Những năm qua, Tỉnh đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị sản xuất trên một ha đất canh tác. Nâng cao trình độ công nghệ về sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, tăng giá trị trên từng sản phẩm và trên mỗi đơn vị diện tích, đi đôi với bảo vệ môi trường. Phát triển nhanh diện tích các cây trồng làm nguyên liệu công nghiệp phục vụ cho chế biến; phát triển đa dạng các loại cây ăn quả có lợi thế cạnh tranh, có giá trị cao cho tiêu dùng và xuất khẩu. Trên địa bàn Tỉnh, có Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, có nhiều chợ trái cây, trong đó có Trung tâm Thương mại trái cây Quốc gia là nơi rất thuận lợi cho việc phát triển trồng và tiêu thụ trái cây trong tỉnh, cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng theo hướng đi dần vào cơ cấu có chọn lọc gắn với lợi thế, trình độ kĩ thuật và thị trường tiêu thụ. Giá trị sản lượng công nghiệp không ngừng tăng lên, trong đó nhóm công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm chiếm ưu thế trong cơ cấu nội bộ ngành. Nhờ có chính sách đúng, công nghiệp ngoài quốc doanh phát triển mạnh, sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở Tiền Giang có quy mô sản xuất hộ gia đình vẫn giữ vai trò to lớn. Khu công nghiệp của Tỉnh đã được thành lập, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư, xây dựng nhiều dự án khả thi với sự sẵn sàng liên doanh, liên kết, thu hút đầu tư để phát triển. Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cũng tăng dần về qui mô, trình độ kĩ thuật, khả năng đáp ứng yêu cầu tiêu dùng. Trong những năm qua, công nghiệp chế biến của Tỉnh đã từng bước chiếm vị trí quan trọng trong sự phát triển công nghiệp của Tỉnh và được phát triển nhanh ở các thành phần kinh tế. Nét nổi bật ở Tiền Giang là đã chủ động cân đối trong phát triển gắn với từng bước thực hiện có hiệu quả giữa phát triển vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến. Nhờ vậy mà ngành nghề ở nông thôn phát triển, chuyển dần lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp nhỏ ở nông thôn. Song cũng thừa nhận rằng, mặc dù trên địa bàn Tỉnh đã hình thành một hệ thống các nhà máy chế biến nông sản, giải quyết đầu ra cho hầu hết các cây trồng chủ lực của tỉnh, bước đầu đổi mới cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn nhưng việc chế biến nông sản ở tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Nông sản chế biến xuất khẩu luôn lệ thuộc vào giá cả thị trường quốc tế nên mỗi khi rớt giá, người nông dân luôn phải gánh chịu phần thiệt. Vì vậy sản xuất chưa ổn định và chưa vững chắc.
Các hoạt động thương mại - dịch vụ trên thị trường nội địa có chiều hướng phát triển khá với dung lượng hàng hoá trên thị trường ngày càng tăng và đa dạng. Việc tham gia vào các hoạt động thương mại - dịch vụ ngày càng nhiều, tạo nên thị trường hàng hoá khá nhộn nhịp cả ở thành thị và nông thôn. Những kết quả đạt được qua sự chuyển dịch, điều tiết nội ngành, thương mại - dịch vụ của tỉnh thời gian qua đã không ngừng tăng mạnh qua các năm và có nhiều triển vọng phát triển trong thời gian tới với một tốc độ cao.
Văn kiện trình Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ VIII (nhiệm kì 2006-2010) đã xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010-2020 là “Đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế, tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất theo hướng tập trung đầu tư cho ngành, vùng kinh tế mũi nhọn; làm cho nền kinh tế thật sự mạnh về chất, tăng về lượng; nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Tập trung đầu tư mạnh cho kinh tế biển; tạo bước đột phá trong hoạt động thương mại - dịch vụ; đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; phát triển kinh tế đối ngoại. Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá - xã hội; giải quyết tốt các vấn đề xã hội; quan tâm đào tạo nghề, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo; coi trọng chất lượng giáo dục, y tế văn hoá thông tin, thể dục thể thao; không ngừng cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến vào các lĩnh vực”.
Tỉnh ủy luôn quan tâm xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức để lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết chặt chẽ với phát triển chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; khai thác mọi tiềm năng và lợi thế, nội lực và ngoại lực, tận dụng mọi cơ hội để thu hút đầu tư, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá…. tạo nền tảng vững chắc để đến năm 2020, Tiền Giang cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp. Tốc độ tăng tưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2006- 2010 đạt 11 - 12%, trong đó nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4% - 4,5%; công nhiệp và xây dựng tăng 19 - 20%; dịch vụ tăng 13,5 - 15%. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GDP đến năm 2010, khu vực I chiếm 32-34%, khu vực II chiếm 34-35%, khu vực III chiếm 32-33%. Đồng thời, tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh phù hợp với quy hoạch chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhằm khai thác tốt tiềm năng và lợi thế để phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững theo hướng văn minh, hiện đại.
Hướng tới mục tiêu “công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, Tỉnh cũng đã tập trung đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Phát triển khu công nghiệp phải vững chắc, có hiệu quả, đúng theo quy hoạch của ngành, địa bàn và phù hợp với quy hoạch chung để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách để lấp đầy khu công nghiệp. Phát triển khu công nghiệp hướng vào công nghệ mới cho phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế và hợp với xu thế cạnh tranh về sản phẩm. Từ đó hình thành các điểm công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp tại các vùng chuyên canh, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Điều quyết định là phải tạo cho được thị trường tiêu thụ trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Khu công nghiệp Mỹ Tho, cụm công nghiệp Trung An đã được các nhà đầu tư đăng ký lấp kín và nhiều đơn vị hoạt động có hiệu quả. Hiện trên địa bàn Tỉnh đang xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 1, Khu công nghiệp Tân Hương, với diện tích 138/204 ha. Ngoài ra, các cụm công nghiệp ở các huyện, thành, thị cũng đã được qui hoạch và xây dựng. Với việc đẩy mạnh cải cách hành chính và đề ra chính sách thu hút hợp lý, nhiều nhà đầu tư đã đến quan hệ thuê đất và hợp tác làm ăn.
Vừa qua, Tiền Giang được Chính phủ phê duyệt bổ sung vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, công nhận Thành phố Mỹ Tho đạt đô thị loại II và cho phép thành lập trường đại học đa cấp, đa ngành. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển hơn trong thời gian tới. Với nguồn nhân lực dồi dào đang có cơ hội phát triển, điều kiện tự nhiên thuận lợi, cơ sở hạ tầng được Trung ương đầu tư vào các dự án giao thông quan trọng, tỉnh tiếp tục đầu tư mở rộng Cảng Mỹ Tho thành nơi trung chuyển container; đồng thời nâng cấp toàn hệ thống đường nội bộ tỉnh, mở rộng giao thông nông thôn đến tận xã, ấp. Tiền Giang nhất định sẽ trở thành hợp điểm giao lưu kinh tế - văn hoá quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gắn liền với sức phát triển vượt bậc của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Cùng với các tỉnh trong vùng, Tiền Giang đang tiếp tục đầu tư nâng cấp, cải tạo và phát triển các trục giao thông chính; đột phá trong khâu đầu tư hạ tầng viễn thông, các hạ tầng dịch vụ khác với cơ chế phù hợp để đủ sức phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện và khả năng thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh sẽ chủ động cùng với các bộ, ngành Trung ương có kế hoạch khôi phục tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Mỹ Tho theo chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, nhanh chóng có giải pháp khả thi để đầu tư cho giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá. Củng cố và nâng cao chất lượng xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, đẩy nhanh tiến độ phổ cập trung học cơ sở, chuẩn bị đề án phổ cập trung học phổ thông, đào tạo nghề cho người lao động và đào tạo cán bộ có trình độ cao … là những yêu cầu bức bách đối với Tiền Giang và khu vực, rất cần sự quan tâm chung.
Phát huy tin thần tự lực và tiếp tục phát huy nội lực là chính, đồng thời tranh thủ tối đa các nguồn ngoại lực khác để khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế sẵn có của mình là quyết tâm chung của toàn Đảng bộ và nhân dân trong Tỉnh. Tiền Giang tập trung đầu tư phát triển kinh tế xã hội nhanh, hiệu quả và bền vững, gắn phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm an ninh-quốc phòng, xứng đáng với vai trò, vị trí của vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa.