Hiện nay, hoạt động giao thương giữa Việt Nam – Indonessia vẫn còn rất khiêm tốn.
Cần hiểu đặc thù của thị trường
Theo số liệu của Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết, trong 6 tháng đầu 2010, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này mới chỉ đạt 630 triệu USD, tăng 125% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, Việt Nam nhập hơn 783 triệu USD (tăng 22%) các hàng hóa của Indonesia.
Theo nhận định của ông Nguyễn Anh Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP. HCM (ITPC), Indonesia là thị trường tiềm năng với dân số đông, hơn 230 triệu người. Hiện Indonesia là nước có diện tích và dân số lớn nhất trong ASEAN. Trong vòng 10 năm trở lại đây, hoạt động giao thương giữa Việt Nam – Indonesia cải thiện hơn nhiều.
Ông Oliver Oehms, Cố vấn kinh tế cao cấp thuộc Phòng thương mại và Công nghiệp Indonesia cho biết, cách làm ăn của doanh nghiệp Indonesia rất khác so với cung cách của các doanh nghiệp Việt Nam và các nước phương Tây. Do đó, doanh nghiệp muốn thâm nhập thành công ở thị trường này nhất thiết phải tiếp xúc trực tiếp và tạo mối quan hệ với các doanh nghiệp tại Indonesia. Phương thức tiếp cận hiệu quả là thông qua các hội chợ triển lãm, cần thiết lập các đối tác tin cậy, hợp tác lâu dài tại Indonesia.
Các mặt hàng Việt Nam đang xuất khẩu sang thị trường này gồm: thủy sản, rau quả, gạo, chè, dầu thô, sản phẩm từ chất dẻo, giấy và sản phẩm từ giấy, sản phẩm từ cao su, sản phẩm từ thép… Và Việt Nam đang nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu thức ăn gia súc, bánh kẹo và ngũ cốc, dầu mỡ động thực vật, nguyên liệu thuốc lá, thủy sản, Clanhke, sản phẩm từ dầu mỏ, hóa chất, dược, nguyên liệu ngành thuốc trừ sâu, chất dẻo nguyên liệu, nguyên liệu gỗ, bông các loại, thép, dây và dây cáp điện, máy vi tính, ô tô, phụ tùng linh kiện.
Như đánh giá của Phó Giám đốc ITPC cho rằng hiện nay thách thức lớn nhất cho các doanh nghiệp thâm nhập thị trường Indonesia là: sản phẩm gần giống nhau, trình độ chế biến, sản xuất cũng gần như nhau. Vì vậy, để thành công, các doanh nghiệp cần tìm đúng phân khúc thị trường, đúng sản phẩm và đối tác hợp tác tốt. Doanh nghiệp phải tạo nên cho mình thị trường chuyên biệt, đối tác chuyên biệt phù hợp. Như vậy, khả năng thành công sẽ rất cao.
Cơ hội trong tầm tay
Cho dù Indonesia là thị trường có nhiều tính chuyên biệt, đặc trưng nhưng với kinh nghiệm thâm nhập các thị trường trong khu vực, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhanh chóng chinh phục được thị trường tiềm năng này. Ngoài bán buôn hàng hóa, Việt Nam và Indonessia có thể tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu của nhau để phát triển ngành sản xuất. Tại Indonesia, các doanh nghiệp Việt Nam còn có cơ hội đầu tư vào các ngành sản xuất mà tận dụng được nguồn nguyên liệu tại đây. Doanh nghiệp có thể hợp tác đầu tư trên một số lĩnh vực về sản xuất nông nghiệp như nuôi trồng thủy hải sản, chăn nuôi, trồng trọt, khai khoáng… từ đó sẽ tạo nguồn nguyên liệu để phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến. Indonesia và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với nhau, vì thế doanh nghiệp hai nước nếu biết tận dụng lợi thế của nhau sẽ khai thác được tiềm năng lớn trong đầu tư và kinh doanh.
Theo ông Oliver Oehms cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để đầu tư trong lĩnh vực sản xuất tại Indonesia. Hiện nay, Indonesia đang kêu gọi sự hợp tác đầu tư từ nước ngoài vào 3 lĩnh vực gồm: xây dựng cơ sở hạ tầng, viễn thông và sản xuất. Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, đặc biệt với các ngành nghề như dệt may, điện tử, chế biến thực phẩm, đồ uống. Hiện tại, đây là những ngành Việt Nam và Indonesia đang cạnh tranh lẫn nhau, nhưng các doanh nghiệp có thể tận dụng các ưu khuyết điểm của nhau để cùng phát triển.
Ông Anh Ngọc, Phó giám đốc ITPC cho biết, thời gian tới, ITPC sẽ lên kế hoạch tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi tham gia các triển lãm, hội chợ, chương trình xúc tiến đầu tư thương mại ở Indonesia. Hiện nay, ITPC cũng đang làm việc với Tổng Lãnh sự quán Indonesia tại Việt Nam để tổ chức các đoàn doanh nghiệp Indonesia đi sang Việt Nam, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp của 2 quốc gia gặp nhau, tìm kiếm cơ hội. Và hướng đi là sẽ tìm hiểu và tiếp cận trong từng lĩnh vực hàng hóa cụ thể. Qua đó, giúp các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác để mở rộng thị trường và tìm thấy những cơ hội đầu tư tại Indonesia.
Đẩy mạnh XK vào Indonesia
TCCT