Tóm tắt:
Phát triển năng lượng mặt trời và chính sách, pháp luật về năng lượng mặt trời đang là vấn đề rất được quan tâm hiện nay, không chỉ trong nước mà còn ở ngoài nước. Chính phủ Việt Nam đã rất cố gắng để ban hành những chính sách kịp thời, đầy đủ, khoa học và có chất lượng nhằm phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mặt trời một cách hiệu quả nhất. Tuy vậy, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cho thấy, vẫn cần thiết có cơ chế, chính sách và quy định pháp luật với chất lượng và hiệu quả điều chỉnh cao hơn. Bài viết đưa ra một số ý kiến nhằm đóng góp vào việc hoàn thiện chính sách pháp luật về năng lượng mặt trời ở nước ta hiện nay.
Từ khóa: năng lượng mặt trời, điện mặt trời, dự án điện mặt trời nối lưới, điện áp mái, chính sách và pháp luật về năng lượng mặt trời.
1. Đặt vấn đề
Nguồn năng lượng mặt trời ở Việt Nam có trữ lượng lớn. Nhận thức được điều đó, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã ban hành chủ trương và các chính sách, pháp luật về phát triển, khai thác, sử dụng nguồn năng lượng mặt trời nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển đất nước, phát triển kinh tế - xã hội.
Trong một thập niên qua, nhiều chính sách đã được triển khai áp dụng trong cuộc sống và có tác động tích cực tới sự phát triển lĩnh vực năng lượng và điện năng nói riêng. Tác giả tiến hành khảo cứu một số vấn đề cơ bản có liên quan đến chính sách, pháp luật về năng lượng mặt trời ở Việt Nam và có một số nhận xét đánh giá, từ đó có một số ý kiến bước đầu đóng góp cho việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về năng lượng mặt trời. Phương pháp khảo cứu tài liệu, phân tích và tổng hợp được dùng chủ yếu.
2. Khái quát về chính sách, pháp luật về năng lượng mặt trời
Chính sách về năng lượng mặt trời được hiểu là hệ thống những hành động có chủ đích của cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền, mang tính quyền lực nhà nước, ban hành theo những trình tự, thủ tục được pháp luật quy định một cách chặt chẽ, cụ thể, nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến năng lượng mặt trời theo lộ trình phù hợp mà trong giai đoạn đầu là ưu tiên giải quyết vấn đề phát triển năng lượng mặt trời theo chiều ngang, nghĩa là phát triển các dự án theo số lượng và theo công suất cung cấp năng lượng của các dự án.
Chính sách, pháp luật về năng lượng mặt trời bao gồm: chính sách ưu đãi vốn, chính sách khuyến khích đầu tư, chính sách giá, chính sách hỗ trợ đất đai, thủ tục triển khai,…
3. Thực trạng chính sách, pháp luật về năng lượng mặt trời ở Việt Nam hiện nay
3.1. Các chính sách, pháp luật đã ban hành và đang thực hiện
Sau Luật Điện lực 2004, Luật Điện lực 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Điện lực 2004, Luật Sử dụng năng lượng Tiết kiệm và Hiệu quả 2010 là những văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất trong lĩnh vực năng lượng nói chung và điện năng nói riêng. Theo thời gian ban hành, lĩnh vực năng lượng mặt trời đang được điều chỉnh bởi rất nhiều văn bản dưới luật, cụ thể:
- Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam;
- Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 của Bộ Công Thương quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời;
- Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg ngày 8/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam;
- Thông tư số 05/2019/TT-BCT ngày 11/3/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời;
- Quyết định số 2023/QĐ-BCT ngày 5/7/2019 của Bộ Công Thương phê duyệt Chương trình Thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025;
- Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
- Thông tư số 18/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 của Bộ Công Thương quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời.
3.2. Một số nội dung cơ bản trong chính sách, pháp luật về năng lượng mặt trời
Một là, cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phát triển năng lượng mặt trời.
Nhận thức được lợi ích to lớn từ việc phát triển năng lượng mặt trời, các quốc gia đã áp dụng nhiều cơ chế khuyến khích, hỗ trợ để nhanh chóng triển khai xây dựng, lắp đặt và sử dụng năng lượng mặt trời mà chủ yếu là các hệ thống điện mặt trời.
Có nhiều cách thức hỗ trợ phát triển năng lượng mặt trời của Chính phủ đối với cá nhân, tổ chức sản xuất điện mặt trời.
Thứ nhất là tín dụng xanh, hỗ trợ vay vốn ưu đãi lắp đặt hệ thống điện mặt trời[1]
Thứ hai là ưu đãi về thuế. Dự án điện mặt trời được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án; thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ sản xuất của dự án là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được. Việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án điện mặt trời được thực hiện như đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế.
Thứ ba là ưu đãi về đất đai. Các dự án điện mặt trời, công trình đường dây và trạm biến áp để đấu nối với lưới điện được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng cho dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư.
Căn cứ vào quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tạo điều kiện thu xếp quỹ đất để chủ đầu tư thực hiện các dự án điện mặt trời. Việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về đất đai.
Các chính sách ưu đãi nói trên đã tác động rất tích cực đến sự phát triển điện mặt trời mấy năm qua ở Việt Nam[2]
Hai là, chính sách về giá điện mặt trời.
- Đối với dự án điện mặt trời nối lưới
Chính sách về giá có sự khác biệt giữa dự án điện mặt trời nối lưới và hệ thống điện mặt trời mái nhà (điện áp mái) và được quy định tại Điều 5 Quyết định 13/2020/QĐ-TTg. Theo đó:
- Dự án điện mặt trời nối lưới đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại của dự án hoặc một phần dự án trong giai đoạn từ ngày 01/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020 thì dự án hoặc một phần dự án đó được áp dụng Biểu giá mua điện của các dự án điện mặt trời nối lưới tại điểm giao nhận điện Quyết định 13/2020/QĐ-TTg.
- Giá mua điện tại Biểu giá mua điện chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, được điều chỉnh theo biến động tỷ giá của đồng Việt Nam với đô la Mỹ (tính tương đương UScents/kWh), tỷ giá áp dụng là tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đồng đô la Mỹ, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày Bên bán điện xuất hóa đơn thanh toán. Giá mua điện này được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
- Riêng đối với tỉnh Ninh Thuận, giá mua điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp và có ngày vận hành thương mại trước ngày 01/01/2021 với tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương với 9,35 UScents/kWh, theo tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 10/4/2017 là 22.316 đồng/USD), được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD. Tỷ giá áp dụng là tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày Bên bán điện xuất hóa đơn thanh toán.
- Giá mua điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới không đáp ứng các điều kiện tại khoản 1 và khoản 3 Điều 5 Quyết định 13/2020/QĐ-TTg được xác định thông qua cơ chế cạnh tranh.
- Giá mua điện tại khoản 1 và khoản 3 Điều 5 Quyết định 13/2020/QĐ-TTg được áp dụng cho các dự án có hiệu suất của tế bào quang điện (solar cell) lớn hơn 16% hoặc module lớn hơn 15%.
- Đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà (điện áp mái)
Bên mua có thể là Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đơn vị thành viên được Tập đoàn Điện lực Việt Nam ủy quyền hoặc có thể là tổ chức, cá nhân khác trong trường hợp không sử dụng lưới điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam[3].
Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đơn vị thành viên được ủy quyền thực hiện thanh toán lượng điện năng từ hệ thống điện mặt trời mái nhà phát lên lưới điện quốc gia theo giá mua điện quy định tại Biểu giá mua điện đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà tại Phụ lục của Quyết định này. Giá mua điện này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá của đồng Việt Nam với đô la Mỹ (tính tương đương UScents/kWh), tỷ giá áp dụng là tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày cuối cùng của năm trước để tính tiền điện thanh toán cho năm tiếp theo. Các Bên có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về thuế và phí[4].
Trường hợp Bên mua điện không phải là Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đơn vị thành viên được ủy quyền giá mua điện và hợp đồng mua điện do các bên thỏa thuận phù hợp quy định của pháp luật hiện hành[5].
Theo ý kiến của một nhà nghiên cứu[6], một trong những nội dung quan trọng mà người dân và khách hàng sử dụng điện quan tâm là giá điện mặt trời mái nhà từ sau thời điểm 30/6/2019. Căn cứ nội dung của Quyết định 13, các Công ty Điện lực sẽ thực hiện ký hợp đồng mua điện và thanh toán tiền điện đối với các dự án điện mặt trời mái nhà đã chốt chỉ số công tơ để bắt đầu giao nhận điện và thanh toán tiền điện kể từ ngày 01/7/2019.
Thứ nhất, nếu công trình có ngày vận hành thương mại trước ngày 30/6/2019, giá mua điện từ các dự án điện mặt trời mái nhà áp dụng theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/4/2017 là 9,35 UScents/kWh, tương đương 2.164 VNĐ/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và áp dụng trong vòng 20 năm.
Thứ hai, nếu công trình có thời điểm vận hành và xác nhận chỉ số công tơ trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 - 31/12/2020, giá mua điện từ các dự án điệt mặt trời mái nhà áp dụng theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ là 8,38 UScents/kWh, tương đương 1.943 VNĐ/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và áp dụng trong vòng 20 năm; tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng cho ngày cuối cùng của năm trước để tính tiền điện thanh toán cho năm tiếp theo.
Ba là, Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời.
Theo quy định, giao dịch mua bán điện giữa các bên bắt buộc phải sử dụng Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện mặt trời nối lưới, trong đó bên mua là Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đơn vị thành viên được Tập đoàn Điện lực Việt Nam ủy quyền[7].
Quy định về thời hạn của hợp đồng mua bán điện đối với các dự án điện mặt trời nối lưới là 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Sau khi hết thời hạn này, việc gia hạn thời hạn hợp đồng hoặc ký hợp đồng mới thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm ký gia hạn hợp đồng hoặc ký hợp đồng mới. Đây là một vấn đề hết sức lưu ý khi thực hiện trong thực tiễn vì với thời hạn 20 năm, có rất nhiều vấn đề có thể xảy ra cần được dự liệu trước.
3.3. Kết quả thực hiện chính sách pháp luật về năng lượng mặt trời thời gian qua ở Việt Nam
Việc ban hành và thực hiện hệ thống các chính sách và quy định pháp luật ở nước ta trong thời gian qua đã đem lại kết quả rất tích cực.
Theo số liệu mới được công bố gần đây nhất, tính đến hết ngày 31/12/2020, tổng công suất lắp đặt về điện mặt trời trên cả nước đã đạt khoảng 16.500 MW, chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia. Trong đó, có khoảng 8.000 MW là điện mặt trời mái nhà và hơn 8.400 MW điện mặt trời trang trại lớn[8].
4. Một số nhận xét, đánh giá
Qua khảo cứu chưa thực sự đầy đủ các vấn đề liên quan đến chính sách, pháp luật về năng lượng mặt trời mà chủ yếu là điện mặt trời, chúng tôi có một số nhận xét bước đầu như sau:
Một là, các chính sách khuyến khích, ưu đãi nhằm phát triển năng lượng mặt trời được quan tâm ban hành và triển khai áp dụng trong thực tiễn là tương đối đầy đủ và kịp thời;
Hai là, các chính sách khuyến khích, ưu đãi nhằm phát triển năng lượng mặt trời đã phát huy được tác dụng rất tích cực, có hiệu quả tốt trong thực tiễn.
Ba là, các quy định pháp luật đã bước đầu được xây dựng và ban hành. Khung khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động phát triển năng lượng mặt trời đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam.
Bốn là, các quy định pháp luật về phát triển năng lượng mặt trời ở Việt Nam còn sơ khai, phần lớn được quy định trong các văn bản dưới luật với hiệu lực pháp lý chưa cao, tác dụng điều chỉnh còn hạn chế.
Năm là, cơ chế khuyến khích, ưu đãi nhằm phát triển năng lượng mặt trời còn một số điểm bất cập, vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ như giá điện, tiếp cận nguồn lực đất đai, vốn vay,…
5. Kết luận và một số ý kiến khuyến nghị
Phát triển năng lượng mặt trời nói chung và điện mặt trời nói riêng, trong đó có dự án điện mặt trời nối lưới và hệ thống điện mặt trời mái nhà (điện áp mái) là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Chủ trương đó đã được thể chế hóa bằng các chính sách và các quy định pháp luật cụ thể mà kết quả triển khai thực hiện trong thực tiễn đã và đang mang lại những kết quả rất khả quan.
Tuy vậy, nhìn nhận một cách khách quan và tổng thể, có thể thấy rằng, chính sách, pháp luật về năng lượng mặt trời ở nước ta vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc như đã sơ bộ chỉ ra ở trên. Từ một số bất cập được nhận diện đó, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số ý kiến mang tính chất khuyến nghị nhằm khắc phục như sau:
Thứ nhất, cần chú trọng phát triển điện mặt trời mái nhà (điện áp mái) trong cơ cấu phát triển điện mặt trời nói chung.
Thứ hai, cần có cơ chế hỗ trợ giá lắp đặt điện mặt trời mái nhà cho cá nhân, hộ gia đình, các tổ chức ở từng vùng miền, vì các vùng miền có lượng bức xạ mặt trời khác nhau để điện mặt trời mái nhà (điện áp mái) phát triển đồng đều trong cả nước.
Thứ ba, triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, khuyến khích đặc biệt với điện mặt trời mái nhà; đơn giản hóa thủ tục đăng ký, cung cấp các dịch vụ đăng ký mua bán điện mặt trời mái nhà trực tuyến.
Thứ tư, cần gấp rút nghiên cứu xây dựng, ban hành Luật về năng lượng tái tạo trong thời gian tới. Trong đó, các quy định cần được nghiên cứu đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn.
Khảo cứu vấn đề chính sách, pháp luật về năng lượng mặt trời là một công việc không dễ dàng vì cần nhiều yếu tố ngoài năng lực nghiên cứu. Tuy vậy, tác giả cũng nỗ lực để có thể đóng góp một số ý kiến vào việc xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động phát triển năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng mặt trời nói riêng.
Tài liệu trích dẫn:
1 Thái Phương. Ngân hàng "đua" cho vay đầu tư điện mặt trời mái nhà. https://nld.com.vn/kinh-te/ngan-hang-dua-cho-vay-dau-tu-dien-mat-troi-mai-nha-
2 Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tới thời điểm cuối tháng 5/2020, tổng số dự án điện mặt trời mái nhà là 31.506 tương ứng với giá trị công suất lắp đặt xấp xỉ 652 MWp sản lượng điện phát lên lưới đạt 185,683 triệu kWh. Khu vực công nghiệp chiếm 56% tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà, xếp sau là khu vực hộ gia đình (28%), khu vực thương mại (11%) và hành chính sự nghiệp (5%). Các tỉnh và thành phố phía Nam (bao gồm T Hồ Chí Minh) vẫn duy trì là các địa phương dẫn đầu trong lắp đặt điện mặt trời mái nhà với cả hai tiêu chí là số lượng dự án và tổng công suất lắp đặt. Đỗ Thị Bích Thủy. Chính sách phát triển điện mặt trời của một số nước và Việt Nam. http://vioit.vn/chinh-sach-phat-trien-dien-mat-troi-cua-mot-so-nuoc-va-viet nam.html
3 K1, Đ8 Quyết định 13/2020/QĐ-TTg Về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
4 K2, Đ8 Quyết định 13/2020/QĐ-TTg Về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
5 K3, Đ8 Quyết định 13/2020/QĐ-TTg Về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
6 Đỗ Thị Bích Thủy. Chính sách phát triển điện mặt trời của một số nước và Việt Nam
http://vioit.vn/chinh-sach-phat-trien-dien-mat-troi-cua-mot-so-nuoc-va-viet nam.html
7 K1, Điều 4 Quyết định 13/2020/QĐ-TTg Về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
8 Toàn Thắng. Rà soát tổng thể những vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời. http://baochinhphu.vn/Phat-trien-he-thong-dien-mat-troi/Ra-soat-tong-the-nhung-van-de-lien-quan-den-phat-trien-dien-mat-troi/423954.vgp
Tài liệu tham khảo:
- Ban Chính trị (2007). Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị khóa X về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.
- Ban Chính trị (2020). Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Chính phủ (2007). Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 1855/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 Phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.
- Chính phủ (2020). Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
- Chính phủ (2020). Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 2/10/2020 của Chính phủ: Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Chính phủ (2015). Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Chính phủ (2017). Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
- Quốc hội (2010). Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010.
- Quốc hội (2012). Luật Điện lực 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực 2004.
- Tuấn Thành (2021). Vướng mắc đối với phát triển năng lượng tái tạo và giải pháp khắc phục. Truy cập tại: https://tuyengiao.vn/thoi-su/vuong-mac-doi-voi-phat-trien-nang-luong-tai-tao-va-giai-phap-khac-phuc-135449.
- Đỗ Thị Bích Thủy (2021). Chính sách phát triển điện mặt trời của một số nước và Việt Nam. Truy cập tại: http://vioit.vn/chinh-sach-phat-trien-dien-mat-troi-cua-mot-so-nuoc-va-viet-nam.html.
- VN (2021).Chuyên gia quốc tế: Việt Nam là hình mẫu phát triển năng lượng tái tạo cho các nước ASEAN. Truy cập tại: https://moit.gov.vn/tin-tuc/phat-trien-nang-luong/chuyen-gia-quoc-te-viet-nam-la-hinh-mau-phat-trien-nang-luong-tai-tao-cho-cac-nuoc-asean.html.
- Jean - Guy Vailancourt (2020). Phát triển bền vững: Nguồn gốc và khái niệm. Truy cập tại:
https://phapluatdansu.edu.vn/2020/09/04/15/04/pht-trien-ben-vung-nguon-goc-v-khi-niem/
- Sadie Cox, Terri Walters, and Sean Esterly, Sarah Booth. Policies to Support Solar Power Deployment: Key considerations and good practices. Rechievedfrom:https://cleanenergysolutions.org/policy-briefs/solar .
- Zhenling Liu (2018). What is the future of solar energy? Economic and policy barriers. Rechieved from: https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/15567249.2017.1416704.
ASSESSING THE POLICIES AND LEGAL REGULATIONS ON SOLAR ENERGY IN VIETNAM AND PROPOSALS TO IMPOVE THESE POLICIES AND LEGAL REGULATIONS
Vu Quang
School of Economics and Management, Hanoi University of Science and Technology
Abstract:
The development of solar energy, and policies and legal regulations on solar energy are a matter of great concern today, not only in Vietnam but also in the world. The Government of Vietnam has made great efforts to issue timely, complete, and scientific policies to develop renewable energy in general and solar energy in particular in the most effective way. However, the fact shows that it is necessary to improve mechanisms, policies and legal regulations on solar energy. This paper presents some ideas to improve the effectiveness of Vietnam’s policies and legal regulations on solar energy.
Keywords: solar energy, solar power, grid-connected solar power projects, rooftop solar power, policies and legal regulations on solar energy.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2022]