngày 7/10, tôi càng cảm phục Đại tướng hơn về tư duy, tầm nhìn và nhân cách của một con người kiệt xuất.
Cha tôi là một sĩ quan của Bộ tổng tham mưu quân đội dưới quyền Đại tướng chỉ huy chiến dịch Điên Biên Phủ. Ông thường kể cho tôi nghe về tư duy trí tuệ, tính quyết đoán trong công việc và những lời chỉ bảo của Đại tướng sau mỗi lần báo cáo. Đặc biệt, Người là hình mẫu về phong cách làm việc mà Cha tôi luôn học tập noi theo. Sau này, Cha tôi trở thành thầy giáo trong trường Quân đội và một phó giáo sư trường Đại học kinh tế quốc dân, ông vẫn học tập và làm theo những điều tốt đẹp ấy từ Đại tướng. Và tôi may mắn cũng được gián tiếp học tập Đại tướng qua những gì Cha tôi truyền lại. Giờ đây, tôi đang là giảng viên trường Đại học Điện lực, chuyên nghiên cứu, giảng dạy về công nghệ và thiết bị các nhà máy điện, nhưng tôi thật sự sững sờ trước các nội dung Đại tướng đặt ra cho những người làm chuyên môn sâu như chúng tôi. Vì vậy, tôi rất đồng cảm với TS Ngô Đức Lâm qua câu chuyên kể của ông về Đại tướng.
Trước vong linh của Đại tướng, tôi xin được thành kính: Thưa Đại tướng! Sự ra đi của Người sẽ trở thành động lực thức tỉnh mọi con người Việt Nam suy ngẫm để vươn lên vượt qua chính mình, vượt qua những thử thách cùng dân tộc xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn như ý nguyện của Người.
Đại tướng mãi mãi là tượng đài trong lòng nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới!