Ngành công nghiệp hoá chất mới chỉ tập trung vào các sản phẩm truyền thống
Mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2040 là xây dựng, phát triển ngành CNHC Việt Nam theo hướng là một ngành công nghiệp nền tảng, đóng góp cho sự phát triển chung của một số ngành công nghiệp quan trọng khác nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế quốc dân, hướng tới xuất khẩu.
Việc hiện thực hóa mục tiêu Chiến lược này theo đánh giá của Cục Hóa chất – Bộ Công Thương sẽ góp phần chủ động nguồn nguyên phụ liệu đầu vào như điện tử, thép, dệt may, da giày, ô tô… đang có mức tăng trưởng tốt, thuộc nhóm các ngành được ưu tiên hoặc mũi nhọn để phát triển. Mặt khác, hội nhập kinh tế, quốc tế cũng tạo cơ hội cho ngành CNHC Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực.
Nếu như giai đoạn 2000-2010, số doanh nghiệp ngoài nhà nước trong lĩnh vực hóa chất giảm mạnh, thể hiện xu thế các doanh nghiệp nhỏ lẻ bị thu hẹp dần và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng lên đáng kể, thì giai đoạn 2010-2020 lại có sự thay đổi trong chuyển dịch cơ cấu về số lượng các doanh nghiệp hóa chất, số lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng mạnh, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng không nhiều.
Với một loạt dự án lớn đi vào hoạt động, trong những năm đầu thập niên 2010, công nghiệp hóa chất đã đạt mức tăng trưởng trung bình 16%/năm và nâng tỷ trọng của công nghiệp hóa chất trong cơ cấu công nghiệp toàn quốc lên 10,21%. Theo các số liệu thống kê, hiện nay, tổng sản lượng công nghiệp hoá chất Việt Nam hàng năm chiếm khoảng 10-11% tổng giá trị GDP ngành công nghiệp, theo tính toán, sau khi các dự án đang triển khai hoàn thành và hoạt động ổn định, giá trị tổng sản lượng ngành công nghiệp hóa chất chiếm tỷ trọng từ 13-14% toàn ngành công nghiệp.
Với khối doanh nghiệp nhà nước về hóa chất, giai đoạn 2010-2015, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước đạt được khác nhiều thành tựu với một loạt dự án lớn được hoàn thành như: dự án đạm Cà Mau, DAP số 1, DAP số 2, Đạm Hà Bắc mở rộng, Đạm Ninh Bình, tuyển quặng loại III Bắc Nhạc Sơn, dự án sản xuất lốp Radial tại Đà Nẵng (giai đoạn 1), Dự án lốp xe tải toàn thép tại Bình Dương (giai đoạn 1)…
Riêng Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, tổng giá trị thực hiện các dự án đầu tư chủ yếu giai đoạn 2011-2015 đạt 26.421 tỷ đồng. Tuy nhiên, giai đoạn 2016- 2020, do ảnh hưởng từ một số dự án hóa chất lớn bị chậm tiến độ, thua lỗ và chính sách tài khóa thắt chặt, hoạt động đầu tư từ các doanh nghiệp trong nước giảm sút. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã phải đánh giá lại sự cần thiết, tính khả thi và tạm dừng, giãn tiến độ một số Dự án, tổng giá trị đầu tư của Tập đoàn trong giai đoạn này là 6.604 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước.
Giai đoạn 2016-2020, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có 03 dự án phân bón, hóa dầu đi vào vận hành là dự án NPK Phú Mỹ, NPK Cà Mau và Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Động lực phát triển của ngành CNHC đến từ khối FDI là rất lớn. Nhiều doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư sản xuất lốp xe tại Việt Nam như Bridgestone, Kumho, Sailun..., đưa Việt Nam thành nước xuất siêu về lốp xe.
Hiện nay, vẫn tiếp tục có các nhà đầu tư khác đang thực hiện dự án sản xuất săm lốp tại Việt Nam như Dự án Nhà máy Dongah-Vina tại Quảng Ngãi, Dự án Nhà máy Advance tại Tiền Giang, Dự án Nhà máy Jinyu tại Tây Ninh…
Ngành hóa dầu cũng là ngành được quan tâm đầu tư mạnh mẽ với nhiều dự án FDI lớn như Nghi Sơn, Long Sơn, Hyosung… Dự án do các doanh nghiệp ngoài nhà nước đầu tư chủ yếu là các dự án nhỏ, đáng chú ý có Nhà máy tổ hợp hóa chất Đức Giang – Lào Cai, Dự án Nhà máy PP Phú Mỹ…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), tình hình thu hút, triển khai nhiều Dự án hóa chất còn chậm, nhiều Dự án trong quy hoạch phát triển ngành hóa chất chưa được triển khai. Sản phẩm thuộc ngành công nghiệp hoá chất hiện nay chỉ tập trung chủ yếu vào các sản phẩm truyền thống cho nhu cầu thị trường nội địa mà chưa nắm bắt được các cơ hội của các hiệp định thương mại tự do, nguyên liệu còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, không hình thành rõ nét một chuỗi cung ứng giữa các sản phẩm hoá chất, chưa có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao (như cao su kỹ thuật, hoá chất cơ bản phẩm cấp cao, các loại khí hiếm, nhựa và vật liệu cao cấp…).
Tập trung “gỡ” những điểm nghẽn
Theo Cục Hóa chất, đối với việc thu hút đầu tư và ngành hóa chất, yếu tố công nghệ là cốt lõi. Một lý do nữa, ngành hóa chất hiện nay gặp khó trong đầu tư là vấn đề về vốn. Một dự án đầu tư đòi hỏi vốn đầu tư lớn.
Hai điểm này đối với các doanh nghiệp tư nhân sẽ khó có thể đáp ứng, không có nhiều doanh nghiệp có thể đáp ứng được. Hiện nay, ở Việt Nam doanh nghiệp còn dè dặt trong việc đầu tư, khi nguồn vốn quá lớn, khả năng làm chủ công nghệ còn yếu.
Thêm nữa, hiện nay nhiều địa phương xem hóa chất là ngành nguy hiểm, nguy cơ cao môi trường. Nhiều địa phương có chủ trương không tiếp nhận các dự án hóa chất. Quá trình quản lý, Cục Hóa chất cũng gặp một số nhà đầu tư họ quan tâm, rất mong muốn đầu tư, tuy nhiên khi “gõ cửa” các địa phương, nhà đầu tư chỉ nhận được cái lắc đầu.
Đấy có thể được xem là điểm nghẽn của ngành, đã có những dự án được địa phương tiếp nhận, đầu tư xây dựng bước đầu, nhưng sau đó lại phải dừng lại vì địa phương đánh giá thấy nguy cơ đến môi trường, phía địa phương đã chủ động đề nghị doanh nghiệp không đầu tiếp tục đầu tư nữa. Ông Sơn cho biết thêm.
Chẳng hạn, dự án ầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất Xút và các thương phẩm khác tại KCN Việt Hưng, TP Hạ Long (Quảng Ninh) do Công ty Tân Tiến đầu tư, dự án đã được Ban quản lý Khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận đầu tư ở Thành phố Hạ Long, nhà đầu tư đã san lấp mặt bằng, ép cọc, thế nhưng sau một số những sự cố hóa chất diễn ra tại các cơ sở khác thì địa phương mới nhìn nhận lại và đề nghị không tiếp tục đầu tư dự án.
Hiện nay, trong ngành hóa chất, tại Việt Nam đã bước đầu hình thành một số Tổ hợp công nghiệp hóa dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), Nghi Sơn (Thanh Hóa), Long Sơn, Hyosung (Bà Rịa – Vũng Tàu); một số khu, cụm công nghiệp tập trung nhiều doanh nghiệp hóa chất như: Khu Hóa chất hóa dầu Đình Vũ (Hải Phòng), Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 (Bà Rịa – Vũng Tàu), khu công nghiệp Tằng Loỏng (Lào Cai)... Và về lâu dài, để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp hóa chất, ngành nền tảng của nhiều ngành công nghiệp khác thì cần tiếp tục đầu tư xây dựng các Tổ hợp công nghiệp hóa chất cũng như các khu công nghiệp hóa chất chuyên sâu với nhiều doanh nghiệp hóa chất và doanh nghiệp có liên quan tạo thành chuỗi và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.
Về phía địa phương, họ nhìn nhận việc thu hút đầu tư vào ngành hóa chất ra sao? Tạp chí Công Thương có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Công Thương Bà Rịa – Vũng Tàu, địa phương có số dự án hóa chất qua các thời kỳ có những kết quả rất quan. Mời quý vị và các bạn tiếp tục theo dõi về vấn đề này.