Báo cáo với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về tình hình sản xuất, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước chiều 8/2/2022, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay, nguồn cung xăng dầu trong nước đáp ứng khoảng 75% nhu cầu thị trường, còn lại 25% là nhập khẩu.
Tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn (chiếm trên 90% thị phần), việc bán hàng vẫn được duy trì liên tục từ trước Tết Nguyên đán đến nay.
Tuy nhiên, thời gian qua, tại một số địa phương có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng với lý do thiếu nguồn cung. Sự việc này đã được Bộ Công Thương chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với lực lượng quản lý thị trường kiểm tra. Theo đó, hầu hết các cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng do lấy nguồn hàng từ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhỏ. Ngoài ra, một số doanh nghiệp có hiện tượng hạn chế bán hàng ra để chờ tăng giá.
Các bộ, ngành, doanh nghiệp đầu mối cũng khẳng định, tình trạng thiếu hụt xăng dầu chỉ xảy ra cục bộ tại cửa hàng đại lý của các doanh nghiệp nhỏ, do tâm lý găm hàng nhằm trục lợi.
Chúng ta có đủ công cụ, bộ máy để bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu như quy định dự trữ xăng dầu bắt buộc của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong 20 ngày…
Trước đó, ngày 28/1/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký Công điện gửi Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước và Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Công điện nêu rõ, để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu theo các loại hình trên địa bàn để kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.
Tiến hành xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định đồng thời giám sát chặt chẽ các cửa hàng xăng dầu đã bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu; kịp thời kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép theo quy định đồng thời thực hiện giám sát chặt chẽ các đơn vị đã bị thu hồi giấy phép.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Vụ Thị trường trong nước chủ động nắm bắt thông tin, phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường trong quá trình xử lý các vụ việc liên quan đến Giấy phép xăng dầu của Bộ Công Thương cấp theo thẩm quyền.
Lãnh đạo Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, những vướng mắc trước mắt của Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn hiện đã được tháo gỡ, từ giữa tháng 2, nhà máy sẽ dần khôi phục lại sản xuất như bình thường.
Từ trước Tết, Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn đã nâng công suất lên 103% và từ ngày 7/2/2022 đã nâng công suất lên 105%.
Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, mặt hàng xăng dầu là mặt hàng dự trữ chiến lược đặc biệt quan trọng, có tác động lớn đến đời sống và nền kinh tế, do đó phải được quản lý, điều hành một cách khoa học, chặt chẽ.
Hiện nay, dự trữ trong nước đủ lớn, đồng thời, Việt Nam có đầy đủ các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách để bình ổn, đáp ứng đủ xăng dầu cho tiêu dùng và sản xuất. Chính phủ đã giao Bộ Công Thương có đủ thẩm quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quản lý của mình, chủ động trong điều hành, tuyệt đối không được để thiếu xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.
Cần thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi găm hàng nhằm trục lợi. Đồng thời, đảm bảo cân đối giữa sản xuất và nhập khẩu xăng dầu, "có kế hoạch chi tiết, chính xác hơn, đảm bảo chủ động, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa".
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp rà soát kỹ cơ chế, chính sách hiện hành, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp bởi đây là mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hoá và đời sống nhân dân.