Nơi khởi đầu những ước mơ

Ước mơ có những đội tàu thuyền tung hoành ngang dọc trên biển Đông, và xa hơn nữa, vượt các đại dương đến mọi nơi chân trời góc bể... hẳn ông cha ta xưa cho đến thế hệ hôm nay đều mong mỏi thành hiện

 

46 năm phát triển, bắt đầu từ một phòng thiết kế tàu thủy - ô tô thuộc Cục Cơ khí (12/1959), đến nay Viện Khoa học Công nghệ Tàu thủy đang là một trung tâm thiết kế tàu với đội ngũ những người thiết kế, là những cán bộ khoa học giàu kinh nghiệm, giàu tri thức, tâm huyết và say mê với nghề. Đội ngũ những nhà khoa học làm công tác thiết kế tàu của Viện Khoa học Công nghệ Tàu thủy phần lớn (những năm trước) đều được đào tạo chu đáo, cơ bản từ những quốc gia có nền công nghiệp đóng tàu phát triển như Liên Xô (cũ), Ba Lan... hiện nay, những cán bộ đó đang là lực lượng chủ chốt, lãnh đạo công tác nghiên cứu- thiết kế, công tác quản lý trong ngành đóng tàu Việt Nam.

Theo những mốc thời gian lớn, có thể thấy rằng sự đóng góp, sáng tạo của những người thiết kế là không nhỏ. Phòng thiết kế được thành lập không lâu đã cho ra đời các tàu “không số” phục vụ tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển. Hàng loạt các công trình ra đời phục vụ cho cuộc chiến tranh trên miền Bắc như: Cầu Phao LPP, hàng chục bộ cầu cáp vượt Trường Sơn, ca nô lai phà, ca nô con cóc, các loại sà lan, thuyền vận tải, ô tô lội nước, phà ghép, phà truyền lực... Ca nô T5 không người lái điều khiển từ xa bằng sóng vô tuyến, các tàu chiến đấu, tàu HF350 phá bom bằng từ trường... đã góp phần khai thông các cửa sông ra vào cảng Hải Phòng, đánh bại chiến tranh phong tỏa cảng Hải Phòng và các cảng miền Bắc của Mỹ năm 1972...

Trong công cuộc xây dựng đất nước, hàng loạt các sản phẩm được thiết kế, chế tạo như: tàu hàng 70 - 400 T chạy ven biển, tàu khách và tàu du lịch các loại, tàu pha sông biển 400 - 1000T, tàu vận tải quân sự 450 - 1000T, tàu đi biển xa 1400T, 3000T, 3850T... Đặc biệt Viện đã tổng thầu thiết kế chế tạo cần cẩu nổi 600T- cần cẩu lớn nhất từ trước đến nay phục vụ các công trình biển Đông - Trường Sa...

Với chức năng một Viện khoa học chuyên ngành Giao thông Vận tải, Viện triển khai có kết quả tốt các chương trình lớn cấp nhà nước như chương trình 34-02, 34A, 34B với hàng trăm đề tài, bao quát hầu hết các chủng loại phương tiện cơ khí- thủy bộ như: tàu xi măng lưới thép, tàu hàng, sơ moóc chuyên dùng chở hàng “siêu trường-siêu hạng”, tàu đặc biệt, cần cầu derrik, các giải pháp phục hồi phụ tùng...

Những năm gần đây, đặc biệt sau khi Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam được thành lập; công tác nghiên cứu, thiết kế của viện được triển khai mạnh theo cơ chế thị trường, vừa đáp ứng mềm dẻo nhu cầu trong nước, vừa tiếp cận dần với trình độ quốc tế. Các nhà thiết kế tàu Việt Nam đã phối hợp với nước ngoài trong thiết kế sản phẩm (tàu 115000/12500T, tàu kéo 1000HP, tàu SEACAT 29, tàu chở dầu thô 100.000T, tàu chở hàng rời 54.000T...). Tham gia các công đoạn thiết kế sau thiết kế cơ bản (VD: tàu 53.000T, tàu 100.000T; áp dụng các phần mềm thiết kế chuyên dụng để thực hiện hầu hết các công đoạn thiết kế, gắn thiết kế với quá trình phóng dạng... và thiết kế nhiều sản phẩm theo quy phạm nước ngoài (NK, BV, ABS, DNV)... Điều đặc biệt, ở Viện đã bắt đầu áp dụng kết quả thử nghiệm mô hình vào việc điều chỉnh các phương án thiết kế.

Trong 5 năm lại đây, Viện Khoa học Công nghệ Tàu thủy đã tuyển chọn thực hiện 4 đề tài cấp Nhà nước thuộc các chương trình KC.05, KC.06, 18 đề tài cấp Bộ, trong đó phần lớn là các đề tài phục vụ cho các sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực GTVT.

Một lắt cắt thời gian quan trọng, 10 năm qua ngành Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam đã có những bước trưởng thành mang tính đột phá, là một trong những ngành mang lại hiệu quả kinh tế và niềm tự hào cho người Việt Nam; toàn ngành phấn đấu đến năm 2010 sẽ đóng được 5 triệu tấn trọng tải tàu. Sự treởng thành và lớn mạnh của đội ngũ cán bộ thiết kế góp phần quan trọng biến những giấc mơ trở thành hiện thực. Không thỏa mãn với những thành công , Viện Khoa học Công nghệ Tàu thủy hiện nay, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng giám đốc Tổng Công ty  Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam – Phạm Thanh Bình, luôn quan tâm đẩy nhanh quá trình quốc tế hoá hoạt động khoa học công nghệ, đầu tư trung tâm nghiên cứu thủy khí đông học, tạo ra các sản phẩm nghiên cứu, kiểm định các phần mềm có tính thương mại cao và đào tạo đội ngũ cán bộ thiết kế giỏi, có trình độ cao thông qua các sản phẩm lớn với nước ngoài, tiến đến chỉ mua thiết kế cơ bản khi cần thiết..../.

  • Tags: