1. Những đặc điểm cơ bản
Việt Nam có chung 4.510 km đường biên giới với 3 nước Trung Quốc, Lào, Campuchia, trải dài qua 25 tỉnh biên giới của Việt Nam. Hiện trên toàn tuyến biên giới đất liền của Việt Nam có 23 cửa khẩu quốc tế, 27 cửa khẩu chính, 65 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối mở; có 28 khu kinh tế cửa khẩu của 21/25 tỉnh biên giới và mạng lưới gần 300 chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu đang phục vụ hoạt động thương mại biên giới.
Theo Bộ Công Thương, hoạt động thương mại biên giới giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới đất liền ngày càng được chú trọng, quan tâm phát triển và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nên sự biến đổi sâu sắc trên thị trường, góp phần phục vụ tốt hơn sản xuất và đời sống cư dân biên giới cũng như sự tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tổng kim ngạch XNK hàng hóa qua biên giới từ 2008 đến 2013 đạt trên 72 tỷ USD. Từ 2008 đến 2014, kim ngạch XNK và trao đổi hàng hóa qua biên giới duy trì được đà phát triển với mức tăng trưởng bình quân trên 10%/năm. Cơ cấu mặt hàng phong phú, đa dạng. Các mặt hàng XK chính của Việt Nam gồm: hoa quả tươi, cao su, sản phẩm nông sản, thủy sản, lương thực, thực phẩm chế biến, gỗ, mặt hàng nguyên nhiên liệu, khoáng sản. Các mặt hàng NK chính gồm: máy móc, thiết bị thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng, điện năng, máy móc - thiết bị, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, hóa chất, than cốc, nguyên liệu thuốc lá và hàng hóa tiêu dùng… Phương thức kinh doanh thương mại biên giới ngày càng đa dạng, như: XNK trực tiếp, tạm nhập - tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan, trao đổi của cư dân biên giới.
2. Kết quả hoạt động thương mại biên giới của Việt Nam thời gian qua
- Hoạt động thương mại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc
Trung Quốc là thị trường lớn nhất về NK và đứng thứ 3 về XK của Việt Nam trong năm 2013. Tổng kim ngạch XNK hàng hóa lên tới 50,2 tỷ USD (tăng 22,0% so với năm 2012), trong đó XK của Việt Nam đạt 13,3 tỷ USD; NK hàng hóa của Việt Nam là 36,9 tỷ USD. Hiện kim ngạch NK của Việt Nam từ Trung Quốc chiếm khoảng 1/4 kim ngạch NK. Trong năm 2014, XK của Việt Nam sang Trung Quốc đạt mức tăng trưởng khoảng 16% và chiếm tỷ trọng khoảng 10% tổng kim ngạch XK. Còn NK từ Trung Quốc tăng trưởng trên 16% và chiếm tỷ trọng trên 28,7% tổng kim ngạch NK (Theo Bộ Công Thương, 2014).
Theo Bộ Công Thương, thời gian qua thương mại tuyến biên giới Việt - Trung vẫn duy trì được đà phát triển với mức tăng trưởng bình quân 4%/tháng. Quy mô của thương mại qua biên giới Việt - Trung tương đối lớn, chiếm tỷ trọng trung bình trên 24% trong tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Trung cùng giai đoạn.
- Hoạt động thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào
Hoạt động thương mại biên giới hai nước trong những năm qua có những tiến bộ lớn. Hai nước trao đổi khối lượng lớn hàng nông lâm sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng và nhiều nguyên liệu, nhiên liệu, vật tư cần thiết cho sản xuất trong nước và XK. Các thành phần tham gia thương mại biên giới hai nước ngày càng đa dạng và phong phú, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động tại các địa phương biên giới hai bên. Hạ tầng cơ sở dịch vụ vùng biên giới liên tục được quan tâm đầu tư và phát triển, bến bãi vận tải, giao nhận hàng hóa phục vụ thương mại biên giới được nâng cấp, mở rộng. Nhiều cặp cửa khẩu được mở và nâng cấp tạo thuận lợi giao lưu thương mại, văn hóa - xã hội qua biên giới. Các khu kinh tế cửa khẩu đang dần trở thành trung tâm kinh tế - thương mại vùng biên.
Thương mại biên giới đóng góp tích cực thúc đẩy kim ngạch buôn bán hai chiều. Tổng kim ngạch trao đổi thương mại Việt Nam - Lào năm 2013 đạt gần 1,25 tỷ USD, tăng 27% so năm 2012; và ước thực hiện năm 2014 đạt 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, Việt Nam luôn ở trong tình trạng nhập siêu với mức thâm hụt khá cao. Trong năm 2013, với mức tăng đột biến về trị giá hàng hóa NK từ Lào (tăng 50,4% so với năm 2012), mức nhập siêu tăng lên đến 245 triệu USD, cao gấp 1,5 lần so với mức 23,3 triệu USD của một năm trước đó. Mặt hàng chính Việt Nam XK sang thị trường Lào gồm: sắt thép các loại; xăng dầu các loại; linh kiện và phụ tùng xe máy… (Bộ Công Thương, 2014).
- Hoạt động thương mại Việt Nam - Campuchia
Phát triển quan hệ thương mại với Campuchia có ý nghĩa quan trọng, không chỉ vì Campuchia là một trong những cửa ngõ về kinh tế nối Việt Nam với các nước ASEAN, mà Campuchia còn có những tiềm năng kinh tế thuận lợi để Việt Nam có thể hợp tác và đầu tư. Trong những năm gần đây, hoạt động thương mại và đầu tư giữa hai nước đã có những bước phát triển tích cực, đã tạo ra được một môi trường pháp lý thuận lợi về nhiều mặt, dành nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp và hàng hóa của nhau. Đặc biệt, các mặt hàng nông sản có xuất xứ Campuchia được hưởng ưu đãi thuế suất thuế NK 0% của Việt Nam. Kim ngạch buôn bán hai chiều giữa hai nước không ngừng tăng, năm sau cao hơn năm trước, ước tăng 27% mỗi năm. Việt Nam hiện cũng là thị trường XK lớn của Campuchia, chiếm 4,15% tổng giá trị XK của Campuchia. Việt Nam cũng là thị trường NK lớn của Campuchia (đứng thứ 2, chỉ sau Thái Lan) với tổng giá trị lên đến khoảng 20% tổng giá trị NK của Campuchia.
Tính đến hết năm 2013, tổng kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Campuchia đạt 3,4 tỷ USD tăng 3,5% so với năm 2012, trong đó XK đạt 2,92 tỉ USD tăng 3%, NK đạt 503 triệu, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2012. Các mặt hàng XK của Việt Nam sang Campuchia chủ yếu gồm xăng dầu các loại, sắt thép, hàng dệt may, sản phẩm từ chất dẻo, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng, các sản phẩm từ sắt thép, hóa chất và các sản phẩm hóa chất và một số mặt hàng tiêu dùng hàng ngày. Trong hàng hoá của Việt Nam NK từ Campuchia, cao su là mặt hàng có kim ngạch NK lớn nhất. Ngoài ra, một số mặt hàng khác đáng chú ý như gỗ và sản phẩm gỗ, ngô, phế liệu sắt thép và nguyên phụ liệu thuốc lá.
3. Một số khuyến nghị
Thứ nhất: Đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh giao thương với những bạn hàng truyền thống như các quốc gia khu vực ASEAN, EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ… và các khu vực thị trường mới như châu Phi, Trung Đông. Đẩy mạnh ký kết các FTA với các quốc gia có hàng hóa bổ sung cho Việt Nam, tránh phụ thuộc nhiều vào NK từ Trung Quốc.
Thứ hai: Hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển thương mại biên giới, đẩy mạnh việc thể chế hóa các nội dung quản lý nhà nước về thương mại biên giới bằng một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, đồng bộ theo cơ chế thị trường, thích hợp với trình độ phát triển kinh tế đất nước và phù hợp với thông lệ, luật pháp quốc tế; Tăng cường hợp tác với các nước có chung biên giới để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thương mại biên giới.
Thứ ba: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại biên giới, miền núi và hải đảo; Đẩy mạnh hợp tác xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại qua biên giới, phát triển các phương thức kinh doanh, phương thức thanh toán đặc thù của thương mại biên giới.
Thứ tư: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách pháp luật về phát triển thương mại biên giới.
Thứ năm: Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng thương mại biên giới, giúp thương mại qua biên giới phát triển, bởi có nhiều hoạt động liên quan như XNK hàng hóa, hoạt động mua, bán, trao đổi hàng hóa của cư dân, thương mại tại chợ biên giới.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Công Thương (2014), Báo cáo hoạt động thương mại biên giới thời gian qua.
2. Bộ Công Thương (2008), Đánh giá tác động tổng thể khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO đến thay đổi XNK và thể chế.
3. Trần Bảo Giám (2011), Chính sách biên mậu của Trung Quốc với Việt Nam, Tạp chí Doanh nghiệp & Thương mại 2011, số 23-24 tr.12-13.
4. Tổng cục Hải quan Việt Nam (2014), Báo cáo kim ngạch XNK Việt Nam - Lào
5. Bùi Nga, Hoạt động thương mại biên giới cần một cơ chế thống nhất nhưng phải rất linh hoạt, Tạp chí Công Thương 2013, số 16 tr.4-5.