Ngày 03/9/2004, Nhà máy Đạm Phú Mỹ chính thức đi vào hoạt động. Tính đến ngày 31/12/2004, Nhà máy đã sản xuất được 285.000 tấn urê và 113.000 tấn khí lỏng ammonia, đồng thời tiêu thụ được 198.000 urê, góp phần tích cực vào việc đáp ứng nhu cầu thị trường phân bón trong nước. Giá urê của Nhà máy luôn ở mức rẻ hơn khoảng 5% so với giá urê nhập khẩu và phương thức thanh toán 100% giá trị hợp đồng trước khi giao hàng đã giúp cho Công ty tiêu thụ sản phẩm một cách ổn định, không bị nợ đọng vốn.
Kinh nghiệm ban đầu từ việc sản xuất và tiêu thụ Đạm Phú Mỹ đã cho thấy, việc tham gia của Đạm Phú Mỹ vào thị trường phân bón trong nước đã làm dịu bớt những cơn sốt giá cố hữu mà từ trước đến nay, người nông dân - người tiêu thụ cuối cùng sản phẩm phân đạm - phải gánh chịu hậu quả, do phụ thuộc quá nhiều vào nguồn đạm nhập khẩu.
Dự kiến, năm 2005, Công ty Phân đạm và Hoá chất Dầu khí sẽ sản xuất khoảng 600.000 tấn urê, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu trong nước và khoảng 50% nhu cầu của bà con nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Được sự giới thiệu của Giám đốc Công ty, chúng tôi đã có mặt tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ thuộc Khu Công nghiệp Phú Mỹ 1, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại đây, được tận mắt chứng kiến quy mô hoành tráng cũng như dây chuyền thiết bị công nghệ của một nhà máy sản xuất phân đạm vào loại hiện đại nhất thế giới đến thời điểm này, chúng tôi mới hiểu rằng, danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” năm 2004 mà người tiêu dùng bình chọn cho sản phẩm Đạm Phú Mỹ là hoàn toàn khách quan và trung thực. Thành công của Đạm Phú Mỹ được bắt nguồn từ vấn đề chất lượng. Do được sản xuất từ nguyên liệu khí trên dây chuyền công nghệ hiện đại, Đạm Phú Mỹ đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Các thông số cơ bản, đặc biệt là hàm lượng đạm, tỷ lệ tạp chất, độ ẩm đều tốt hơn so với tiêu chuẩn Việt Nam và tốt hơn các loại đạm nhập khẩu hiện đang lưu hành trên thị trường. Cụ thể, hàm lượng đạm cao hơn 0,3%, tỷ lệ tạp chất thấp hơn 0,5%, độ ẩm thấp hơn 0,1%. Đó chính là 3 yếu tố làm tăng giá trị của Đạm Phú Mỹ. Năm 2004, chất lượng Đạm Phú Mỹ đã được khẳng định bằng Huy chương Vàng chất lượng do bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao tặng và thương hiệu “Bạn của nhà nông năm 2004” do Hội đồng thẩm định chất lượng quốc gia công nhận. Thực tế sử dụng cũng cho thấy, hiệu quả của Đạm Phú Mỹ đối với cây trồng cao hơn hẳn so với các loại phân đạm khác.
Một yếu tố khác góp phần quan trọng làm nên sự thành công của Đạm Phú Mỹ phải kể đến là giá cả cạnh tranh, Trước hết, phải khẳng định rằng, thương hiệu Đạm Phú Mỹ chỉ mới xuất hiện trên thị trường trong nước từ tháng 8/2004, nhưng đã nhanh chóng chiếm được lòng tin của nhà nông và trở thành một thương hiệu có uy tín trên thị trường phân bón Việt Nam hiện nay. Lý giải về việc giá bán buôn của Đạm Phú Mỹ luôn thấp hơn giá urê nhập khẩu khoảng 5%, ông Đinh Hữu Lộc, Giám đốc Công ty Phân đạm và Hoá chất Dầu khí cho biết, Công ty đã xây dựng được công thức tính giá bán đạm một cách hợp lý, có tính đầy đủ các yếu tố đầu vào và sự biến động giá trên thị trường quốc tế. Để đảm bảo được mức giá này, ngoài việc quản trị tốt các chi phí đầu vào, Công ty luôn quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặt nhiệm vụ chính trị - xã hội và bình ổn giá cả lên trên vấn đề lợi nhuận. Thực tế cũng cho thấy, việc xuất hiện của Đạm Phú Mỹ đã góp phần hạ nhiệt thị trường phân bón vào những tháng đầu vụ.
Ngoài việc xây dựng công thức tính giá cho phù hợp với từng giai đoạn, để thực sự khách quan và công bằng, Công ty còn thành lập Hội đồng định giá và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng này. Mọi vấn đề liên quan đến giá bán sản phẩm theo từng thời kỳ đều do Hội đồng định giá quyết định, trên nguyên tắc bình đẳng, đa số và bỏ phiếu kín.
Một trong những giải pháp quan trọng góp phần làm bình ổn giá trên thị trường phân bón trong nước, đó là việc Công ty tổ chức, xây dựng, lựa chọn hệ thống đại lý cấp 1 tiêu thụ sản phẩm. Việc lựa chọn đại lý cũng được Công ty tiến hành rất bài bản, khoa học. Những đơn vị muốn trở thành đại lý cấp 1 của Công ty phải thoả mãn 3 tiêu chí sau: Phải có năng lực tài chính từ 100 tỷ đồng trở lên, có kho chứa từ 10.000 tấn trở lên và 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh phân bón.
Đến nay, Công ty đã lựa chọn được 9 đại lý cấp 1 trong cả nước và đã tiến hành hội nghị các đại lý để thống nhất lần cuối các công việc có liên quan trước khi ký hợp đồng đại lý cấp 1 tiêu thụ sản phẩm Đạm Phú Mỹ. Những công việc cần thống nhất là: Quy chế hoạt động của đại lý, cơ chế chính sách, hợp đồng nguyên tắc...
Trong tay chúng tôi đã có biên bản ghi lại những ý kiến đóng góp của 9 đơn vị được chọn làm đại lý. Hầu hết các ý kiến đều nhất trí với quy chế, hợp đồng, nguyên tắc do Công ty dự thảo và mức giá bán buôn mà Công ty đưa ra vào thời điểm này, thống nhất với quy trình và tiến độ giao hàng của Công ty cho các đại lý.
Với cách làm khoa học và hợp lý này, những cơn sốt giá phân bón như những năm trước đây sẽ khó có thể xảy ra. Hơn nữa, theo tính toán sơ bộ của Công ty Phân đạm và Hoá chất Dầu khí, đến hết tháng 6/2005, số lượng đạm sản xuất trong nước cộng với số hàng đã nhập về hoàn toàn có khả năng thoả mãn nhu cầu phân bón cho nông dân.
Trước khi chia tay chúng tôi, Giám đốc Đinh Hữu Lộc còn bật mí: “Chúng tôi vẫn giữ được giá bán ổn định, ngoài những nỗ lực của CBCNV Công ty, một phần là do nguyên liệu khí đầu vào còn được bao cấp, hiện chỉ bán với giá 1,3 USD/1 triệu BTU, trong khi đó, giá thị trường là 2,2 USD/ 1 triệu USD. Mình được Nhà nước bao cấp, tại sao lại không để người dân một nắng hai sương được hưởng một phần bao cấp đó”.
Trở ra Hà Nội, chúng tôi cứ suy nghĩ mãi về câu nói của ông Giám đốc đa tài, đồng niên, lắm truân chuyên, nhưng luôn hết lòng vì người nông dân.