Đây là lần thứ 2 Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp với các tỉnh/thành phố về việc triển khai các dự án điện khí LNG trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023. Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo UBND, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố có nhà máy điện khí LNG và đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương (Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Vụ Dầu khí và than, Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực, Văn phòng Bộ).
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của các dự án điện khí LNG đối với việc bảo đảm nguồn cung năng lượng điện cho nền kinh tế đất nước cũng như cho từng vùng, miền và từng địa phương; nhắc lại những nội dung Thông báo số 156/TB-BCT về kết luận Cuộc họp ngày 24/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương và các đơn vị chức năng với lãnh đạo 12 tỉnh, thành phố đang triển khai 13 dự án điện khí LNG thuộc Danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện trong Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023.
Từ đó, Bộ trưởng đã quán triệt mục đích, yêu cầu Cuộc họp lần này là nhằm thảo luận, đánh giá tình hình thực hiện 13 dự án nêu trên sau hơn 1 tháng rưỡi qua; xác định những khó khăn, vướng mắc phát sinh và thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án điện khí trong thời gian tới nhằm bảo đảm đúng tiến độ theo Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tại cuộc họp, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện của 13 dự án điện khí LNG. Đại diện Lãnh đạo UBND và Sở Công Thương 12 tỉnh/thành phố (Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Bạc Liêu, Long An, Quảng Ninh, Quảng Trị, Quảng Bình, Ninh Thuận, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An) báo cáo về tình hình triển khai đầu tư xây dựng của từng dự án điện khí LNG trên địa bàn; nêu các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án và kiến nghị, đề xuất giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương (Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Vụ Dầu khí và Than, Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực) đã báo cáo, trao đổi làm rõ những vấn đề mà các địa phương kiến nghị tại Cuộc họp.
Kết luận Cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Bộ Công Thương và Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực rất hoan nghênh các địa phương đã chủ động, trách nhiệm chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án điện khí trên địa bàn; theo đó: Từ ngày 24/6 đến nay, đối với dự án có nhà đầu tư, hầu hết các địa phương đã có sự chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các bước trong quy trình thực hiện các dự án này.
“Nhiều dự án có bước chuyển rất rõ ràng, dự báo hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu phát điện trong kỳ, nhất là trong năm 2024 - 2025. Đối với dự án chưa chọn được nhà đầu tư, các địa phương cũng kịp thời cập nhật trong Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất trong kỳ, cũng như tham vấn cơ quan chức năng, tiếp xúc với nhà đầu tư để tìm hiểu năng lực, đồng thời tranh thủ ý kiến, kinh nghiệm của các địa phương đã triển khai dự án để có sự lựa chọn phù hợp với địa phương mình”- tư lệnh ngành Công Thương đánh giá.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện các dự án tại các địa phương. Tiến độ thực hiện một số dự án còn chậm, cần phải thúc đẩy nhanh hơn và quyết liệt, mạnh mẽ hơn. Trong kỳ họp giao ban tới (dự kiến trong tháng 9/2023), các địa phương cần có báo cáo chi tiết, định lượng, xác định rõ những mốc tiến độ cụ thể của từng dự án.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh và đề nghị các địa phương, các nhà đầu tư cần phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và tập trung thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực và Bộ Công Thương về việc triển khai các dự án điện khí LNG trên địa bàn thuộc Danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện trong Quy hoạch điện VIII, quyết tâm bảo đảm tiến độ được giao. Theo đó:
Đối với các dự án đã có chủ đầu tư, Bộ trưởng đề nghị các địa phương chỉ đạo, yêu cầu các Chủ đầu tư phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương để lập tiến độ thực hiện dự án với các nội dung công việc cụ thể, mốc thời gian hoàn thành và ký cam kết thực hiện đúng tiến độ đó để làm căn cứ cho các cơ quan chức năng đôn đốc, giám sát, kiểm tra và xem xét xử lý trách nhiệm nếu không bảo đảm tiến độ theo quy định.
Tập trung triển khai thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương; đồng thời, chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với Chủ đầu tư, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan đôn đốc và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án theo tiến độ được lập; kịp thời giải quyết dứt điểm hoặc hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền (nhất là về mặt bằng, hạ tầng, môi trường, thủ tục hành chính...), không để ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Căn cứ quy định của pháp luật về đầu tư và để bảo đảm an ninh năng lượng điện, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ thực hiện dự án; kiên quyết áp dụng các hình thức xử phạt nghiêm các hành vi gây chậm tiến độ và các vi phạm khác với chế tài cao nhất; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu nhà đầu tư tiếp tục vi phạm các quy định hoặc trì hoãn không triển khai dự án theo tiến độ đã được phê duyệt.
Đối với các dự án chưa có chủ đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương tiếp tục khẩn trương rà soát, cập nhật, bổ sung dự án vào Quy hoạch tỉnh và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương (nếu cần) để làm cơ sở triển khai thực hiện dự án theo quy định, hoàn thành chậm nhất trước ngày 30/8/2023.
Khẩn trương triển khai các thủ tục cần thiết, đảm bảo lựa chọn chủ đầu tư có năng lực về tài chính, kinh nghiệm để triển khai thực hiện dự án, cũng như phối hợp triển khai đầu tư xây dựng các hạ tầng liên quan, muộn nhất trong tháng 10/2023 các địa phương cần hoàn thành việc lựa chọn các nhà đầu tư dự án theo quy định.
Bên cạnh đó, trên cơ sở báo cáo của các địa phương, Bộ trưởng đã thống nhất đề ra một số mốc tiến độ cần đạt được của từng dự án trong thời gian tới, như: Thời điểm hoàn thành chỉnh sửa và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (FS); thời điểm ký hợp đồng EPC và khởi công dự án; thời điểm hoàn thành thi công, đưa dự án vào vận hành… làm căn cứ cho các đơn vị chức năng giám sát, đôn đốc và kiểm điểm tiến độ thực hiện ở các kỳ giao ban tiếp theo.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của các địa phương về những vướng mắc liên quan đến vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; môi trường; hạ tầng truyền tải; thỏa thuận đấu nối, thỏa thuận mua bán điện..., Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan và lãnh đạo địa phương để kịp thời xem xét, giải quyết hoặc kiến nghị với cấp có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết theo quy định của Nhà nước.
“Đề nghị các tỉnh/thành phố định kỳ vào ngày 25 hàng tháng gửi báo cáo về tình hình thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện tại địa phương về Bộ Công Thương bằng văn bản và bằng điện tử. Giao Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực cùng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo lập hòm thư điện tử để các địa phương gửi báo cáo và tổng hợp kịp thời”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời các địa phương, chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Đặc biệt là khẩn trương tiến hành thẩm định và thực hiện đúng trách nhiệm của mình khi chủ đầu tư trình đủ hồ sơ dự án theo quy định.
Tập trung nghiên cứu, tham mưu để làm rõ những đề xuất, kiến nghị của các địa phương về những quy định, cơ chế chính sách theo thẩm quyền, trách nhiệm được giao và theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Chủ trì tham mưu văn bản của Bộ yêu cầu chủ đầu tư xây dựng tiến độ thực hiện của dự án và thể hiện cam kết nghiêm túc thực hiện theo đúng tiến độ được lập; định kỳ 3 tháng/1ần (bắt đầu từ tháng 9/2023), Bộ Công Thương sẽ tổ chức họp giao ban với các Bộ, ngành liên quan, Lãnh đạo các tỉnh/thành phố và các nhà đầu tư để kiểm điểm tiến độ thực hiện theo cam kết, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực theo quy định.
“Mong rằng tinh thần kết luận hội nghị này sẽ được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả để kỳ giao ban sau chúng ta sẽ thu được những kết quả tích cực về tình hình triển khai các dự án điện khí LNG trên phạm vi cả nước, bảo đảm hoàn thành, đi vào hoạt động theo đúng tiến độ được phê duyệt”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tin tưởng.