Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1086/QĐ-TTg ngày 18/9/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tăng trưởng GRDP bình quân đạt 8,5%/năm
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển; khai thác hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển nhanh, toàn diện, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc"; phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập"; bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đưa Yên Bái nằm trong nhóm 05 tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
Cụ thể, về kinh tế phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 8,5%/năm. Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm khoảng 14,8%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 39%; dịch vụ chiếm khoảng 41,5%; thuế sản phẩm, trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 4,7%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 125 triệu đồng.
Về xã hội, tốc độ tăng dân số trung bình đạt 0,92%/năm. Tuổi thọ trung bình người dân đạt 75 tuổi; số năm sống khỏe đạt tối thiểu 68 năm. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2022-2025 giảm bình quân 3,3%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025; giai đoạn 2026-2030 giảm bình quân 2,0 - 2,5%/năm theo chuẩn nghèo từng thời kỳ...
Đến năm 2050, tỉnh Yên Bái phát triển toàn diện, bền vững, xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc; thuộc nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, là hình mẫu phát triển xanh của vùng và cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đô thị đồng bộ, thông minh, hiện đại; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; môi trường sinh thái được bảo vệ, xã hội hài hòa với thiên nhiên; đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng - an ninh được bảo đảm vững chắc.
Tập trung phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp lợi thế cạnh tranh
Về nông, lâm nghiệp, thủy sản: tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, bền vững. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh. Phát triển lâm nghiệp đa mục tiêu, nâng cao chất lượng, hiệu quả rừng trồng gỗ lớn, phát triển dược liệu dưới tán rừng. Phát huy lợi thế so sánh, sự đa dạng các vùng sinh thái, phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản, hữu cơ, OCOP gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến, bảo quản, tiêu thụ, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Hình thành và phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; thu hút, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Công nghiệp phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh như: Chế biến nông lâm sản gắn với khai thác, phát triển vùng nguyên liệu, trọng tâm là chế biến gỗ rừng trồng công nghệ cao, đưa Yên Bái trở thành một trong các trung tâm chế biến lâm sản của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; khai thác và chế biến sâu khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp; cơ khí, điện tử, công nghiệp phụ trợ; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; đồng thời, phát triển hợp lý một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động địa phương như dệt may, da giày.
Ưu tiên lựa chọn các dự án công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, thân thiện với môi trường, công nghệ sinh học. Tiếp tục hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn, làng nghề gắn với chế biến, tiêu thụ nông lâm sản. Đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ giữa công nghiệp với nông nghiệp và các ngành dịch vụ liên quan như: Thương mại, vận tải, logistics, xuất nhập khẩu…
Về dịch vụ, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế như: Du lịch, thương mại, giáo dục, đào tạo nghề, y tế, chăm sóc sức khoẻ, tài chính, ngân hàng, logistics, vận tải,... theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh.
Phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn, trở thành ngành kinh tế quan trọng; hoàn thiện hạ tầng du lịch, phát triển các tuyến du lịch, sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, đưa Yên Bái trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của khu vực Tây Bắc với thương hiệu "điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng". Tập trung đầu tư phát triển một số loại hình du lịch, như: Du lịch sinh thái, trải nghiệm; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa - lịch sử - tín ngưỡng; du lịch cộng đồng. Chú trọng phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, di sản văn hóa và các danh tham thắng cảnh,...
Đến năm 2030, toàn tỉnh Yên Bái có 26 đô thị
Theo Quy hoạch, đến năm 2030, toàn tỉnh Yên Bái có 26 đô thị. Trong đó có 01 đô thị loại II (thành phố Yên Bái) phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đạt tiêu chí đô thị loại II, là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế giáo dục của tỉnh Yên Bái; là đô thị văn hóa, sinh thái kết hợp phát triển kinh tế, trong đó công nghiệp hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp và dịch vụ mang tính đặc trưng của các tỉnh miền núi phía Bắc; là trung tâm giao lưu, kết nối giữa vùng Tây Bắc với vùng Đông Bắc; vùng trung du và miền núi Bắc Bộ với vùng Thủ đô Hà Nội, đồng bằng Bắc Bộ; là đầu mối giao thông trung chuyển quan trọng gắn với hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
01 đô thị loại III (thị xã Nghĩa Lộ) là vùng du lịch văn hóa nhân văn, sinh thái bền vững, gắn với bảo vệ và phát huy giá trị di sản, cảnh quan thiên nhiên; là đô thị vệ tinh cầu nối trong chuỗi đô thị của hành lang Đông Tây.
04 đô thị loại IV gồm: thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình), thị trấn Yên Thế (huyện Lục Yên), thị trấn Cổ Phúc (huyện Trấn Yên), thị trấn Mậu A (huyện Văn Yên).
20 đô thị loại V gồm: 03 thị trấn huyện lỵ (thị trấn Mù Cang Chải, thị trấn Sơn Thịnh, thị trấn Trạm Tấu); 02 thị trấn nông trường (thị trấn nông trường Liên Sơn, thị trấn nông trường Trần Phú), huyện Văn Chấn; 01 thị trấn trực thuộc huyện (thị trấn Thác Bà), huyện Yên Bình; 14 đô thị mới (đô thị Hưng Khánh, đô thị Báo Đáp, đô thị Vân Hội, huyện Trấn Yên; đô thị An Thịnh, đô thị Xuân Ái, đô thị An Bình (Trái Hút), huyện Văn Yên; đô thị Khánh Hòa, huyện Lục Yên; đô thị Cảm Ân, đô thị Cảm Nhân, huyện Yên Bình; đô thị Tú Lệ, đô thị Cát Thịnh, đô thị Tân Thịnh, đô thị Gia Hội, huyện Văn Chấn; đô thị Púng Luông, huyện Mù Cang Chải).
Quy hoạch phát triển mới 4 khu công nghiệp, 16 cụm công nghiệp
Đối với hệ thống khu, cụm công nghiệp, đến năm 2030, giữ nguyên diện tích 03 khu công nghiệp Phía Nam, Âu Lâu, Trấn Yên; mở rộng diện tích khu công nghiệp Minh Quân; quy hoạch phát triển mới 04 khu công nghiệp Y Can, Đông An, Thịnh Hưng, Lục Yên.
Đến năm 2030, giữ nguyên diện tích 06 cụm công nghiệp Thịnh Hưng, Sơn Thịnh, Báo Đáp, Hưng Khánh, Đông An, Minh Quân; quy hoạch phát triển mới 16 cụm công nghiệp. Đưa ra khỏi quy hoạch 03 cụm công nghiệp: Đầm Hồng, Bảo Hưng, Tây cầu Mậu A; mở rộng 02 cụm công nghiệp Âu Lâu, Yên Thế; giảm diện tích cụm công nghiệp Bắc Văn Yên.
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hình thành, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao nhằm giảm thiểu việc thâm dụng lao động và đất đai; tập trung thu hút, đầu tư thâm dụng vốn và công nghệ, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội. Định hướng phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (UDCNC), như: Vùng chè tại huyện Văn Chấn; vùng trồng cây ăn quả tại các huyện Văn Chấn và Yên Bình; vùng trồng rau tại thành phố Yên Bái; vùng chăn nuôi lợn và gia cầm tại các huyện Văn Yên, Văn Chấn, Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên; vùng nuôi trồng thủy sản trên hồ Thác Bà; xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Trấn Yên.
Khu du lịch tập trung thu hút đầu tư, xây dựng 02 khu du lịch có quy mô lớn, thương hiệu nổi bật, tạo sức lan tỏa cho phát triển du lịch của tỉnh và định hướng bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí khu du lịch quốc gia, gồm: Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, khu du lịch quốc gia Mù Cang Chải.
Đầu tư phát triển các khu du lịch cấp tỉnh: Khu du lịch Suối Giàng (huyện Văn Chấn); khu du lịch Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu); khu du lịch Văn Yên (huyện Văn Yên); khu du lịch hồ Vân Hội (huyện Trấn Yên); khu du lịch văn hóa Nghĩa Lộ (thị xã Nghĩa Lộ).
Đầu tư phát triển sân gôn tại khu vực hồ Thác Bà trên địa bàn các huyện Lục Yên, Yên Bình; khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp với sân gôn khu vực hồ Đầm Hậu, xã Minh Quân, xã Vân Hội, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên.
Quy hoạch tỉnh Yên Bái cũng xác định các trục kinh tế, các vùng phát triển động lực; phương án phát triển khu nghiên cứu, đào tạo, khu bảo tồn; phương án phát triển các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn; phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn…