Kể từ khi chuyên trang này hoạt động, Bộ Công Thương đã tiếp nhận và xử lý nhiều vướng mắc thực tiễn mà các doanh nghiệp gặp phải cũng như cung cấp thông tin giải thích liên quan đến các quy tắc xuất xứ trong Hiệp định CPTPP.
Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. Đối với Việt Nam, hiệp định có hiệu lực từ ngày 14/1/2019.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường CPTPP được hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm. Đơn cử như những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Canada hưởng lợi thuế 0% ngay khi có hiệu lực là túi xách, sản phẩm kim loại; sản phẩm nhựa, cao su; thủ công mỹ nghệ; nông sản, thủy sản; túi xách; giày dép và dệt may về 0% lộ trình từ 0 - 3 năm.
Theo Vụ Chính sách Thương mại đa biên, với biểu thuế quan trên, các DN Việt Nam có rất nhiều cơ hội mở rộng thị trường sang các nước CPTPP. Mặc dù có nhiều lợi thế, song để tiếp cận vào thị trường này cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng quy tắc xuất xứ, sự cạnh tranh của các nước khác…
Vì vậy, công tác tuyên truyền phổ biến về Hiệp định CPTPP cũng như tập huấn hướng dẫn quy tắc xuất xứ cho các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng khi xuất khẩu hàng hóa vào các nước thành viên của Hiệp định này, trở thành một nội dung quan trọng.
Sau khi CPTPP có hiệu lực với Việt Nam ngày 14/1/2019, trong chuỗi Hội nghị tập huấn chuyên sâu của Bộ Công Thương về Hiệp định này, chương trình đã dành riêng một phiên về các vấn đề liên quan đến quy tắc xuất xứ trong CPTPP. Với sự tham gia hướng dẫn của các cán bộ phụ trách trực tiếp đã giúp tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp thông qua việc giải đáp những tình huống thực tế mà một số doanh nghiệp hiện đang gặp phải khi đang có nhu cầu tìm hiểu và xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP.
Tiếp đến, chuỗi đào tạo chuyên sâu về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP cho cán bộ cơ quan nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam được diễn ra trực tuyến trên nền tảng Zoom. Khóa đào tạo nằm trong khuôn khổ thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật EDM (Expert Deployment Mechanism) của Bộ các Vấn đề Toàn cầu của Canada, với mục tiêu hỗ trợ đàm phán và thực thi các Hiệp định thương mại tự do giữa Canada và các nước đang phát triển, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Dự án EDM của Canada tổ chức chuỗi Khóa đào tạo chuyên sâu về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP cho cán bộ cơ quan nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam. Mục tiêu của khóa đào tạo là phổ biến kiến thức và hỗ trợ giải đáp các vướng mắc liên quan đến việc thực thi Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp, cán bộ cơ quan quản lý nhà nước được giới thiệu 3 phương pháp để xác định xuất xứ của một hàng hóa, bao gồm: hàng hóa có xuất xứ thuần túy; hàng hóa được sản xuất từ nguyên liệu trong khu vực CPTPP; quy tắc cụ thể đối với từng mặt hàng (PSR); quy tắc xuất xứ cộng gộp cho phép các nước CPTPP được coi nguyên liệu của một hoặc nhiều nước CPTPP khác như là nguyên liệu của nước mình khi sử dụng nguyên liệu đó để sản xuất ra một hàng hóa có xuất xứ CPTPP.
Bên cạnh đó, các học viên cũng được giới thiệu cách tính hàm lượng giá trị khu vực, theo các công thức tính giá trị tập trung; công thức tính gián tiếp; công thức tính trực tiếp.
Các hoạt động đào tạo chuyên sâu về quy tắc xuất xứ đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao sự hiểu biết và nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý đối với quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào thị trường này.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng đã thiết lập và đưa vào vận hành chuyên trang thông tin điện tử chính thức của Việt Nam về Hiệp định CPTPP tại địa chỉ: http://cptpp.moit.gov.vn với mục tiêu cung cấp thông tin và tương tác với công chúng về Hiệp định CPTPP. Kể từ khi chuyên trang này hoạt động, Bộ Công Thương đã tiếp nhận và xử lý nhiều vướng mắc thực tiễn mà các doanh nghiệp gặp phải cũng như cung cấp thông tin giải thích liên quan đến các quy tắc xuất xứ trong Hiệp định CPTPP.
Có thể nói, việc hướng dẫn, đào tạo chuyên sâu về quy tắc xuất xứ trong CPTPP đã được triển khai tích cực và đa dạng ở cả trung ương và địa phương. Hình thức tuyên truyền, phổ biến cũng được đa dạng hóa để các đối tượng quan tâm tiếp cận thông tin một cách hiệu quả và chính xác hơn như hội nghị, hội thảo, khóa tập huấn trực tiếp và trực tyến , các phóng sự truyền thanh, truyền hình, xuất bản ấn phẩm như sách, cẩm nang v.v.. đã góp phần tăng trưởng kim ngạch vào thị trường các nước thành viên CPTPP.
[Quảng cáo]