Dệt may TNG: Mục tiêu lãi năm nay lập kỷ lục mới, muốn huỷ kế hoạch phát hành 12,2 triệu cổ phiếu

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Dệt may TNG, mã cổ phiếu TNG) dự kiến sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu lợi nhuận ở mức cao kỷ lục mới 340 tỷ đồng.
Dệt may TNG
Dệt may TNG đặt mục tiêu lãi năm nay sẽ tăng 8% so với mức năm 2024, thiết lập mức lợi nhuận cao kỷ lục mới.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Dệt may TNG, mã cổ phiếu TNG - sàn HoSE) đã công bố các tài liệu phục vụ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, dự kiến diễn ra vào ngày 20/4 tại tỉnh Thái Nguyên.

Theo đó, ban lãnh đạo công ty dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu ở mức 8.100 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 340 tỷ đồng, lần lượt tăng 4,7% và tăng 8% so với mức thực hiện của năm 2024. Nếu hoàn thành kế hoạch này, Dệt may TNG sẽ tiếp tục thiết lập mức lợi nhuận cao kỷ lục mới trong lịch sử hoạt động.

Tại thời điểm cuối năm 2024, Dệt may TNG cho biết đã nhận đủ đơn hàng đến hết tháng 6/2025 và đang tiếp tục đàm phán hoàn tất kế hoạch sản xuất cho năm 2025.

Nhằm đạt được các mục tiêu kinh doanh trên, ban lãnh đạo Dệt may TNG cho biết sẽ đẩy mạnh tối ưu hoá quy trình sản xuất và sử dụng công nghệ tự động hoá, hướng tới áp dụng các công nghệ 4.0, để giảm thiểu thời gian sản xuất và tăng độ chính xác. Công ty cũng sẽ tăng cường quản lý và tối ưu hoá tồn kho thông qua việc sử dụng phần mềm chuyên dụng để theo dõi, sắp xếp, đảm bảo việc cung ứng nguyên vật liệu luôn đủ, kịp thời với chi phí tối thiểu.

Đồng thời, Dệt may TNG sẽ tăng cường nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới, thân thiện với môi trường như các sản phẩm sử dụng chất liệu tái chế, hữu cơ… nhằm đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng của thị trường thời trang bền vững. Công ty cũng tiếp tục đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời trên các nhà máy, đầu tư cải tạo tất cả các nhà máy để đạt tiêu chuẩn nhà máy Xanh.

Ban lãnh đạo Dệt may TNG cũng chia sẻ trong năm 2024, công ty đã đạt những kết quả tích cực trong việc tìm kiếm những chất liệu ưu việt, thân thiện với môi trường như tạo ra bông nhồi sợi Microfiber 0.6D, thay thế hoàn hảo cho lông vũ truyền thống. Đồng thời, công ty đã tự chế tạo hệ thống robot tự hành AGV với nhiều tính năng đáp ứng nhu cầu chuyên biệt, giúp vận chuyển hàng hoá hiệu quả trong nhà máy. Công ty cũng đang nghiên cứu chế tạo thêm các dạng robot tự hành AGV.  

Về việc mở rộng kinh doanh, Dệt may TNG đã bổ sung thêm 14 chuyền may, nâng tổng số lên 336 chuyền may vào cuối năm 2024. Ban lãnh đạo công ty cũng cho biết đã tiếp cận và phát triển thành công thêm nhiều khách hàng mới như: G-III Centric, phát triển dòng hàng Softshell cho khách hàng Studio, ký được đơn hàng FOB trái vụ với khách hàng Victory Time…

Dệt may TNG
Dệt may TNG đã tiếp cận và phát triển thành công thêm nhiều khách hàng mới trong thời gian qua.

Xem thêm: "Dệt may TNG báo lãi cao nhất lịch sử, đã kín đơn hàng cho đến giữa năm 2025" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Bên cạnh mảng dệt may, Dệt may TNG sẽ tiếp tục triển khai đầu tư và đưa vào kinh doanh Cụm công nghiệp TNG Sơn Cẩm quy mô 70 ha tại huyện Phú Lương, TP.Thái Nguyên trong năm nay.

Cũng tại Đại hội tới đây, Dệt may TNG dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch huỷ bỏ phương án phát hành tối đa 12,26 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu vốn đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.

Giải thích về vấn đề này, Hội đồng Quản trị công ty cho biết, thị trường chứng khoán trong năm 2024 có nhiều biến động, ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, do đó để đảm bảo lợi ích cổ đông Hội đồng Quản trị sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp để triển khai.

Song song với đó, Dệt may TNG sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch phát hành khoảng 6,13 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Lượng cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 03 năm.

Nếu kế hoạch này được triển khai thành công, Dệt may TNG sẽ huy động được 61,3 tỷ đồng và nâng vốn điều lệ lên mức khoảng 1.287,3 tỷ đồng.

Minh Huế