Đẩy nhanh tiến trình đàm phán FTA Việt Nam - Liên minh hải quan

Vòng đàm phán thứ 5 về Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan bao gồm Nga, Belarus và Kazakhstan vừa diễn ra tại thành phố Almaty (Kazakhstan).

Nội dung được thảo luận trong khuôn khổ vòng đàm phán này là các vấn đề liên quan đến: biện pháp thương mại; dịch vụ thương mại và đầu tư; thương mại hàng hóa; công nghệ điện tử trong thương mại; các vấn đề pháp lý và giải quyết tranh chấp, quy tắc xuất sứ, sở hữu trí tuệ, vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.

Trong quá trình đàm phán, các bên đã nỗ lực đàm phán một FTA phù hợp với các quy tắc của WTO, đồng thời có sự cân nhắc cho phù hợp với những lĩnh vực nhạy cảm của mỗi nước và sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các bên. Tại phiên đàm phán, hai bên đã đạt được thỏa thuận về thương mại điện tử. Điều này thể hiện sự quyết tâm của các bên cùng hướng tới thời hạn kết thúc quá trình đàm phán vào cuối năm nay.

Như vậy, theo kế hoạch, chỉ còn 3 vòng đàm phán nữa, Việt Nam và Liên minh Hải quan sẽ tiến tới ký kết Hiệp định Thương mại tự do. Tuy nhiên, theo ông Đặng Hoàng Hải - Trưởng đoàn Việt Nam về đàm phán kỹ thuật cho biết, các bên còn phải vượt qua một số khó khăn nữa, xuất phát từ cách tiếp cận khác nhau của mỗi bên. Nếu như Việt Nam đã tham gia nhiều FTA thì với Liên minh Hải quan, đây là hiệp định đầu tiên khối nước này cùng tham gia. Điều này dẫn đến sự quan ngại hơn trong cách tiếp cận của phía bạn, yêu cầu hai bên cần có sự linh hoạt và hiểu nhau hơn.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, Hiệp định FTA toàn diện song phương sẽ là điều kiện cần và đủ để tạo hành lang pháp lý thông thoáng, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, khơi thông dòng chảy thương mại bởi rất nhiều mặt hàng thuộc lợi ích cốt lõi của hai bên sẽ được giảm về 0%. Theo tính toán của các bên, khi FTA hoàn tất, xuất khẩu của Nga sang Việt Nam có thể tăng 75%, Belarus tăng 83%, Kazakhstan tăng 83%; đồng thời xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga tăng 63%, Belarus tăng 41% và Kazakhstan tăng 8%.

Ở một khía cạnh khác, giới phân tích nhận định rằng, các doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ phải chịu nhiều sức ép cạnh tranh từ các đối thủ được hưởng ưu đãi thuế khi Nga thực hiện cam kết gia nhập WTO. Theo đó, hàng hóa Việt Nam cũng cần phải đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng và quy tắc xuất xứ hàng hóa của Liên minh Hải quan.