Đạm Cà Mau (DCM): Nhà máy Phân bón Hàn - Việt đã có lãi, kỳ vọng áp dụng thuế VAT cho phân bón

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 với loạt thông tin đáng chú ý.

Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu phân bón

Đạm Cà Mau
Ông Văn Tiến Thanh - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Đạm Cà Mau phát biểu tại Đại hội.

Phát biểu tại Đại hội, ông Văn Tiến Thanh - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Đạm Cà Mau (mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) cho biết, trong năm 2023, dù sản lượng sản xuất của công ty tăng nhưng do mùa vụ đến trễ so với dự báo, giá bán quay đầu giảm mạnh nên tổng doanh thu đạt hơn 13.048 tỷ đồng, hoàn thành 97% kế hoạch đề ra, nhưng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.252 tỷ đồng, đạt 122% kế hoạch được giao nhờ việc tối ưu hoá chi phí, tăng cường công tác bán hàng.

Đồng thời, công ty đã đạt thành tích sản lượng 10 triệu tấn sau 10 năm đi vào vận hành, đóng góp lớn cho nền nông nghiệp Việt Nam.

Về kế hoạch kinh doanh năm nay, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu thận trọng với kế hoạch doanh thu xấp xỉ 11.878 tỷ đồng và lãi sau thuế 795 tỷ đồng, lần lượt giảm 6% và 43% so với năm 2023.

Kế hoạch này dựa trên kịch bản sản lượng sản xuất của công ty đạt 892.000 tấn sản lượng urê quy đổi và 180.000 tấn NPK. Về tiêu thụ, Đạm Cà Mau lên kế hoạch bán 748.500 tấn urê, 110.000 tấn đạm chức năng, 180.000 tấn NPK và phân bón tự doanh 248.000 tấn.

Đạm Cà Mau
Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Đạm Cà Mau.

Ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch HĐQT Đạm Cà Mau đánh giá, kinh tế thế giới năm nay dự báo còn nhiều khó khăn khi các động lực tăng trưởng toàn cầu đều đã tới hạn. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam được dự báo khá lạc quan và ban lãnh đạo công ty nhận định đây là thời điểm để tăng tốc, thực hiện các mục tiêu đề ra theo kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

Chủ tịch Đạm Cà Mau cho biết, trong các tháng đầu năm, Đạm Cà Mau vẫn tăng cường xuất khẩu sang một số thị trường tiềm năng như Australia, New Zealand,… và giữ nhịp tăng trưởng mặc dù giá phân bón đi xuống. Sau quý 1/2024, công ty đã hoàn thành 51% kế hoạch xuất khẩu ure của cả năm.

Chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt tỷ lệ 20%

Chủ tịch Đạm Cà Mau
Ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch HĐQT Đạm Cà Mau trả lời các câu hỏi của cổ đông tại Đại hội.

Dựa trên kết quả kinh doanh năm 2023, HĐQT Đạm Cà Mau đã trình phương án chia cổ tức năm 2023 ở tỷ lệ 20% bằng tiền mặt, tương đương với số tiền dự chi là 1.059 tỷ đồng. Dự kiến tỷ lệ chia cổ tức năm 2024 ở mức 10%.

Trước một số thắc mắc cho rằng tỷ lệ chia cổ tức còn thấp trong khi lượng tiền mặt nắm giữ ở mức cao, ông Văn Tiến Thanh chia sẻ, với đặc thù kinh doanh trong lĩnh vực phân bón chỉ có tỷ suất lợi nhuận từ 8 - 12%, mức chia cổ tức 10 - 20% là phương án hài hoà giữa cổ đông và công ty.

"Mặc dù dòng tiền công ty dồi dào nhưng nhu cầu về vốn đầu tư trong những năm tới ở mức rất cao và việc đầu tư mở rộng kinh doanh sẽ đem lại lợi ích trong dài hạn cho cổ đông", Tổng Giám đốc Đạm Cà Mau phân tích.

Đặc biệt, Chủ tịch Đạm Cà Mau Trần Ngọc Nguyên cho biết, cổ tức dự kiến sẽ được thanh toán ngay trong vòng 30 ngày sau khi Đại hội diễn ra, trong khi thông lệ tốt cho thời hạn là 3 tháng và Luật Doanh nghiệp yêu cầu trả cổ tức sau 6 tháng.

Về kế hoạch đầu tư, trong năm nay, Đạm Cà Mau tiếp tục thực hiện 7 dự án chuyển tiếp với tổng mức đầu tư hơn 2.096 tỷ đồng, và triển khai 7 dự án mới với tổng mức đầu tư gần 791 tỷ đồng. Đồng thời, công ty chuẩn bị tìm kiếm cơ hội đầu tư 11 dự án.

Nhà máy Phân bón Hàn - Việt đã có lãi, kỳ vọng thuế VAT với phân bón được thông qua

Đạm Cà Mau vừa qua đã hoàn tất việc M&A Nhà máy Phân bón Hàn - Việt có vốn điều lệ gần 2.054 tỷ đồng. Chia sẻ thông tin về thương vụ này, ông Văn Tiến Thanh cho biết, kể từ khi đi vào hoạt động từ năm 2017 đến nay, nhà máy này liên tục thua lỗ. Tuy nhiên, kể từ khi Đạm Cà Mau tiến hành tái cấu trúc và đưa đơn vị này thành công ty con, Phân bón Hàn - Việt đã bắt đầu có lãi.

Theo Tổng Giám đốc Đạm Cà Mau điểm nổi bật của thương vụ này không phải ở công suất sản xuất mà là năng lực phân phối. Với vị trí địa lý chiến lược và kho bãi rộng, Phân bón Hàn - Việt còn giúp Đạm Cà Mau thâm nhập sâu vào những thị trường NPK tiềm năng lớn ở khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, và miền Trung. Do nhà máy NPK hiện tại của Đạm Cà Mau chủ yếu phục vụ thị trường Tây Nam Bộ và Campuchia.

Đạm Cà Mau
Ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch HĐQT Đạm Cà Mau chia sẻ với cổ đông bên lề Đại hội.

Xem thêm: "Thương vụ M&A Phân bón Hàn-Việt - Trợ lực mới cho tăng trưởng của Đạm Cà Mau (DCM)" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Với Nhà máy NPK tại tỉnh Bình Định, ông Văn Tiến Thanh tiết lộ, kế hoạch sẽ được triển khai thành 2 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, Đạm Cà Mau chỉ tận dụng đầu tư kho chứa để phân phối sản phẩm ở miền Trung. Dự kiến đến tháng 8/2024, công ty có thể đưa kho vào sử dụng với sức chứa 30.000 - 40.000 tấn phân bón các loại.

Tại Đại hội, trả lời thắc mắc của cổ đông về vấn đề thuế VAT đối với mặt hàng phân bón, ông Văn Tiến Thanh chia sẻ, đây là vấn đề đã được các doanh nghiệp phân bón trong nước đề nghị nhiều năm và kỳ họp của Quốc hội đang diễn ra đã thảo luận về vấn đề này.

“Dự kiến kỳ họp thứ 2 của Quốc hội sẽ thông qua và áp dụng. Khi áp dụng Luật thuế VAT 5% như trước đây, doanh nghiệp phân bón sẽ có cơ hội khấu trừ, thì dự kiến chi phí của công ty năm 2024 có khả năng hoàn thuế 250 - 270 tỷ đồng nếu Luật được áp dụng trong năm 2024. Nhưng khả năng này hơi khó, nên có thể kỳ vọng áp dụng từ 2025”, Tổng Giám đốc Đạm Cà Mau nói.

Kết thúc Đại hội, toàn bộ tờ trình của HĐQT Đạm Cà Mau được thông qua với tỷ lệ chấp thuận cao.

Duy Quang