Đạm Hà Bắc: Tái cơ cấu tài chính, vực dậy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Tái cơ cấu tài chính là giải pháp duy nhất đã được lựa chọn để Đạm Hà Bắc đảm bảo duy trì và tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh.
dam ha bac
Tái cơ cấu tài chính, vực dậy sản xuất kinh doanh của Đạm Hà Bắc

Trong thời gian qua, chi phí tài chính luôn là vấn đề khó khăn nhất trong quá trình hoạt động của Đạm Hà Bắc. Mức chi phí này thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn, bình quân giai đoạn 2015-2020 lãi vay chiếm 24,4% giá thành sản xuất. Tổng số nợ vay đầu tư của dự án là 7.207 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là 4.125 tỷ đồng, ngân hàng thương mại là 3.082 tỷ đồng.

Tính riêng khoản vay VDB, nợ vay ban đầu là 4.125 tỷ đồng thì đến 31/12/2021, Công ty đã trả VDB 2.323 tỷ đồng. Nhưng vẫn còn nợ tới 6.400 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 3.042 tỷ đồng, nợ lãi 3.358 tỷ đồng lớn hơn nợ gốc (lãi phạt 1.172 tỷ đồng). Lãi suất vay vốn bình quân là 10,43%/năm (mức cao nhất là 12%), lãi phạt lên đến 15,64%.

Trong năm 2021, tuy Công ty đã trả nợ được VDB 745 tỷ đồng nhưng nghĩa vụ nợ phải trả lại tăng thêm 79 tỷ đồng từ 6.321 tỷ đồng đầu năm lên 6.400 tỷ đồng vào cuối năm cho thấy tính cấp bách phải tái cơ cấu tài chính cho Công ty.

Để vực dậy thương hiệu Đạm Hà Bắc, từng bước ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, Phương án tái cơ cấu của Đạm Hà Bắc đã đặc biệt nhận được sự quan tâm của Chính phủ. Đơn cử, ngày 01/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã đến thăm và làm việc tại Công ty.

Đặc biệt, ngày 13/8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo nhiều bộ ngành đã trực tiếp thị sát, kiểm tra và làm việc với các bộ ngành tại nhà máy để xem xét quyết định những giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của Công ty. Tại buổi làm việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thống nhất phương án tái cơ cấu Đạm Hà Bắc để phát triển ổn định.

Về giải pháp giúp Đạm Hà Bắc phát triển lâu dài bền vững, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính cho rằng: Hiện nay giải pháp quan trọng và cấp bách nhất là cơ cấu lại tài chính. Bài toán cơ cấu phải được tính toán thật căn cơ. Cụ thể như trong các khoản vay hiện tại của Công ty, cần phân loại các khoản vay chi tiết để đưa ra phương án xử lý cụ thể đối với mỗi khoản vay khác nhau.

Thời gian tới, để giảm bớt lãi vay, Đạm Hà Bắc nên chú trọng trả bớt nợ gốc, có như vây mới giảm được lãi vay. Bên cạnh đó, về vấn đề lãi phạt, phải căn cứ vào quy định của pháp luật để xử lý.

Ngoài ra, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam phải sớm xây dựng đề án tái cơ cấu tài chính cho Đạm Hà Bắc. Đề án này phải cụ thể đến từng con số để làm rõ: khi tái cơ cấu thì hiệu quả như thế nào, các ngân hàng chấp nhận được bao nhiêu… Cần phải làm càng sớm càng tốt.

Ông Đặng Quyết tiến cũng cho rằng, Đạm Hà Bắc và 2 doanh nghiệp còn lại của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là Đạm Ninh Bình và DAP số 2 phải “ngồi lại” với bên ngân hàng để xin giải pháp đến đâu, ở mức độ nào. Nếu vấn đề nào thuộc trách nhiệm của ngân hàng, phía ngân hàng sẽ đưa ra phương án xử lý sớm.

Vấn đề nào vượt quá thẩm quyền như thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì phải đề xuất cụ thể một cách căn cơ, đầy đủ và và báo cáo với Ban Chỉ đạo xử lý yếu kém các dự án của ngành Công Thương. Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo sẽ trình các cấp có thẩm quyền.

“Thủ tướng đã nói nếu cần thiết thì đưa nhóm 3 doanh nghiệp này để trình 1 gói riêng, gỡ khó riêng chứ không đợi các cơ chế chung cho cả nhóm 7 dự án còn lại” – ông Tiến chia sẻ.

Hy vọng rằng, với những cơ chế chính sách đặc biệt là phương án tái cơ cấu tài chính được giải quyết, Đạm Hà Bắc sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất kinh doanh có lãi và sớm ra khỏi Danh sách các dự án theo Đề án 1468, tiếp tục khẳng định được thương hiệu, xứng đáng với sự ưa chuộng của người tiêu dùng nhiều năm qua.

 

Trần Bản