Từ ngày 1/7/2024, Việt Nam sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII). Theo đó, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp).
Chính sách tiền lương mới sẽ mở rộng quan hệ tiền lương, tức là tương quan giữa mức lương thấp nhất, mức lương trung bình và mức lương tối đa hiện nay là 1 - 2,34 - 10 thành 1 - 2,68 - 12. Theo đó, mức lương thấp nhất của công chức, viên chức sẽ tăng khá cao so với mức lương khởi điểm 3,5 triệu đồng của công chức, viên chức có trình độ trung cấp, hệ số lương 1,86 hiện nay.
Mức lương trung bình của công chức, viên chức cũng có mức khởi điểm tăng từ hệ số 2,34 lên 2,68. Hiện nay, công chức, viên chức có trình độ đại học có mức lương khởi điểm hơn 4,2 triệu đồng/tháng.
Mức lương cao nhất của công chức, viên chức tương ứng với bậc 3 của chuyên gia cao cấp (bằng lương bộ trưởng) cũng được nới rộng từ hệ số 10 lên 12. Vì vậy, mức lương mới cao nhất của công chức, viên chức dự kiến cũng vượt khá xa con số 18 triệu đồng như hiện nay.
Với thiết kế của đề án, tiền lương khu vực công sẽ tiệm cận dần và không chênh lệch với tiền lương khu vực doanh nghiệp để khu vực nhà nước có thể thu hút được nhân lực chất lượng cao với chế độ tiền lương thỏa đáng.
Một điểm đáng chú ý khác của chính sách tiền lương mới là quy định mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp.
Hiện nay, lương khu vực doanh nghiệp được chia làm 4 vùng: Vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng; Vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng; Vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng và Vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp là hơn 3,9 triệu đồng/tháng.
Ngoài mức lương cơ bản này, chế độ tiền lương mới còn sắp xếp lại các loại phụ cấp chiếm tối đa 30% (trong đó có trường hợp cao hơn 30% hoặc thấp hơn 30%) và tiền thưởng chiếm 10% tổng quỹ lương. Nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương trung bình của công chức, viên chức sau khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương.
Khi thực hiện cải cách tiền lương, lương viên chức giáo dục và y tế sẽ cao hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức và viên chức khác, bởi nước ta đang thực hiện cải cách chính sách tiền lương gắn với việc thực hiện nghị quyết về phát triển căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, y tế.
Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Y tế đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm điều chỉnh hỗ trợ để đảm bảo tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) của giáo viên, bác sĩ được tăng lên tương ứng với yêu cầu và vị trí việc làm.