Chương trình được tổ chức trong khuôn khổ hợp tác giữa EVN và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam về nâng cao năng lực hướng đến chuyển dịch năng lượng công bằng. Diễn giả của chương trình là các chuyên gia Văn phòng thị trường khí đốt và điện của Vương quốc Anh – Ofgem, chuyên gia Công ty Điện lưới quốc gia Anh (National Grid).
Học viên tham gia đào tạo là các CBNV của EVN và các đơn vị làm việc trong lĩnh vực điều độ vận hành hệ thống, thị trường điện, tổ chức, pháp chế…
Phát biểu khai mạc, Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew chia sẻ với những thách thức mà Việt Nam đang đối diện khi đồng thời thực hiện cam kết về net-zero tại COP26, đồng thời phải đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng cao trong nước.
“Quá trình chuyển dịch năng lượng là quá trình phức tạp, tuy nhiên, Việt Nam không một mình. Vương quốc Anh đi đầu trên thế giới về năng lượng carbon thấp, và sẽ chia sẻ những kinh nghiệm để hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển dịch năng lượng” – Đại sứ Iain Frew khẳng định.
Đại sứ cho biết, chương trình đào tạo “Vận hành hệ thống năng lượng trong bối cảnh năng lượng tái tạo gia tăng” là một trong những hoạt động làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa Vương quốc Anh và Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng. Đây cũng là hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Vương quốc Anh và Việt Nam (1973-2023).
Theo Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm, chương trình đào tạo về Vận hành hệ thống điện trong bối cảnh năng lượng tái tạo gia tăng cho EVN do Đại sứ quán Anh tổ chức được đánh giá là kịp thời và hữu ích trong bối cảnh năng lượng tái tạo đang gia tăng trong hệ thống điện Việt Nam như hiện nay.
Tính đến tháng 10/2023, tổng công suất đặt các nguồn trong hệ thống điện Việt Nam là 79.130 MW, trong đó năng lượng tái tạo (NLTT) bao gồm điện gió và điện mặt trời chiếm khoảng 1/4 công suất hệ thống điện. Việt Nam hiện đã đứng trong Top 10 các quốc gia có công suất NLTT tăng cao nhất thế giới. Đây là thành tựu, nhưng đồng thời cũng mang tới những khó khăn, thách thức cho EVN trong kỹ thuật vận hành hệ thống điện. Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác trong EVN như tổ chức và nhân sự, kinh doanh, công nghệ thông tin, hạ tầng, pháp chế… cũng phải nhanh chóng điều chỉnh để bắt kịp những thay đổi, những yêu cầu mới của hệ thống điện. EVN đã bắt đầu nghiên cứu và hoàn thiện các phương pháp, cách tổ chức quản lý, khung pháp lý nội bộ, quy trình để vận hành hiệu quả hệ thống trong bối cảnh năng lượng tái tạo tăng cao rất nhanh trong thời gian ngắn vừa qua.
Ông Võ Quang Lâm đánh giá cao nội dung chương trình đào tạo và yêu cầu các học viên – CBNV EVN nghiêm túc tiếp thu đầy đủ thông tin từ các chuyên gia, đặt nhiều câu hỏi, khai thác được tối đa kiến thức và kinh nghiệm của giảng viên, để nghiên cứu đề xuất áp dụng cho Việt Nam.
Diễn ra trong hai ngày (01-02/11), chương trình đào tạo tập trung vào nội dung: Nâng cao năng lực của cán bộ, thiết lập cơ cấu tổ chức và kỹ năng cần thiết để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0; sự ra đời của đơn vị Vận hành tương lai (FSO) và quá trình tư nhân hóa tại Vương quốc Anh; lưới điện xuyên biên giới ở châu Âu; hệ thống vận hành của Văn phòng thị trường khí đốt và điện của Vương quốc Anh; đầu tư vào lưới điện cho điện gió ngoài khơi châu Âu….
Trong chương trình cũng đã dành nhiều thời gian cho việc trao đổi trực tiếp giữa các chuyên gia Văn phòng thị trường khí đốt và điện của Vương quốc Anh – Ofgem với CBNV EVN; qua đó, nâng cao tính tương tác và hiệu quả đào tạo; tăng cường sự kết nối giữa những người làm điện tại Vương quốc Anh và Việt Nam.