Theo dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Bộ Y tế đề xuất mở rộng chi trả bảo hiểm y tế đối với chi trả phí khám, sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, tiểu đường, viêm gan C và viêm gan B.
Theo Bộ Y tế, việc khám bệnh nhằm đánh giá nguy cơ và điều trị ngăn ngừa sự xuất hiện của các bệnh lý. Nếu mở rộng phạm vi chi trả bảo hiểm y tế khi khám, sàng lọc bệnh sẽ mang lại giá trị kinh tế lớn do phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp giảm chi phí điều trị trong tương lai.
Theo thống kê năm 2023, chi phí điều trị cho 6 nhóm bệnh ung thư thường gặp (ung thư vú, phổi, gan, đại tràng, dạ dày, tiền liệt tuyến) từ Quỹ bảo hiểm y tế là 6.186 tỉ đồng.
Riêng với bệnh đái tháo đường type 2, năm 2021, ước tính số bệnh nhân đái tháo đường ở Việt Nam gần 4 triệu người. Trong đó 50% số bệnh nhân chưa được chẩn đoán. Quỹ bảo hiểm y tế chi cho điều trị gần 2 triệu bệnh nhân, chi phí riêng tiền thuốc là hơn 3.000 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 8,4% tổng chi Quỹ bảo hiểm y tế.
Năm 2023, có hơn 15,5 triệu lượt khám chữa bệnh tiểu đường với chi phí lên đến 6.766 tỉ đồng/năm, chiếm 5,6% tổng chi Quỹ bảo hiểm y tế.
Đối với bệnh tăng huyết áp, năm 2023, có gần 23 triệu lượt khám chữa bệnh với chi phí là 6.015 tỉ đồng/năm, chiếm 4,9% tổng chi Quỹ bảo hiểm y tế.
Nếu triển khai sàng lọc đái tháo đường type 2, chi phí cần chi trả trung bình là 141 tỉ đồng/năm trong 10 năm đầu thực hiện. Ngân sách cần chi trả cho việc điều trị các ca bệnh phát hiện từ sàng lọc là 2.089 tỉ đồng/năm. Sau 10 năm triển khai, dự kiến sẽ tiết kiệm được trung bình 162 tỉ đồng/năm.
Nếu triển khai sàng lọc tăng huyết áp, chi phí cần chi trả trung bình là 88 tỉ đồng/năm trong 10 năm đầu thực hiện. Khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh, ước tính sẽ cần chi trả là 27.940 tỉ/năm chi phí điều trị. Sau 10 năm triển khai, dự kiến sẽ tiết kiệm được trung bình 1.216 tỉ đồng/năm.
Đối với sàng lọc ung thư cổ tử cung, chi phí cần chi trả trung bình là 3.000 tỉ/năm trong 10 năm đầu thực hiện và sẽ mang lại lợi ích về mặt kinh tế gấp 19 - 21 lần chi phí đầu tư.
Đối với sàng lọc ung thư vú, chi phí cần chi trả trung bình là 2.100 tỉ - 5.000 tỉ/năm tùy thuộc vào phương pháp sàng lọc. Tuy nhiên, chi phí này sẽ giảm đi đáng kể nếu giới hạn nhóm tuổi phụ nữ được sàng lọc.
Không chỉ giảm chi Quỹ bảo hiểm xã hội, việc chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp người bệnh tăng khả năng bảo đảm tài chính, tiết kiệm chi phí điều trị, đi lại, tạm trú so với khi bệnh nặng, giảm chi phí đồng chi trả. Bên cạnh đó, việc mở rộng phạm chi trả bảo hiểm y tế cũng giúp giảm tỷ lệ chi của bệnh nhân từ 43% xuống còn khoảng 23% vào năm 2025.