Nhìn lại hoạt động kinh doanh khả quan trong quý 3 của Đạm Cà Mau

Chỉ sau 9 tháng đầu năm, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM) đã vượt xa mục tiêu lãi cả năm. Với chiến lược đúng đắn và những bước đi táo bạo, Đạm Cà Mau đang sở hữu nhiều lợi thế để tiếp tục bứt phá thời gian tới.

Lợi nhuận tăng vọt, “trái ngọt” từ M&A Phân bón Hàn - Việt

Đạm Cà Mau
Đạm Cà mau đã hoàn thành 133% mục tiêu lãi cả năm nay chỉ sau 9 tháng đầu năm.

Dù doanh thu quý 3 giảm nhẹ 12% so với cùng kỳ, đạt 2.634 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) đã chứng minh khả năng quản trị và vận hành xuất sắc khi lợi nhuận gộp tăng đến 111%, đạt 375 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đã tăng từ 6% lên 14% - mức cao vượt trội trong ngành sản xuất phân bón.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Đạm Cà Mau ghi nhận 9.242 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng mức lợi nhuận sau thuế tăng trưởng tới 71%, đạt 1.056 tỷ đồng. Qua đó, vượt 33% kế hoạch lợi nhuận cả năm chỉ sau 3 quý; đồng thời, cho thấy tiềm năng bứt phá mạnh của Đạm Cà Mau trong thời gian tới.

Một trong những yếu tố then chốt đóng góp vào thành công của Đạm Cà Mau chính là thương vụ thâu tóm Nhà máy Phân bón Hàn - Việt. Đây không chỉ là một bước đi mở rộng quy mô, mà còn là một nước cờ chiến lược giúp công ty tăng cường năng lực phân phối.

Với vị trí địa lý chiến lược nằm ngay tại cảng Hiệp Phước, kho bãi rộng, và hệ thống phân phối sẵn có, Phân bón Hàn - Việt giúp Đạm Cà Mau dễ dàng thâm nhập sâu vào thị trường Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Trong khi đó, nhà máy NPK của Đạm Cà Mau chủ yếu phục vụ thị trường Tây Nam Bộ và Campuchia.

Mặc dù mới hoàn tất tương vụ M&A Phân bón Hàn - Việt từ cuối tháng 5/2024, chiến lược này tạo ra kết quả, sớm đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh chung của Đạm Cà Mau.

Đạm Cà Mau
Kết quả kinh doanh của Đạm Cà Mau trong 9 tháng đầu năm nay. (Nguồn: BCTC quý 3/2024 - Đạm Cà Mau)

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm nay, sản lượng sản xuất phân NPK tăng 37% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 115.040 tấn, trong khi sản lượng tiêu thụ tăng 44,3%, đạt 130.470 tấn.

Đặc biệt, doanh thu từ mảng NPK đã tăng vọt 74%, đóng góp 1.832 tỷ đồng vào tổng doanh thu. Đồng thời, lợi nhuận khác của Đạm Cà Mau tăng mạnh nhờ ghi nhận khoản lãi từ giao dịch mua giá rẻ, đạt hơn 167 tỷ đồng - một phần từ thương vụ thâu tóm 100% vốn của Phân bón Hàn - Việt hồi tháng 5/2024. 

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 tổ chức hồi tháng 6/2024, ông Văn Tiến Thanh - Tổng Giám đốc Đạm Cà Mau cho biết ngay sau khi mua lại Nhà máy Phân bón Hàn - Việt, Đạm Cà Mau đã tiến hành tái cấu trúc, giúp cho đơn vị này kinh doanh có lợi nhuận chỉ sau 1 tháng tiếp quản.

Đón đầu chính sách, sẵn sàng bứt phá

Phân bón
(Nguồn: AgroMonitor, Chứng khoán Dầu khí)

Với kết quả ấn tượng 9 tháng đầu năm, Đạm Cà Mau đang đứng trước cơ hội lớn để tạo nên một cú chốt hạ ngoạn mục cho năm 2024. Theo cập nhật mới đây từ Chứng khoán Dầu khí (PSI), doanh thu và lợi nhuận ròng cả năm của Đạm Cà Mau có thể đạt lần lượt 12.883 tỷ đồng và 1.606 tỷ đồng, tăng 2,5% và 44,7% so với năm 2023.

Thị trường urê nội địa được dự báo sẽ sôi động hơn vào quý 4 - thời điểm cao điểm của vụ Đông Xuân. Các chuyên gia nông nghiệp nhận định, đây là giai đoạn quyết định cho kết quả canh tác cả năm. Tổng nhu cầu tiêu thụ phân bón tại Đồng bằng Sông Cửu Long trong vụ này dự kiến tăng mạnh, đạt gần 900.000 tấn, trong đó phân đạm chiếm khoảng 350.000 tấn (39%).

Một yếu tố quan trọng khác có thể tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của Đạm Cà Mau là quyết định áp thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với mặt hàng phân bón, dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2025.

Giá cổ phiếu DCM Đạm Cà Mau
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Thị trường Campuchia - “Mỏ vàng” của Đạm Cà Mau (DCM)" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Chứng khoán Dầu khí nhận định: "Việc đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT sẽ tạo dư địa cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước giảm giá bán. Điều này không chỉ giúp tăng tính cạnh tranh so với hàng nhập khẩu, mà còn mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp như Đạm Cà Mau."

Với chiến lược kinh doanh thông minh, khả năng thích ứng nhanh với thị trường và những bước đi táo bạo như thương vụ Phân bón Hàn - Việt, Đạm Cà Mau đang chứng minh vị thế dẫn đầu của mình trong ngành phân bón Việt Nam.

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm không chỉ là minh chứng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, mà còn hứa hẹn khả năng bứt phá trong thời gian tới. Với đà tăng trưởng hiện tại và những yếu tố thuận lợi từ thị trường, Đạm Cà Mau đang đứng trước cơ hội lớn để tạo nên một cú hích mạnh mẽ, khẳng định vị thế của mình trên thị trường phân bón trong nước và khu vực.

Lan Anh