DOANH NGHIỆP ĐỐI MẶT VỚI MUÔN VÀN KHÓ KHĂN
Tính đến tháng 12/2008, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 76.000 doanh nghiệp. Trong số đó, có khoảng 1.250 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư ước tính khoảng 15,6 tỷ USD; 676 doanh nghiệp nhà nước và 74.029 doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước đã đóng góp ngày càng lớn cho kinh tế Thủ đô, với 21,7% GDP 20% giá trị SXCN; thu hút 60% lao động có việc làm...
Tại buổi tọa đàm, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu lớn của Hà Nội cho biết, kể cả các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu ổn định sang thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… hiện cũng phải giảm sản xuất, dẫn đến nguy cơ thiếu việc làm cho người lao động, nhất là các doanh nghiệp trong ngành dệt may, giầy da… Nhiều doanh nghiệp trong ngành ô tô, xe máy, thép xây dựng bị ứ đọng sản phẩm với khối lượng khá lớn, do sức mua giảm sút, nhiều dự án đầu tư bị đình hoãn, cắt giảm hoặc giãn tiến độ. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp và chưa xây dựng được chiến lược kinh doanh cụ thể, nên khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính thức.
Theo ông Vũ Thanh Sơn - TGĐ Tổng công ty Thương mại Hà Nội (HAPRO) - một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về xuất nhập khẩu của Hà Nội cho biết, ngay đầu tháng 01/2009, xuất khẩu của doanh nghiệp giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước, đề nghị Ngân hàng Nhà nước nên có lộ trình điều chỉnh tỷ giá đồng Việt Nam so với các ngoại tệ khác, đồng thời đề nghị hỗ trợ lãi suất cho hoạt động xuất khẩu lên 6%, thậm chí đến 8% thay vì 4% như hiện nay để kích thích sản xuất; Thành phố cho mở thêm văn phòng đại diện xúc tiến thương mại tại các thị trường lớn như Bắc Phi, Nam Phi, các nước Nam Mỹ… nhằm khai thác thị trường mới.
Cũng chung khó khăn trong hoạt động xuất khẩu, bà Hà Thị Vịnh - Phó Chủ tịch Hội Gốm sứ Bát Tràng cho biết, làng gốm Bát Tràng cũng bị ảnh hưởng nặng nề, không ký được hợp đồng, phải cắt giảm việc làm, giảm lao động khách du lịch đến Bát Tràng cũng ít hơn.
Ông Phạm Hùng Việt - Giám đốc Công ty CP Cao su Hà Nội cho biết thêm, do khó khăn trong hoạt động sản xuất - xuất khẩu da giày, doanh thu và các đơn hàng của Công ty giảm từ 30-50%. Thành phố đang có chủ trương mở rộng hoạt động xúc tiến sang các thị trường mới, nhưng doanh nghiệp lo ngại sẽ khó khăn trong hoạt động thanh toán, cần có hướng dẫn cụ thể của các ngành.
THỰC HIỆN NGAY GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu nêu rõ, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ đang xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển thương mại tại chỗ; đã xây dựng các hàng rào kỹ thuật chống bán phá giá, các doanh nghiêp cần nắm bắt để cạnh tranh một cách lành mạnh trên thị trường quốc tế. Thứ trưởng cũng đã thông báo tin vui từ Văn phòng Chính phủ, từ ngày 01/3/ 2009, không thu lệ phí cấp C/O xuất khẩu để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, để thúc đẩy xuất khẩu, điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp phải quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã và đẩy mạnh xúc tiến thương mại.
Theo ông Nguyễn Đình Dương - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hà Nội đã và đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NĐ-CP của Chính phủ và triển khai kế hoạch hành động 2009 của Thành phố, đã thống nhất thực hiện 5 nhóm giải pháp quan trọng.
Thứ nhất, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nhằm giảm tối đa chi phí thời gian của doanh nghiệp. Các cơ quan ban, ngành của Thành phố sẽ không ngừng nâng cao chất lượng công việc, nghiêm túc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một đầu mối liên thông’’; xóa bỏ các thủ tục, hồ sơ gây khó khăn phiền hà, giảm bớt thời gian chờ đợi của người nộp thuế, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu quản lý thuế, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực mới, các ngành dịch vụ có chất lượng cao và sản xuất các sản phẩm mũi nhọn.
Thứ hai, để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, các ngành chức năng phải xây dựng kế hoạch để có giải pháp tối ưu tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh đối với từng ngành hàng, mặt hàng có mức sản xuất lớn. Kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc về vốn, về các chính sách, thủ tục thuế, hải quan cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu, thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển.
Thứ ba, thực hiện các biện pháp kích cầu đầu tư tiêu dùng, Thành phố đã có biện pháp kích cầu cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn FDI và ODA, nhất là các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nhệ cao, có giá trị sản xuất lớn. Đẩy nhanh tiến độ một số dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo cơ chế BT, BOT, BTO, phấn đấu năm 2009 thực hiện việc giải ngân các nguồn vốn trên không thấp hơn mức thực hiện 2008.
Thứ tư là đảm bảo an sinh xã hội. Thành phố khẩn trương rà soát và áp dụng ngay từ những tháng đầu năm 2009 các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, thực hiện theo chương trình tín dụng đối với người nghèo, học sinh, sinh viên nghèo, hỗ trợ sản xuất đất ở, nhà ở cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn thông qua ngân hàng chính sách xã hội.
Thứ năm về chính sách tài chính tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Hà Nội sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng nguồn vốn tín dụng, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu và doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, Thành phố sẽ nhanh chóng triển khai chính sách về thuế mà Nhà nước mới ban hành, đặc biệt là việc hoàn thuế, giảm thuế và hoãn thời gian ân hạn nộp thuế, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nhân dân.
Ngoài ra, Thành phố còn tăng cường hỗ trợ xúc tiến thương mại, tập trung vào việc cung cấp thông tin thương mại, xuất khẩu; xây dựng thêm một số website, chợ “ảo” xúc tiến thương mại; duy trì hoạt động phòng trưng bày sản phẩm của Hà Nội và các Trung tâm giao dịch hàng hoá ở nước ngoài...