Đánh giá hiệu quả kinh tế trong công tác thăm dò và khai thác dầu khí của Vietsopetro

Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt Nam - Liên bang Nga (Vietsovpetro) là liên doanh dầu khí lớn nhất ở Việt Nam hiện nay hoạt động trên cơ sở Hiệp định liên Chính phủ Việt Nam - Liên Bang Nga, có vị tr

Với việc sửa đổi Hiệp định năm 1991 giữa hai Chính phủ CHXHCN Việt Nam và CHLB Nga về việc tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, Vietsovpetro bước vào thời kỳ hoạt động dựa trên nguyên tắc hạch toán kinh tế độc lập, tự cấp vốn và tự hoàn vốn. Từ những ngày bắt đầu khai thác tấn dầu đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ năm 1986, thì đến giữa năm 1995, đã thu gom và đưa khí đồng hành vào bờ phục vụ cho nhu cầu phát điện và sản xuất khí hoá lỏng. Từ đây, tình hình sản xuất kinh doanh của Vietsovpetro không ngừng tăng trưởng. Kể từ năm 1991 đến nay, sản lượng khai thác dầu và khí không ngừng tăng, giá trị dầu thương phẩm của Vietsovpetro khi cao nhất đạt bình quân 7-9 triệu USD mỗi ngày. Đến giữa quý I năm 2004, Xí nghiệp liên doanh khai thác được trên 130 triệu tấn dầu và đưa vào bờ gần 11,5 tỷ m3 khí phục vụ cho công trình Khí - Điện - Đạm Bà Rịa – Vũng Tầu.
Đánh giá đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật: Với nhịp độ sản xuất và tăng trưởng hàng năm, Hội đồng quản trị XNLD hàng năm đã quyết định dựa trên nhu cầu và quy mô phát triển sản xuất kinh doanh của Xí nghiệp, để lại phần dầu chi phí cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, bình quân phần dầu để lại đầu tư cho Xí nghiệp giai đoạn 1991-1999 là 28,43% tổng thu về dầu. Từ năm 2000 đến nay, bình quân đầu tư khoảng 25% về lượng dầu để lại (thực chất khoảng 22%) vì còn lại chủ yếu cho công tác thăm dò, đầu tư vùng mới và nộp bổ sung ngân sách Nhà nước Việt Nam và hai phía tham gia, do giá dầu mấy năm gần đây liên tục tăng.
Về cơ sở vật chất kỹ thuật, hiện nay đã xây dựng được một khu tổ hợp công nghiệp dịch vụ trên bờ và ngoài biển gồm căn cứ cảng hiện đại, kho tàng bến bãi, đội tàu thuyền phục vụ hàng chục các giàn khai thác dầu khí, bốn cảng kho tàu chứa dầu ngoài khơi, 12 giàn khoan cố định, 2 giàn công nghệ trung tâm, 10 giàn nhẹ, 2 giàn khoan tự nâng, 2 giàn nén khí, 4 giàn bơm ép vỉa, 4 trạm tàu chứa và rót dầu không bến, xây dựng lắp đặt hệ thống 310 km đường ống dẫn dầu, nhiều phương tiện thiết bị hiện đại có tầm cỡ khu vực. Ngoài ra, Vietsovpetro còn có Viện Nghiên cứu và Thiết kế các công trình dầu khí biển, có thể tự đảm đương các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và thiết kế, thực hiện xây dựng 20 công trình quốc phòng trên thềm lục địa. Trải qua hơn 23 năm xây dựng và trưởng thành, Vietsovpetro đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân lành nghề người Việt Nam có tâm huyết, nhiều kỹ sư, công nhân bậc cao có chứng chỉ quốc tế. Hiện đội ngũ này có thể đảm đương hầu hết các công việc và đã thay thế hầu hết các chuyên gia người Nga ở các vị trí then chốt trong gần 60 ngành nghề khác nhau, trong đó phân nửa làm việc trên các công trình biển.
Trong quá trình hoạt động,  Vietsovpetro đã phát hiện được 6 mỏ dầu, trong đó có 3 mỏ có trữ lượng thương mại là mỏ Bạch Hổ, mỏ Rồng và mỏ Đại Hùng. (trong 3 mỏ này, thì các chuyên gia đánh giá mỏ Bạch Hổ là một trong những mỏ lớn của khu vực Đông Nam á), còn lại là các mỏ vừa và nhỏ. Trong quá trình thăm dò và khai thác dầu khí, Vietsovpetro đã áp dụng, nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật như khai thác cơ học bằng Gaslift, áp dụng biện pháp vỡ vỉa thủy lực nhằm tăng cường khai thác giếng, bơm ép nước vào vỉa. Việc này đã giúp Vietsovpetro khai thác dầu vượt mức hàng năm và có thể nâng cao hệ số thu hồi dầu lên cao và khai thác có hiệu quả mỏ.
Việc Vietsovpetro tiến hành tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí có hiệu quả và việc phát hiện ra tầng dầu trong móng tại mỏ Bạch Hổ, mỏ Rồng và các mỏ tương tự là đóng góp lớn cho sự nghiệp dầu khí Việt Nam và thế giới, làm thay đổi tầm nhìn và xây dựng một phương thức mới trong chiến lược dầu bằng việc sửa đổi Hiệp định Liên Chính phủ Việt Nam - Liên Xô (cũ) vào năm 1991, sau đó Liên bang Nga kế thừa đã chuyển hoạt động của Vietsovpetro sang giai đoạn mới, giai đoạn chuyển đổi về chất trong việc hợp tác và thay đổi cơ bản về cơ chế tài chính nói riêng và cơ chế quản lý kinh tế nói chung tại Việt Nam. Đây cũng là điều kiện quan trọng để thúc đẩy và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Các giải pháp kỹ thuật và công nghệ của Vietsovpetro: 
Các giải pháp kỹ thuật và công nghệ thăm dò và khai thác dầu của Vietsovpetro cũng đặt tiền đề cho việc đầu tư và hiệu quả kinh tế của mỏ, với các giải pháp từ khi phát hiện ra dòng dầu công nghiệp và tiến hành khai thác mỏ như: Tiến hành khai thác theo giai đoạn, từ tự phun bằng năng lượng tự nhiên của mỏ, khai thác theo chế độ đàn hồi, sau đó khai thác bằng phương pháp cơ học kết hợp phương pháp duy trì áp suất vỉa, bơm nước vào vỉa; ứng dụng các dạng công nghệ khoan ngang hoặc khoan xiên; Vỡ vỉa thuỷ lực và xử lý vùng cận đáy giếng. Với những giải pháp công nghệ tiên tiến về khoan và khai thác dầu khí cho phép Vietsovpetro thường xuyên khai thác vượt mức kế hoạch hàng năm. Hệ số thu hồi dầu được nâng lên đáng kể tại tầng móng từ giữa thập kỷ 90 đạt 0,35 đến nay đã đạt trên 0,40 với hiệu quả kinh tế và kỹ thuật rất cao.
Đánh giá về các chỉ tiêu tài chính và hiệu quả kinh tế của Vietsovpetro: (xem bảng)
Từ bảng trên cho ta thấy, tăng trưởng của Vietsovpetro thu từ dầu thô giai đoạn 1996-2000 so với giai đoạn 1991-1995 đạt 207%, tức là tăng hơn gấp 2 lần. Trong khi đó, chi phí chỉ tăng 30% cho các hoạt động sản xuất và khai thác so với quy mô tăng sản xuất và sản lượng cũng như doanh thu. Giai đoạn 2001-2003, do sản lượng giữ vững và giá dầu liên tục tăng, vì vậy mà chỉ trong 3 năm, doanh thu bằng cả giai đoạn 1996-2000.
Cũng do sự tăng trưởng nêu trên mà các khoản nộp ngân sách nhà nước và lãi nộp cho hai phía tham gia Việt - Nga cũng tăng theo tỷ lệ trên.
¦ớc tính thu nhập từ dầu thô giai đoạn 1991-2005 sẽ đạt trên 25 tỷ USD và phần nộp ngân sách và lợi nhuận phía Việt Nam gần 16 tỷ USD.
Đánh giá hiệu quả:
Hiệu quả đầu tư tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở mỏ Bạch Hổ của Xí nghiệp Vietsovpetro chứng minh hiệu quả của mô hình hợp tác liên doanh giữa Việt Nam và Liên bang Nga được thể hiện ở việc sản lượng dầu khai thác, doanh thu bán dầu, thu nộp ngân sách không ngừng tăng, đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam ngày càng nắm bắt công nghệ kỹ thuật tiên tiến và đảm đương được công việc khó khăn mà trước đây chỉ có chuyên gia nước ngoài mới đảm đương được. Đặc biệt chi phí khai thác dầu từ mỏ của Liên doanh thấp hơn những công ty của Mỹ và châu Âu.
1. Về chi phí tìm kiếm thăm dò: Đến nay (đầu năm 2004), VSP đã khảo sát địa chất công trình trên 81 diện tích (7 lô), thực hiện 69.504 km tuyến địa chấn, khoan 18 ngàn mét khoan tìm kiếm thăm dò (45 giếng), trong đó, 20% giếng khoan đã cho dòng dầu khí công nghiệp. Kết quả lớn nhất là xác minh được trữ lượng dầu công nghiệp tại 3 mỏ Bạch Hổ, Rồng và Đại Hùng, là những mỏ có trữ lượng lớn tại Đông Nam á. Tại Mỏ Bạch Hổ, tỷ lệ giếng khoan gặp dầu đạt trên 70%. Chi phí tìm kiếm thăm dò cho giai đoạn đến năm 2000 đạt 5% chi phí đầu tư. Gia tăng trữ lượng công nghiệp khoảng 250 triệu tấn dầu.
2. Về chi phí xây dựng công trình biển và các giếng khoan khai thác:
Chi phí cho đầu tư xây dựng các công trình biển phục vụ cho khai thác dầu chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng vốn đầu tư, đặc biệt trong điều kiện công nghiệp hoá và hiện đại hoá và cũng nhằm tăng hiệu quả thu hồi dầu. Những chi phí đầu tư cho xây lắp các công trình biển như giàn khoan cố định, di động, các giàn nén khí, giàn bơm ép nước vào vỉa dầu, xây dựng hệ thống đường ống dẫn dầu nội bộ mở.
Tổng chi đầu tư phát triển mỏ đến nay hơn 3 tỷ USD đang phát huy hiệu quả trong thời gian qua và còn phát huy đến hết đời mỏ.
3. Về chi phí khai thác dầu: Tính trung bình của giai đoạn 1986-2000, chi phí khai thác dầu gồm cả chi phí tìm kiếm thăm dò và khấu hao TSCĐ là 27,5 USD/tấn dầu hay 3,6 USD/thùng. Trong khi, chi phí khai thác trung bình 1 thùng dầu của Công ty Texaco năm 1995 là 3,97 USD. Còn theo Tạp chí World Oil xuất bản 1996, thì chi phí khai thác trung bình của 35 công ty hàng đầu của Mỹ năm 1995 là 4,05 USD/thùng.
Trên cơ sở so sánh trên thấy rằng, chi phí khai thác dầu của Vietsovpetro thấp hơn so với các công ty trên.
4. Về công tác dịch vụ: Khác với các mô hình theo Hợp đồng phân chia sản phẩm đã ký với các công ty dầu khí nước ngoài khác, theo mô hình của Vietsovpetro, toàn bộ dầu thương phẩm được giao cho tổ chức ngoại thương Việt Nam là Công ty Petechim xuất khẩu, doanh thu bán dầu Vietsovpetro chịu trách nhiệm phân phối theo Hiệp định quy định và làm nghĩa vụ trực tiếp với ngân sách nhà nước như nộp thuế tài nguyên, thuế lợi tức, thuế xuất khẩu dầu, chuyển tiền lợi nhuận các bên sau khi thu tiền từng lô dầu.
Số liệu thống kê tổng hợp thì số thuế thu từ dầu thô, chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong tổng nguồn thu ngân sách của cả nước. Nếu như, năm 1991 tổng thu từ dầu thô chiếm 19,38% tổng thu ngân sách nhà nước, thì đến năm 2003, con số này đã lên tới 23%.
Từ những số liệu trên đây cho thấy, vai trò và vị trí của hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí đã có những đóng góp quan trọng cho nền ngân sách quốc gia, trong đó sản lượng và thu nhập của Vietsovpetro giai đoạn đến năm 2003 chiếm đến 80% toàn ngành. Từ quý 4/2003, thêm một số mỏ của ngành vào khai thác sẽ làm tăng sản lượng toàn ngành.
Chính sách và chiến lược đầu tư đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta từ nhiều năm đối với ngành dầu khí đã mang lại kết quả và hiệu quả như ngày nay. Thể hiện việc thực hiện Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị khoá VI đã nêu rõ: “Đất nước ta có nguồn tiềm năng Dầu khí đáng kể ở thềm lục địa. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải tập trung cố gắng đến mức cao nhất để biến tiềm năng đó thành hiện thực, từng bước đưa dầu khí trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế trong những thập kỷ tới”.
Giải pháp tăng cường đầu tư và kích thích đầu tư: Để thực hiện được những mong muốn và có những kết quả thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa các hoạt động dầu khí cần có những giải pháp sau:
* Đối với toàn ngành Dầu khí:
Tập trung nhân tài vật lực, trí tuệ và tài năng, nguồn vốn cho thăm dò các lô đã được đánh giá có triển vọng;  Có các định chế và cơ chế khai thác, đầu tư công nghệ cao và thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước; Có một cơ chế quản  lý linh hoạt và nhạy bén, phù hợp với điều kiện phát triển đất nước trong các thập kỷ và của thế kỷ mới.
* Đối với Vietsovpetro, ngoài những giải pháp chung của toàn ngành cần:
Sớm và kịp thời đưa các công trình của Xí nghiệp Vietsovpetro vào hoạt động, thăm dò và khai thác mỏ phù hợp với Sơ đồ công nghệ mỏ đã được Nhà nước phê duyệt, nhằm phát triển hơn nữa thăm dò và khai thác dầu khí có ý nghĩa quyết định tới hiệu quả của các mỏ; Đồng thời đầu tư trở lại từ một phần lợi nhuận thu được từ dầu thô để thăm dò và tìm kiếm mỏ mới, cũng như để gia tăng đánh giá trữ lượng dầu khí, cùng với nhiệm vụ nâng cao hệ số thu hồi dầu khí là một yêu cầu bức bách và cũng là một trách nhiệm không chỉ của ngành Dầu khí, mà còn là tầm nhìn của các ngành và các cấp lãnh đạo…
Là đơn vị chủ công trong ngành Dầu khí có những đóng góp lớn cho ngân sách Việt Nam, hiệu quả cao đối với nước chủ nhà và nhà đầu tư Nga, Vietsovpetro đã xây dựng được cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ của đất nước cùng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý và công nhân lành nghề có nhiều kinh nghiệm và trí tuệ để tự đảm nhiệm các công việc của ngành Dầu khí, với nhịp độ phát triển và ổn định của XNLD Vietsovpetro và quan tâm của hai nhà nước thì hoạt động của Vietsovpetro sẽ góp phần sự quan trọng trong việc thực hiện nghị quyết của Đảng, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu trước thời hạn của kế hoạch 5 năm, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nước nhà.

  • Tags: