Xu hướng phát triển công nghiệp hóa chất cơ bản tại Việt Nam và một số giải pháp đột phá nhằm hoàn thiện chính sách phát triển ngành Hóa chất cơ bản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040

NGUYỄN CHÍ THANH1* - LÊ THỊ THU HƯƠNG2 - TRẦN LAN HƯƠNG2 (1Viện Nghiên cứu Da - Giầy, Bộ Công Thương - 2Trường Đại học Kinh tế quốc dân)

TÓM TẮT:

Với vai trò là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác, tăng trưởng của nhóm sản phẩm hóa chất cơ bản là một trong những yếu tố góp phần phát triển ngành công nghiệp hóa chất theo mục tiêu đề ra, tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ngành công nghiệp hóa chất trong những giai đoạn trước đã đạt 7%/năm. Trong những năm qua, do có nhiều yếu tố thuận lợi đã tạo nên sự phát triển mang tính đột biến trong ngành Hóa chất cơ bản. Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển sản xuất sản phẩm hóa chất cơ bản theo đúng mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn tới, bài báo trình bày nội dung nghiên cứu để đưa ra xu hướng phát triển công nghiệp hóa chất cơ bản tại Việt Nam, qua đó đề xuất một số giải pháp đột phá nhằm hoàn thiện Chính sách phát triển ngành Công nghiệp hóa chất cơ bản tại Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.

Từ khóa: xu hướng phát triển hóa chất, công nghiệp hóa chất, hóa chất cơ bản, hóa chất, khoa học quản lý.

1. Đặt vấn đề

Hóa chất cơ bản (HCCB) là một nhóm sản phẩm quan trọng trong cơ cấu sản phẩm của ngành Công nghiệp hóa chất (CNHC). Các sản phẩm hóa chất cơ bản được coi là nguyên liệu ban đầu để sản xuất ra nhiều sản phẩm hóa chất khác và được sử dụng trực tiếp trong một số ngành công nghiệp khác. Sản phẩm HCCB có nguồn gốc vô cơ và hữu cơ rất đa dạng.

Tại Việt Nam, tình hình sản xuất hóa chất nói chung và hóa chất cơ bản nói riêng đang trong quá trình phát triển. Thực tế cho thấy, sản xuất HCCB của Việt Nam chủ yếu mới chỉ tập trung vào các sản phẩm có nguồn gốc vô cơ, các sản phẩm hóa chất hữu cơ cơ bản Việt Nam bước đầu cũng có một số sản phẩm với quy mô công suất nhỏ do ngành công nghiệp hóa chất trong nước đang trong giai đoạn phát triển.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng sản xuất HCCB ở nước ta hiện nay nói chung còn chưa phát triển đủ mạnh, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất của ngành Công nghiệp hóa chất cũng như các ngành công nghiệp khác trong nước. Trong mấy năm trở lại đây, kim ngạch nhập khẩu hóa chất và các sản phẩm hóa chất của Việt Nam dao động từ 6,0 đến 6,5 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,6 - 1,7 tỷ USD, như vậy Việt Nam hiện vẫn đang nhập siêu các sản phẩm hóa chất hóa chất phục vụ cho các ngành sản xuất trong nước. Do cung không đủ cầu nên một số sản phẩm nghiễm nhiên chiếm vị thế độc quyền, đồng thời một số sản phẩm khác phải được nhập khẩu từ nước ngoài. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của các sản phẩm khác ở nước ta có sử dụng nguyên liệu là hóa chất cơ bản. Đồng thời, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, nhiều thách thức và cơ hội mới đang đặt ra trước ngành sản xuất hóa chất Việt Nam nói chung và HCCB nói riêng.

Vì các lý do nêu trên, nhóm nghiên cứu tập trung nêu ra một số xu hướng phát triển tác động đến phát triển ngành CNHC cơ bản Việt Nam và đưa ra một số giải pháp đột phá nhằm hoàn thiện chính sách phát triển ngành HCCB tại Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Từ đó, nâng cao tính cạnh tranh và vị thế của ngành trong thời gian tới.

2. Xu hướng phát triển công nghiệp hóa chất cơ bản tại Việt Nam

a) Xu hướng phát triển chung

  • Ngành CNHC thế giới đã qua giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu, bắt đầu phục hồi. Các ngành công nghiệp nói chung và ngành CNHC nói riêng đã dần lấy lại mức tăng trưởng trước đây. Tuy nhiên, sự phục hồi không đều đối với tất cả các nhóm sản phẩm, tập trung vào nhóm các sản phẩm chuyên dụng. Cụ thể, doanh thu của các công ty trong lĩnh vực hóa dầu và phân bón tăng trưởng thấp hơn so với các công ty sản xuất hóa chất chuyên dụng. Xu hướng này đã tác động đến sự phát triển của ngành CNHC khu vực, nhưng ít ảnh hưởng đến ngành CNHC Việt Nam.
  • Việc phục hồi và tăng trưởng ở châu Á đã trở thành thế lực thay thế các khu vực khác như châu Mỹ và châu Âu. Trong khi phần lớn các lĩnh vực kinh doanh cũng như tiêu dùng tại các nước phát triển như Mỹ và châu Âu vẫn còn tăng trưởng ở mức thấp thì một số nước đang phát triển như Trung Quốc và Braxin đã bắt đầu tăng cường sản xuất và xuất khẩu ngay trong thời kỳ khủng hoảng. Chiến lược phát triển này của Trung Quốc đã tác động mạnh đến thị trường hóa chất, đặc biệt với các sản phẩm hóa chất cơ bản, phân bón, thuốc trừ sâu và cao su ở Việt Nam.
  • Xu hướng bình đẳng hóa thị trường đang tăng lên mở ra cơ hội cho các nước tham gia vào thị trường hóa chất thế giới, tính độc quyền giảm đi, tính hợp tác tăng lên thông qua các Hiệp định thương mại đa phương và song phương. Việt Nam đang có cơ hội lớn thâm nhập thị trường hóa chất thế giới, đặc biệt là đối với thị trường các sản phẩm phân bón, lốp ô tô.
  • Trình độ khoa học công nghệ (KHCN) đã phát triển cao dẫn đến cạnh tranh gay gắt. Do trình độ KHCN trong ngành CNHC thế giới đã đạt đến mức cao, năng suất lao động tăng nên sự cạnh tranh diễn ra gay gắt, nhất là trong những năm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, buộc các công ty sản xuất hóa chất phải nghĩ đến nhiều giải pháp như tăng cường liên kết, giảm chi phí sản xuất, cắt giảm nhân công, giảm sản lượng thậm chí đóng cửa nhà máy. Trong những năm qua, các nhà máy hóa chất liên tục được mở rộng, nâng công suất, các dự án sản xuất mới đều có quy mô công suất lớn nên người ta lo ngại các sản phẩm hóa chất sẽ chịu ảnh hưởng của tình trạng dư thừa công suất ngay cả khi kinh tế thế giới phục hồi.

b) Xu hướng phát triển công nghệ xanh

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ nói chung, CNHC đang phát triển theo hướng hóa học xanh, đây không chỉ là vấn đề của mỗi quốc gia, mà đã trở thành xu hướng toàn cầu. Trong lĩnh vực HCCB đã sử dụng các loại xúc tác mới có hoạt lực và khả năng thu hồi, tái chế cao hơn, các quá trình chuyển khối thực hiện ở nhiệt độ và áp suất thấp hơn nên tiết kiệm được năng lượng, các quá trình truyền nhiệt được thực hiện ở trong những thiết bị có kết cấu mới và được chế tạo bằng vật liệu mới, hiệu suất truyền nhiệt cao.

Các HCCB phục vụ tiêu dùng: Đã ứng dụng công nghệ sản xuất pin sạc thế hệ mới có công suất lưu điện cao, pin Liti thế hệ mới như Li(Ni0,5Mn0,5)O2, pin nhiên liệu kiểu màng polymer điện ly (PEM), ắc quy NaS dùng cho thiết bị điện năng tái sinh; đối với chất tẩy rửa, đã áp dụng các công nghệ mới để enzym có thể phát huy hoạt động hiệu quả ngay cả ở nhiệt độ thấp, giảm chất hoạt động bề mặt và tăng tính năng tẩy rửa. Các dẫn xuất từ dầu thực vật như Hydroxyetylamin bậc 4 có thể thay cho hợp chất photphat, các chất phân tán Acrylic, chất tẩy trắng Tetraaxetylendiamin,… đều có thể phân hủy sinh học.

c) Xu hướng hiện đại hóa sản xuất và áp dụng công nghệ mới

Những thành tựu về KHCN gần đây đã phát triển rất nhanh trên nhiều lĩnh vực, ngành CNHC cũng đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải tiến công nghệ sản xuất, đạt hiệu quả cao đồng thời giảm chi phí đầu tư cũng như chi phí sản xuất. Ví dụ như: Công nghệ sản xuất axit Photphoric trích ly: những dự án mới hiện nay thường áp dụng công nghệ Hemihydrat, sản xuất ra axit đặc 42-45% với nhiều ưu điểm như: sử dụng được quặng photphat chất lượng thấp; tiết kiệm năng lượng, không cần cô đặc; giảm tiêu hao axit Sunfuaric và tăng hiệu suất thu hồi P2O5 (98,5%). Công nghệ sản xuất axit Sunfuaric: đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng như thay đổi cấu trúc của xúc tác làm giảm trở lực thủy tĩnh của hệ thống tới 30%-40% so với loại xúc tác thường; lượng nhiệt tỏa ra trong quá trình đốt, chuyển hóa và hấp thụ đều được thu hồi và tận dụng để phát điện. Công nghệ sản xuất Amoniac: một trong những xu hướng phát triển của công nghệ sản xuất Amoniac hiện nay là xây dựng các tổ hợp có công suất ngày càng lớn. Đã có nhà máy đạt công suất đạt 3.300 tấn/ngày, trong khi giới hạn lý thuyết là 5.000 tấn/ngày. Kết hợp giữa việc tăng quy mô và cải tiến công nghệ, các nhà máy mới xây dựng gần đây đã giảm được khoảng 34% khí công nghệ, 50% điện năng và hơn 50% nước bổ sung.

d) Xu hướng sử dụng nguyên liệu thay thế và nguyên liệu chất lượng thấp

Khi nguồn cung dầu mỏ và khí thiên nhiên trở nên khan hiếm và giá tăng cao, các nhà sản xuất hóa chất buộc phải chuyển sang sử dụng than đá. Ngoài Amoniac, Ure, từ công nghệ khí hóa than còn cho phép sản xuất Methanol, Ethanol, Etylen, Propylen,... Tương tự như dầu mỏ, quặng photphat là tài nguyên với trữ lượng hạn chế, vì vậy định hướng khai thác quặng chất lượng thấp đã và đang được nhiều quốc gia thực hiện như ở Marốc, Tuynidi, Arập Xêút… Phần lớn quặng photphat của Trung Quốc là quặng loại III (12-25% P2O5), chiếm 60% tổng trữ lượng quặng photphat của cả nước.

e) Xu hướng xuất khẩu sản xuất đến các nước phát triển

Sản xuất hóa chất thường thải ra nhiều chất thải dạng khí, dạng lỏng và dạng rắn có chứa hóa chất hoặc tạp chất có hại cho môi trường và sức khỏe con người. Xu thế phát triển ngành CNHC thế giới hiện nay là dịch chuyển dần các nhà máy sản xuất hóa chất đến các nước đang phát triển, nơi các quy định về phát thải chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Hiện nay, nhiều nhà máy sản xuất Amoniac và axitNitric hoạt động tại các nước thuộc khối EU có mức phát thải quá quy định. Trước những quy định về mức độ khí thải cho phép của các tiêu chuẩn châu Âu (ETC), sản lượng phân bón châu Âu sẽ phải bị cắt giảm, một số nhà máy sản xuất phân bón sẽ phải di chuyển sang các nước hoặc khu vực không có quy định tương tự về phát thải, đặc biệt là Đông Âu và Trung Á. Điển hình là 3 nhà sản xuất thuốc nhuộm: Huntsman Corp, Dy Star và Clariant đã phải di chuyển trụ sở kinh doanh tới Singapore, hay công ty BASF sẽ đầu tư các nhà máy sản xuất ở Thanh Đảo và Thanh Hải (Trung Quốc). Sản xuất Photpho vàng cần tiêu hao nhiều năng lượng, đồng thời gây độc hại cho môi trường, nên ở châu Âu và Bắc Mỹ đã giảm sản lượng, còn ở Trung Quốc sản xuất Photpho vàng lại tăng, đến nay đã chiếm 75% sản lượng toàn thế giới.

3. Giải pháp đột phá nhằm hoàn thiện Chính sách Phát triển ngành Hóa chất cơ bản tại Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040

a) Hình thành các khu công nghiệp hóa chất tập trung và trung tâm logistic

Các khu công nghiệp hóa chất tập trung sẽ thu hút các dự án sản xuất hóa chất, các dự án sử dụng hóa chất để sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp khác, có tính đến các yếu tố kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm và chất thải của nhà máy này trở thành nguyên liệu của nhà máy khác trong tổ hợp. Bên cạnh các dự án sản xuất, trong các khu công nghiệp hóa chất tập trung dự kiến xây dựng các trung tâm logistic, cung cấp đầy đủ cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, dịch vụ cho người lao động, dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa…, có hệ thống quản lý, giám sát để đảm bảo các yêu cầu về an toàn, môi trường, phát triển bền vững. Việc hình thành các khu công nghiệp hóa chất tập trung sẽ tạo động lực cho phát triển công nghiệp hóa chất và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều quốc gia phát triển tại châu Âu và tại các châu lục khác (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ,…) đã rất thành công với mô hình này.

Địa điểm thích hợp để hình thành các khu công nghiệp hóa chất tập trung và trung tâm logistic là các địa điểm có diện tích đủ lớn, xa khu vực dân cư, gần cảng nước sâu, thuận tiện kết nối giao thông. Nhóm thực hiện đã tiến hành khảo sát và xác định được 5 địa phương ủng hộ phát triển công nghiệp HCCB và có tiềm năng để nghiên cứu, hình hành các tổ hợp, khu công nghiệp hóa chất và trung tâm logoistic hóa chất tập trung, đó là: Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Các nội dung cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới:

- Tiếp tục xác định địa điểm cụ thể để xây dựng khu công nghiệp hóa chất tập trung và trung tâm logistic;

- Nghiên cứu, đề xuất bổ sung các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp hóa chất tập trung và các dự án đầu tư trong khu công nghiệp hóa chất tập trung vào danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư và xây dựng cơ chế ưu đãi đặc thù cho các dự án này;

- Thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư các dự án hạ tầng khu công nghiệp và các dự án đầu tư trong khu công nghiệp hóa chất tập trung.

b) Đổi mới thể chế quản lý hoạt động đầu tư trong ngành công nghiệp hóa chất

- Đảm bảo cơ chế ưu đãi đầu tư đối với các dự án HCCB theo quy định của pháp luật; tạo điều kiện cho các dự án ưu tiên tiếp cận được với chế độ ưu đãi về thuế, đất đai, lao động,…

 - Sửa đổi, bổ sung các quy định về yêu cầu đối với dự án HCCB: Đảm bảo phù hợp chiến lược phát triển ngành, chiến lược, quy hoạch phát triển địa phương, vùng lãnh thổ; các yêu cầu đảm bảo an toàn hóa chất và bảo vệ môi trường; các yêu cầu về áp dụng công nghệ tiên tiến; sử dụng hợp lý các nguồn lực, tài nguyên, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng; áp dụng tiêu chí hóa học xanh.

- Tạo sự bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, đặc biệt tập trung nâng cao hơn nữa vai trò của khu vực kinh tế tư nhân thông qua việc thực thi có hiệu quả bảo hộ quyền sở hữu và bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về dự án đầu tư trong lĩnh vực HCCB. Ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường và tính bền vững của hoạt động công nghiệp HCCB.

4. Kết luận

Nhìn chung, xu hướng phát triển công nghiệp hóa chất cơ bản được xây dựng trên cơ sở phân tích tình hình thế giới các xu hướng  ở các nước công nghiệp, trong thương mại, đầu tư, ODA, các chu kỳ kinh doanh,… Bài báo đã phân tích tình hình khu vực Trung Quốc, ASEAN 4, thương mại khu vực, đầu tư trực tiếp nước ngoài, các hiệp định tự do thương mại, tình hình cạnh tranh,… và vị trí hiện tại của Việt Nam: mức độ tham gia vào mạng lưới sản xuất khu vực, sự tích tụ đầu tư trực tiếp nước ngoài, cam kết thương mại, so sánh chi phí, điểm mạnh, điểm yếu của Việt Nam so với các quốc gia là Trung Quốc, Thái Lan,…

Bài báo đã trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu xu hướng phát triển công nghiệp hóa chất cơ bản tại Việt Nam và một số giải pháp đột phá nhằm hoàn thiện Chính sách Phát triển ngành Hóa chất cơ bản tại Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Qua đó có thể thấy được xu hướng phát triển của ngành Hóa chất cơ bản và đưa ra một số giải pháp đột phá góp phần hoàn thiện chính sách phát triển ngành. Kết quả nghiên cứu tạo tiền đề cho việc đề xuất những giải pháp, chính sách phù hợp nhằm phát triển ngành HCCB Việt Nam trong thời gian tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Vũ Thành Tự Anh (2010), Hệ lụy vĩ mô của chính sách công nghiệp ở Việt Nam, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright.
  2. Mai Văn Bưu, Phan Kim Chiến (2001), Quản lý nhà nước về kinh tế (Giáo trình sau đại học), Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
  3. Phạm Văn Dũng (2012), Kinh tế chính trị đại cương, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia, Hà Nội.
  4. Phạm Văn Dũng ( 2009), Định hướng XHCN nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia, Hà Nội.
  5. Phan Huy Đường (2010), Quản lý nhà nước về kinh tế, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia, Hà Nội.
  6. Phùng Hà (2010), Nghiên cứu đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý hóa chất phải khai báo, Đề tài cấp Bộ, Bộ Công Thương, Hà Nội.
  7. Ngô Quang Hùng (2018), Hoàn thiện tổ chức kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm trong các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Luận án tiến sĩ kinh tế, Học viện Tài chính, Hà Nội.
  8. Nguyễn Hoàng Mạnh (2016), Phát triển Tập đoàn Hóa chất Việt Nam trong nền kinh tế thị trường, Luận án tiến sĩ kinh tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Hà Nội.
  9. Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Đoàn Thị Thu Hà, Đỗ Thị Hải Hả (2013), Quản lý học, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.

The development trends for the basic chemical sector in Vietnam and some solutions to complete the Policy for the development of Vietnam’s basic chemical sector to 2030, with a vision to 2040

Nguyen Chi Thanh1

Le Thi Thu Huong2

Tran Lan Huong2

1Leather and Shoes Research Institute, Ministry of Industry and Trade

 2National Economics University

Abstract:

Basic chemcial products are inputs for other industries, hence the development of basic chemical sector impacts the chemical industry’s overall growth. In Vietnam, the Index of Industrial Production (IIP) for the chemical industry reached 7 per cent per year in previous periods. In recent years, thanks to many favorable factors, the basic chemical industry has achieved breakthrough development. In order to improve competitiveness, ensure production and achieve set goals for the development of of basic chemical sector, this paper is to point out the development trends for the basic chemical sector in Vietnam and proposes some breakthrough solutions to complete the Policy for the development of Vietnam’s basic chemical sector to 2030, with a vision to 2040.

Keywords: chemical development trend, chemical industry, basic chemicals, chemistry, management science.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2 tháng 1 năm 2023]