Ngày 10/11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Theo đó, từ ngày 01/7/2024, nước ta sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Đây cũng là thời điểm thực hiện nhiều điều chỉnh đối với lương hưu, trong đó có quy định về lương hưu tối thiểu hiện đang được tính dựa trên lương cơ sở.
Thay đổi cách tính lương hưu tối thiểu
Theo quy định, mức hưởng lương hưu thấp nhất khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là bằng mức lương cơ sở (Khoản 5 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014).
Hiện nay, mức lương cơ sở đang là 1,8 triệu đồng/tháng. Do đó, mức lương hưu thấp nhất là 1,8 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2024, việc bãi bỏ lương cơ sở đồng nghĩa với việc sẽ có một cơ chế mới trong việc xác định mức hưởng lương hưu. Chính phủ sẽ có văn bản quy định cụ thể hoặc hướng dẫn cách xác định mức hưởng lương hưu thấp nhất.
Đây là một bước ngoặt trong quản lý chính sách an sinh xã hội, phản ánh nỗ lực của Chính phủ trong việc cải cách và tối ưu hóa hệ thống bảo hiểm xã hội.
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay và xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
Các yếu tố cụ thể để thiết kế bảng lương mới bao gồm:
- Bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay và xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
- Thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ) đối với những người làm công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ đào tạo dưới trung cấp), không áp dụng bảng lương công chức, viên chức đối với các đối tượng này.
- Xác định mức tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức trong khu vực công là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp (bậc 1) không thấp hơn mức tiền lương thấp nhất của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp.
- Mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương, từng bước tiệm cận với quan hệ tiền lương của khu vực doanh nghiệp phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.
- Hoàn thiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang phù hợp với quy định của bảng lương mới.