Đạm Cà Mau đã hoàn thành vượt 12% mục tiêu xuất khẩu năm nay
Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 10/2023 với sản lượng sản xuất ure đạt 84.130 tấn và sản lượng NPK đạt 21.790 tấn, lần lượt tăng 2,5% và tăng 216% so với tháng 9/2023.
Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ ure trong tháng 10/2023 chỉ đạt 37.220 tấn, giảm 3,8% so với tháng 9/2023. Nguyên nhân chủ yếu do mức tiêu thụ trong nước giảm 17,2%, còn 24.820 tấn; ngược lại xuất khẩu đạt 12.400 tấn, tăng 42% so với tháng 9/2023.
Ban lãnh đạo Đạm Cà Mau cho biết, trước tình hình lũ cao rút chậm tại các vùng đầu nguồn canh tác, vụ Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long bị lùi lại và dự kiến phải đến cuối tháng 11/2023 mới bắt đầu, dẫn tới nhu cầu phân bón trong hiện tại vẫn ở mức yếu.
Như vậy, luỹ kế 10 tháng đầu năm 2023, Đạm Cà Mau đã tiêu thụ được 708.330 tấn ure, hoàn thành 93,2% mục tiêu cả năm. Đáng chú ý, xuất khẩu ure chiếm tới 35,7% tổng sản lượng tiêu thụ và đã hoàn thành 112,5% mục tiêu xuất khẩu cả năm.
Theo chia sẻ của Ban lãnh đạo Đạm Cà Mau, giá chào phân bón ure, DAP trong tháng 10/2023 nhìn chung đều tiếp tục duy trì đà tăng từ 1-8% so với tháng 9/2023. Trong tuần từ 6/11-10/11, giá urê hạt trong của Đạm Phú Mỹ (mã cổ phiếu DPM) ở mức 11.300 đồng/kg (462 USD/tấn), trong khi giá hạt đục từ Đạm Cà Mau ở mức 12.200 đồng/kg (458 USD/tấn).
Kỳ vọng lợi nhuận quý 4/2023 tăng đột biến
Hiện nhiều tổ chức tài chính nhận định lợi nhuận đến từ hoạt động kinh doanh của Đạm Cà Mau trong quý 4/2023 sẽ gia tăng đột biến so với quý 3/2023, chủ yếu nhờ Nhà máy Ure đã hết khấu hao kể từ quý 3/2023 và thị trường phân bón trong nước bước vào mùa cao điểm tiêu thụ.
Nhà máy Ure của Đạm Cà Mau đi vào hoạt động từ quý 4/2011, được sử dụng chính sách khấu hao đường thẳng trong vòng 12 năm với chi phí khấu hao máy móc và thiết bị hàng năm gần 1.000 tỷ đồng/năm. Do đó phần chi phí khấu hao máy móc thiết bị giảm bớt sẽ giúp Đạm Cà Mau giảm chi phí và gia tăng trực tiếp lợi nhuận.
Cuối tháng 10 vừa qua, Đạm Cà Mau đã phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh đến năm 2025. Theo đó, doanh nghiệp này đặt mục tiêu trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân 20%/năm, đạt 20.000 tỷ đồng và chiếm tối thiểu 11% thị phần phân bón Việt Nam (tương đương 1,18 triệu tấn) vào năm 2025.
Trong một diễn biến liên quan, Hội đồng Quản trị Đạm Cà Mau đã thông qua chủ trương mua 100% phần vốn góp tại Công ty TNHH Phân bón Hàn – Việt (KVF).
Với công suất sản xuất 360.000 tấn phân bón NPK/năm đến từ 2 dây chuyền sản xuất, việc sở hữu KVF sẽ gia tăng năng lực sản xuất phân bón NPK của Đạm Cà Mau lên hơn gấp đôi, đạt tổng 660.000 tấn/năm.
Đạm Cà Mau còn có lợi thế hơn so với các doanh nghiệp NPK khác khi có khả năng tự chủ được nguồn phân ure đầu vào. Bên cạnh đó, với vị trí chiến lược của nhà máy KVF tại Nhà Bè, TP.Hồ Chí Minh, Đạm Cà Mau được kỳ vọng sẽ có những bước tiến quan trọng vào thị trường tiềm năng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Ngoài ra, kể từ ngày 15/07/2023, thuế xuất khẩu phân bón NPK đã giảm về 0%, đây sẽ là động lực tăng trưởng mới cho mảng NPK của Đạm Cà Mau, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp này đã có nhiều bạn hàng xuất khẩu lâu năm.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 20/11, thị giá cổ phiếu DCM đạt 31.150 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 28% so với hồi đầu năm nay.