Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) vừa cho biết, căn cứ vào các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế, đã xác định được 20 mặt hàng dệt may Việt Nam có cơ hội tăng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nếu như 200 tỷ USD hàng hóa bị áp thuế từ tháng 8 tới đây.
Danh sách 20 mặt hàng dệt may Việt Nam có thể có cơ hội chiếm thị phần tại Mỹ khi Trung Quốc bị tăng áp thuế suất nhập khẩu, tập trung vào các loại thảm, sợi PE đơn độ co giãn cao, xơ viscose rayon, vải dệt kim, vải canvas..
Trong danh sách 20 mặt hàng mà Việt Nam có cơ hội tăng xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian tới, hiện đã có 5 mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như vải canvas, vải mành làm lốp xe các loại, vải dệt thoi từ sợi xơ dài tổng hợp, sợi xơ ngắn tổng hợp PE, với các mã HS 59019040; 59022000; 54072000; 59021000 và 55032000.
Sở dĩ, danh sách 20 mặt hàng có cơ hội tăng xuất khẩu kể trên chủ yếu rơi vào nhóm hàng xơ sợi, dệt chứ chưa có hàng may mặc được dựa trên danh mục các mặt hàng xuất khẩu mà Trung Quốc bị áp thuế cao vào Mỹ, nằm trong gói áp thuế 200 tỷ USD, có hiệu lực trong tháng 8/2018.
Cụ thể, những mặt hàng Trung Quốc có thị phần lớn (trên 20%) bị ảnh hưởng nhiều trên thị trường Mỹ bao gồm: Thảm các loại, sợi polyester đơn độ co dãn cao, sợi xơ ngắn nhân tạo/tổng hợp, vải canvas, vải cotton, vải không dệt, vải dệt kim….
Trong bảng 15 mặt hàng dệt từ Trung Quốc bị ảnh hưởng nhiều nhất trong gói áp thuế 10% của Mỹ, hiện tại thuế MFN trung bình khoảng 4,3%, cao nhất là 8%.
Tính từ thời điểm lệnh áp thuế 200 tỷ USD mà Chính phủ Mỹ đưa ra có hiệu lực, Mỹ sẽ tăng thuế giá trị gia tăng thêm lên 10%, theo lý thuyết kim ngạch nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc với các mặt hàng này sẽ giảm trong tương lai.
Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), khả năng sụt giảm xuất khẩu vào Mỹ đối với những mã hàng dệt, sợi của Trung Quốc vào Mỹ rất cao, dẫn đến ap lực đối với cácdoanh nghiệpphải tìm nguồn nhập khẩu thay thế
Trầm trọng hơn, toàn bộ chuỗi cung trong ngành dệt may sẽ bị ảnh hưởng do những thay đổi trong quyết sách thương mại của Mỹ và Trung Quốc.
Khi xuất khẩu của Trung Quốc tới Mỹ giảm, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tìm khách hàng thay thế cũng như đẩy mạnh xu hướng dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia cạnh tranh nhằm tránh bị áp thuế, đơn cử như dịch chuyển sản xuất, tuồn hàng dư sang Việt Nam, đe dọa lợi ích của các doanh nghiệp Việt Nam.
Một mối nguy khác là xuất khẩu sụt giảm do tăng thuế cũng khiến doanh nghiệp Trung Quốc có thể tìm cách cắt giảm giá thành sản xuất từ đó giảm giá sản phẩm để bù lại phần chênh tăng thuế, điều này khiến sự cạnh tranh trên thị trường càng ngày càng khốc liệt hơn.
Theo số liệu Trademap hệ thống cơ sở dữ liệu cập nhật về tình hình thương mại, đặc biệt là xuất nhập khẩu của các nước do Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) thiết lập), tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may Mỹ năm 2017 đạt 114,12 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc là 40,83 tỷ USD (tỷ trọng 35,78%), từ Việt Nam là 12,26 tỷ USD (tỷ trọng 10,75%).
Kim ngạch nhập khẩu Mỹ từ thế giới với 932 dòng thuế áp lên Trung Quốc năm 2017 là 12,44 tỷ USD, trong đó nhập khẩu của Mỹ từ TQ là 3,3 tỷ USD, suy ra có khoảng 8,1% trên tổng kim ngạch xuất khẩu từ Trung Quốc tới Mỹ bị ảnh hưởng.
Mặt hàng dệt của Trung Quốc sẽ bị áp thuế chiếm 932/tổng 3393 dòng thuế Trung Quốc có xuất sang Mỹ là tỷ lệ 27,5%, xấp xỉ 1/3 tổng số dòng thuế Trung Quốc đến Mỹ bị ảnh hưởng
Theo số liệu của VITAS, 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Mỹ đạt mức tăng trưởng 11,7%, với 6.524 tỷ USD. 6 tháng còn lại của năm 2018, xuất khẩu dệt may sang Mỹ có nhiều khả năng tăng trưởng cao hơn 6 tháng đầu năm, thừa sức đưa giá trị xuất khẩu sang Mỹ cán đích 13,8 tỷ USD.