Chuyển hướng sang nhiên liệu LNG
Theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, tại tỉnh Long An sẽ phát triển 2 dự án nhà máy nhiệt điện là Long An I (quy mô 2x600MW, vận hành năm 2024-2025) và Long An II (quy mô 2x800MW, vận hành năm 2026-2027).
Đối với địa phương, việc đầu tư xây dựng nhà máy điện Long An I và Long An II được kỳ vọng sẽ tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội.
“Với doanh thu hàng năm khoảng từ 34.000 - 40.000 tỷ VNĐ, dự án sẽ có tầm ảnh hưởng đột phá, thúc đẩy hình thành và phát triển các công trình hạ tầng cơ sở của huyện Cần Giuộc và tỉnh Long An, tác động mạnh mẽ đến tốc độ công nghiệp hóa của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung”, đại diện tỉnh Long An cho biết.
Tuy nhiên, việc sử dụng than nhập khẩu cho các nhà máy điện này không được nhân dân địa phương ủng hộ do lo ngại những ảnh hưởng tiêu cực về môi trường, khí thải, tro xỉ. Bởi vậy, năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, và ngày 10/2/2020 chính thức có Tờ trình số 10/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Nhà máy điện Long An I và II thuộc Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) thay cho than nhập khẩu.
Ngay ngày 20/2/2020, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 1097/BCT-ĐL gửi các Bộ, ngành đề nghị có ý kiến đối với đề xuất của UBND tỉnh Long An nêu trên.
Ngày 4/3/2020, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 77/TB-VPCP, theo đó Thường trực Chính phủ đồng ý chủ trương điều chỉnh các dự án nhà máy điện Long An I và II từ sử dụng nhiên liệu than chuyển sang nhiên liệu khí LNG với tổng công suất sau khi chuyển đổi khoảng 3.000MW, tăng 200MW so với kế hoạch ban đầu.
Thực hiện chỉ đạo này của Chính phủ, ngày 22/4/2020, Bộ Công Thương có Văn bản số 2844/BCT-ĐL gửi UBND tỉnh Long An đề nghị hiệu chỉnh hồ sơ bổ sung nhà máy nhiệt điện LNG Long An I, Long An II vào Quy hoạch Điện quốc gia theo ý kiến các Bộ, ngành (trừ Bộ Tài chính). Gần đây nhất, ngày 12/5/2020, Bộ Công Thương tiếp tục gửi Văn bản số 3362/BCT-ĐL đề nghị hiệu chỉnh hồ sơ Long An I, Long An II theo ý kiến của Bộ Tài chính.
Sau khi nhận công văn phúc đáp của Long An ngày 12/5, Bộ Công Thương đã tổ chức làm việc trực tiếp với UBND, Sở Công Thương và các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh ngay chiều 13/5.
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện tỉnh Long An cho biết, trong công văn phúc đáp nói trên, tỉnh đã báo cáo cụ thể về những vấn đề mà Bộ Công Thương đặt ra trong công văn số 2844. Kết luận lại, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi triển khai dự án và xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ 3 vấn đề liên quan.
Một là, chấp thuận chủ trương điều chỉnh các dự án NMĐ Long An I và Long An II đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh từ sử dụng nhiên liệu than chuyển sang nhiên liệu khí LNG với tổng công suất khoảng 3.000 MW;
Hai là, tiến độ triển khai dự án phù hợp với quy hoạch điện VII điều chỉnh, đưa NMĐ LNG Long An I vào vận hành năm 2024-2025, NMĐ Long An II vào vận hành năm 2025-2026;
Ba là, giao Tập đoàn VinaCapital là chủ đầu tư dự án cùng với đối tác chiến lược GS Energy Corporation để kịp thời triển khai các công việc tiếp theo, hoàn thiện hồ sơ đề xuất điều chỉnh dự án, lập nghiên cứu khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đấu nối điện và các hồ sơ pháp lý khác trình cấp thẩm quyền phê duyệt trước khi triển khai đầu tư xây dựng công trình.
Về phần địa phương, UBND tỉnh Long An cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi trong thẩm quyền để VinaCapital triển khai dự án, đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện dự án theo đúng pháp luật, đưa dự án vào vận hành đúng tiến độ, đảm bảo hiệu quả.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ
Đánh giá sơ bộ về báo cáo của tỉnh, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng hai dự án Long An I và II về cơ bản phù hợp với Quy hoạch Điện VII điều chỉnh. Các vấn đề như địa điểm xây dựng, khả năng cung cấp nước cũng như kết nối giao thông đường bộ, đường biển xung quanh dự án đều thuận lợi cho hoạt động của nhà máy.
Đặc biệt, về phương án đấu nối, khoảng cách từ điểm đặt hai nhà máy đến các trung tâm phụ tải lớn của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ là không xa, đủ điều kiện đảm bảo truyền tải điện an toàn, tin cậy và kinh tế khi giảm thiểu mức độ tổn thất điện năng, góp phần cung ứng điện tốt hơn cho tỉnh Long An nói riêng và khu vực Đông Nam Bộ nói chung.
Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn từng vấn đề liên quan để có phương án tối ưu nhất trong vận hành nhà máy điện, nhất là về khả năng vận chuyển, cung cấp khí LNG.
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, trong những năm gần đây, các nhà máy nhiệt điện than cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn chung vì thiếu nguyên liệu đầu vào. Do đó, việc chuyển đổi sang nguyên liệu khí là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, để có thể đưa Long An I và II vào triển khai, tỉnh còn rất nhiều hồ sơ và thủ tục cần hoàn thiện.
Bởi vậy, hoan nghênh việc triển khai nhanh chóng và khẩn trương của tỉnh thời gian qua, nhưng Bộ Công Thương cũng cho rằng sẽ cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện quy trình.
“Thời gian qua không chỉ cho thấy quyết tâm của tỉnh trong thực hiện hai dự án Long An I và II, mà còn khẳng định tính khả thi của các dự án này khi chuyển từ nguyên liệu than sang LNG. Tuy nhiên, thời gian cho chúng ta còn rất ít, hy vọng lãnh đạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ và bám sát với Bộ Công Thương để hoàn thiện hồ sơ báo cáo Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Đồng thời, Bộ trưởng giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phối hợp Vụ Dầu khí và than chủ động phối hợp với tỉnh, đẩy nhanh tiến độ rà soát và hoàn tất vấn đề này, đảm bảo đưa dự án vào vận hành trong thời gian sớm nhất, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.