Bộ Tài chính cho biết, Quyết định số 31/2010/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia (DTQG) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/5/2010; sau hơn 8 năm triển khai thực hiện, việc quản lý điều hành xăng dầu DTQG cơ bản thực hiện theo quy định, đây là một trong những cơ chế chính sách quan trọng trong quản lý xăng dầu DTQG, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia…
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, Quy chế quản lý xăng dầu còn một số tồn tại, bất cập cần được sửa đổi cho phù hợp với pháp luật về dự trữ quốc gia và tình hình thực tế, cụ thể như sau: Về công tác bảo quản xăng dầu DTQG: Hiện nay, xăng dầu DTQG được để chung với hàng kinh doanh, hàng quốc phòng; chưa thực hiện để kho bể chứa riêng biệt theo như quy định. Ngoài ra, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chưa được ban hành, định mức trong bảo quản xăng dầu được xây dựng từ năm 2003 đã lạc hậu, không còn phù hợp. Định mức hao hụt xăng dầu DTQG đang vận dụng áp dụng theo định mức xăng dầu kinh doanh.
Do xăng dầu DTQG phải nhập, xuất luân phiên đổi hàng thường xuyên; hơn nữa, việc nhập, xuất luân phiên thông qua đấu thầu, đấu giá mất nhiều thời gian, NSNN phải bổ sung kinh phí (hàng DTQG khi mua vào phải có thuế GTGT và cộng thêm một khoản chi phí về đến cửa kho dự trữ; khi bán ra không có thuế GTGT và phải giảm trừ một khoản chi phí để doanh nghiệp đến mua tại cửa kho dự trữ vận chuyển về kho của doanh nghiệp) nên không phù hợp với thực tế hiện nay.
Từ thực tế triển khai và những khó khăn, tồn tại bất cập nêu trên, việc xây dựng, ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ để thay thế Quyết định số 31 về quy chế quản lý xăng dầu DTQG là cần thiết và có ý nghĩa thiết thực, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về DTQG.
Các nội dung sửa đổi, bổ sung
Dự thảo bổ sung tại Điều 3 về nguyên tắc nhập xuất xăng dầu DTQG: Tính đúng, tính đủ chi phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia hằng năm theo quy định. Sửa đổi Điều 9 về phương thức mua bán thực hiện theo quy định tại Điều 40, Điều 44 Luật dự trữ quốc gia.
Bổ sung tại Điều 14, Điều 15 quy hoạch kho quy định về Quy hoạch quỹ đất sử dụng xây dựng kho, yêu cầu đối với kho theo quy định tại Điều 59, Điều 60 Luật dự trữ quốc gia.
Các nội dung thay thế gồm: Thay thế quy định về nhập, xuất xăng dầu dự trữ quốc gia, luân phiên đổi hàng xăng dầu dự trữ quốc gia (Điều 11). Cụ thể: Xăng dầu dự trữ quốc gia phải được cất giữ riêng đúng địa điểm quy định, bảo quản theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật về xăng dầu dự trữ quốc gia, bảo đảm về số lượng, chất lượng, an toàn.
Hằng năm, các Bộ, ngành quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia lập kế hoạch nhập, xuất luân phiên đổi hàng gửi Bộ Tài chính để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Thủ trưởng Bộ, ngành quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch nhập, xuất, luân phiên đổi hàng; chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng, ngân sách nhà nước quyết toán hao hụt và chi phí bảo quản theo định mức quy định, không cấp bù chi phí phí phát sinh trong quá trình luân phiên đổi hàng xăng dầu dự trữ quốc gia; trường hợp chưa thực hiện xong trong năm kế hoạch, báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.