Báo cáo được khởi động ngày 27/5 với tiêu đề "BĐKH tại Việt Nam: Góc nhìn từ cộng đồng".
Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam Trần Việt Hùng cho biết, nội dung chính của báo cáo sẽ bao gồm 3 phần chính với 12 chuyên đề, cung cấp khái quát về tình hình BĐKH và ứng phó tại Việt Nam, phân tích những đóng góp của cộng đồng trong ứng phó với BĐKH và đưa ra những gợi mở và tầm nhìn chính sách về sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động ứng phó với BĐKH.
Dự kiến báo cáo thường niên về BĐKH tại Việt Nam năm 2015 sẽ ra mắt vào giữa năm 2016.
Tại Việt Nam đã có các báo cáo về BĐKH có giá trị tham khảo cao, cập nhật số liệu chi tiết, hệ thống. Tuy nhiên, những báo cáo này đều có khuynh hướng bao quát những vấn đề lớn của môi trường và khí hậu, phương pháp tiếp cận từ trên xuống, chưa có sự tham gia rộng rãi của các tổ chức nghiên cứu độc lập, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng nên chưa phản ánh đầy đủ quan điểm của các bên liên quan đang trực tiếp tham gia vào nỗ lực ứng phó với BĐKH tại Việt Nam.
Qua báo cáo này, các mô hình, kinh nghiệm và thực tiễn tốt trong việc ứng phó với BĐKH sẽ được phân tích và đánh giá, đưa ra những gợi mở về chính sách định hướng cho công tác ứng phó với BĐKH ở Việt Nam trong thời gian tới.
Khuyến nghị về vấn đề đầu tư ứng phó hiệu quả với tác động của BĐKH tại Việt Nam, Chủ tịch AMDI Nguyễn Tiến Đức cho biết, BĐKH toàn cầu đã và đang gây ra những tác động khó lường đối với con người, môi trường và hệ sinh thái. Theo báo cáo của WB, Việt Nam xếp trong số những quốc gia hàng đầu trên thế giới dễ bị tác động bởi BĐKH.
Cũng theo WB, lượng vốn cần thiết cho việc giảm nhẹ thích ứng và công nghệ là rất lớn, có thể lên tới 140-175 tỷ USD mỗi năm trong vòng 20 năm tới. Trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2050, đầu tư toàn cầu cho biến đổi khí hậu có thể lên tới 30-100 tỷ USD.
Để ứng phó hiệu quả với tác động của BĐKH, mỗi năm Việt Nam cần đầu tư ít nhất khoảng 0,5% GDP cho các hoạt động này.
Trong những năm qua nguồn tài chính cho ứng phó với BĐKH của Việt Nam khai thác chủ yếu từ các nguồn ngân sách, các khoản vay hỗ trợ của Chính phủ, các dự án và chương trình viện trợ ODA, các nghiên cứu, hỗ trợ kỹ thuật và các quỹ toàn cầu… Vì vậy, báo cáo BĐKH cần làm rõ được vai trò, sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động ứng phó với BĐKH.