Đẩy mạnh triển khai các ứng dụng, dự án lưới điện thông minh

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân - Trưởng ban Chỉ đạo phát triển Lưới điện Thông minh tại Việt Nam vừa ký Quyết định số 1534/QĐ-BCĐ ngày 14/6/2024 phê duyệt Kế hoạch công tác năm 2024 của Ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo phát triển Lưới điện Thông minh tại Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác năm 2024
Ban Chỉ đạo phát triển Lưới điện Thông minh tại Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác năm 2024

Phấn đấu vận hành không người trực 85% các trạm biến áp 220kV

Theo đó, đối với chương trình nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện:

Duy trì thường xuyên 100% các nhà máy điện có công suất trên 30 MW, các trạm biến áp 500-220kV có kết nối hệ thống SCADA và 95% đáp ứng đủ tín hiệu SCADA theo quy định. 100% các trạm biến áp 110kV thuộc phạm vi quản lý của các Tổng công ty Điện lực, các nhà máy điện có công suất lắp đặt từ 10MW đến 30MW có kết nối hệ thống SCADA và 90% đáp ứng đủ tín hiệu SCADA theo quy định.

Tiếp tục khai thác hiệu quả các chức năng của hệ thống SCADA/EMS tại Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) (Ứng dụng tự động điều chỉnh phát điện OpenAGC, Ứng dụng EMS tính toán lưới điện OpenNet, Ứng dụng mô phỏng đào tạo điều độ viên OpenOTS, Ứng dụng dự báo phụ tải ngắn hạn STLF, Ứng dụng quản lý sa thải, khôi phục phụ tải OpenLSR…); hệ thống SCADA/DMS và miniSCADA (Tính toán trào lưu công suất, Dự báo phụ tải, Điều khiển hệ số công suất, Hệ thống quản lý thông tin mất điện, Tối ưu hóa vận hành lưới điện...) tại các Tổng công ty Điện lực và Công ty Điện lực.

Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng số liệu đo đếm thu thập từ xa từ các nhà máy điện, các điểm đo đếm ranh giới truyền về kho dữ liệu đo đếm của EVN.  

Phấn đấu chuyển 85% tổng số các trạm biến áp 220kV thuộc phạm vi quản lý của Tổng công ty Truyền tải quốc gia (EVNNPT) vận hành theo tiêu chí không người trực. Thực hiện điều khiển, thao tác xa an toàn, tin cậy và hiệu quả các trạm biến áp 220kV, 110kV theo tiêu chí không người trực.

Phấn đấu tổng thời gian mất điện khách hàng bình quân (SAIDI) và tần suất mất điện kéo dài bình quân (SAIFI) tốt hơn kết quả đã thực hiện năm 2023.

Đối với chương trình Quản lý nhu cầu điện (DSM), Điều chỉnh phụ tải điện (DR):

Các đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện chương trình DSM, DR phù hợp với điều kiện hệ thống điện, đảm bảo cân đối cung cầu, vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn, tin cậy.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu phụ tải điện, nâng cao năng lực dự báo nhu cầu phụ tải điện, khai thác các kết quả của nghiên cứu phụ tải điện để đánh giá tiềm năng thực hiện các Chương trình DSM, Chương trình DR của từng Tổng công ty Điện lực và Công ty Điện lực.

Tiếp tục triển khai rộng rãi, hiệu quả các Chương trình DR thông qua ưu đãi phi thương mại, chương trình tham gia tự nguyện của khách hàng sử dụng điện tại các Tổng công ty Điện lực và Công ty Điện lực. 

Tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cho các cán bộ, nhân viên thực hiện công tác nghiên cứu phụ tải điện, các chương trình DSM và chương trình DR.

Tiếp tục triển khai rộng rãi, hiệu quả các Chương trình DR thông qua ưu đãi phi thương mại, chương trình tham gia tự nguyện của khách hàng sử dụng điện
Tiếp tục triển khai rộng rãi, hiệu quả các Chương trình DR thông qua ưu đãi phi thương mại, chương trình tham gia tự nguyện của khách hàng sử dụng điện

Đối với Chương trình truyền thông cho cộng đồng, căn cứ vào tình hình cụ thể, thực hiện các chương trình tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về ý nghĩa, lợi ích, nội dung chương trình Lưới điện Thông minh, nâng cao nhận thức về nội dung và lợi ích của Chương trình DSM, DR thông qua các phương tiện truyền thông.

Làm rõ các vấn đề còn tồn tại sau 10 năm triển khai Đề án phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam

Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo (Cục Điều tiết điện lực) có nhiệm vụ là đầu mối công tác, tổ chức các hoạt động của Ban Chỉ đạo theo kế hoạch được phê duyệt. Tham mưu tổ chức các cuộc họp thường kỳ và bất thường của Ban Chỉ đạo để tổng hợp, đánh giá việc thực hiện chương trình phát triển lưới điện thông minh.

Xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát tình hình triển khai các chương trình, dự án phát triển lưới điện thông minh tại các đơn vị điện lực.

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị tiếp tục nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các quy định kỹ thuật cho chương trình phát triển lưới điện thông minh.

Phối hợp với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Vụ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan có liên quan trong việc triển khai chương trình lưới điện thông minh. 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện rà soát, đánh giá, làm rõ các vấn đề còn tồn tại cần khắc phục sau 10 năm triển khai Đề án phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 8/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ), trên cơ sở đó đề xuất giải pháp khắc phục cần điều chỉnh, bổ sung trong kế hoạch triển khai giai đoạn tiếp theo. 

Tổ chức và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các nội dung, hoàn thành mục tiêu đã đề ra tại Đề án phát triển Lưới điện Thông minh, triển khai các ứng dụng, dự án lưới điện thông minh.

Chỉ đạo các đơn vị thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng trong vận hành hệ thống điện và thị trường điện.

Chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực xây dựng, thực hiện các chương trình truyền thông về ý nghĩa, lợi ích, nội dung chương trình lưới điện thông minh, chương trình Quản lý nhu cầu điện, Điều chỉnh phụ tải điện.

Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia tiếp tục triển khai và hoàn thiện các ứng dụng SCADA/EMS; hoàn thiện công cụ đánh giá ổn định hệ thống điện online, công cụ tính toán ổn định điện áp cho hệ thống thống điện.

Đôn đốc các nhà máy điện, trạm biến áp hoàn thiện kết nối, nâng cao tỉ lệ đáp ứng đầy đủ tín hiệu SCADA.

Nghiên cứu, triển khai các ứng dụng, dự án lưới điện thông minh phục vụ cho công tác vận hành hệ thống điện trong bối cảnh mới.

Hàng tháng, tổng hợp, cập nhật, kiến nghị giải pháp và báo cáo Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tình hình kết nối hệ thống SCADA, hệ thống đo đếm và thu thập dữ liệu từ xa của các nhà máy điện và trạm biến áp.

A0 nghiên cứu, triển khai các ứng dụng, dự án lưới điện thông minh phục vụ cho công tác vận hành hệ thống điện trong bối cảnh mới
A0 nghiên cứu, triển khai các ứng dụng, dự án lưới điện thông minh phục vụ cho công tác vận hành hệ thống điện trong bối cảnh mới

Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia trang bị trung tâm vận hành, giám sát lưới điện truyền tải với mục tiêu thu thập dữ liệu từ các trạm biến áp phục vụ công tác giám sát tình hình vận hành.

Tiếp tục triển khai, đưa vào vận hành các trung tâm điều khiển và các trạm biến áp không người trực thuộc phạm vi quản lý, phấn đấu hoàn thành mục tiêu chuyển 85% trạm biến áp 220kV vận hành theo tiêu chí trạm biến áp không người trực.

Triển khai nâng cấp hệ thống điều khiển bảo vệ cho 08 trạm biến áp truyền thống sang hệ thống điều khiển tích hợp theo tiêu chuẩn IEC 61850.

Các Tổng công ty Điện lực tiếp tục hoàn thành các mục tiêu về kết nối tín hiệu SCADA, lắp đặt công tơ điện tử cho khách hàng, xây dựng Trung tâm điều khiển và trạm biến áp không người trực, khai thác hiệu quả các chức năng của hệ thống SCADA/DMS.

Phối hợp, đôn đốc các nhà máy điện, trạm biến áp hoàn thiện kết nối hệ thống SCADA theo quy định.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng cung cấp điện; Tăng cường thiết bị đóng cắt lưới điện trung áp được kết nối và điều khiển xa, các hệ thống mô phỏng đào tạo vận hành, mô hình hóa lưới điện, quản lý mất điện.  

Nghiên cứu, triển khai các ứng dụng, dự án lưới điện thông minh, quản lý nguồn điện phân tán, lưới điện microgrid.

Thực hiện các chương trình đào tạo nâng cao năng lực triển khai lưới điện thông minh.

Xây dựng, thực hiện các chương trình truyền thông cho cộng đồng về sự cần thiết và lợi ích của Chương trình lưới điện thông minh, Chương trình DSM, DR, từng bước phổ biến rộng rãi đến các đối tượng khách hàng sử dụng điện.

Thy Thảo