Lúc 8h55 sáng nay (ngày 21/2, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đã giảm 24 cents tương ứng 0,4% xuống mức 59,07 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm 25 cents tương ứng 0,5% xuống mức 53,63 USD/thùng.
Giá dầu thô chịu áp lực giảm do giới đầu tư lo ngại nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu sẽ giảm xuống khi dịch virus Covid-19 đang lan rộng ra một số quốc gia. Thông báo mới nhất của Hàn Quốc cho thấy nước này đã có 52 ca nhiễm mới virus Covid-19, tăng gần gấp ba lần chỉ sau hai ngày phát hiện, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại nước này lên con số 104 trưởng hợp.
Trong ngày hôm qua, Hàn Quốc đã công bố nạn nhân đầu tiên tử vong vì dịch virus Covid-19. Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ mở rộng việc kiểm tra dịch bệnh đến bất kỳ ai nghi ngờ nhiễm virus Covid-19 dù có triệu chứng hay không. Hàn Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ 5 trên thế giới.
Tại Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và tâm điểm của dịch virus Covid-19, số liệu mới công bố hôm nay cho thấy số ca nhiễm mới và số ca tử vong mới đã tăng lên so với dữ liệu ngày hôm qua. Bất chấp các nỗ lực mạnh tay của Trung Quốc, dịch virus Covid-19 tại nước này vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát.
Dự báo tăng trưởng GDP quý 1/2020 của Trung quốc có thể sẽ chạm mức thấp kỷ lục, còn 3,5% trong bối cảnh các hoạt động kinh tế của nước này bị đình trệ kéo dài vì dịch bệnh. Thị trường lo ngại sự giảm tốc và gián đoạn các hoạt động kinh tế của Trung Quốc sẽ khiến nhu cầu về các loại hàng hoá – nguyên liệu, bao gồm dầu thô sụt giảm.
Nhận định về diễn biến giá dầu hiện tại, ông Christopher Wood – chiến lược gia tại tập đoàn đầu tư tài chính Jefferies (hoa Kỳ) cho biết, một rủi ro với giá dầu thô hiện nay là số ca nhiễm virus Covid-19 tại Trung Quốc có thể sẽ tăng trở lại trong bối cảnh hàng trăm triệu người dân nước này đã bắt đầu quay trở lại công sở. Bên cạnh đó, các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc có thể bị đình trệ lâu hơn so với hồi xảy ra dịch SARS vào năm 2003 do lần này Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu dập tắt dịch bệnh lên ưu tiên hàng đầu thay vì quan tâm đến tăng trưởng GDP.
Bên cạnh đó, giá dầu thô cũng đang chịu áp lực giảm trong bối cảnh đồng USD tăng giá khi các nhà đầu tư gia tăng tích trữ USD để bảo vệ giá trị tài sản. Biên bản họp mới nhất của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) cho thấy FED lạc quan về triển vọng kinh tế Hoa Kỳ và có thể sẽ giữ nguyên mức lãi suất như hiện nay. Nền kinh tế Hoa Kỳ hiện đang tăng trưởng năm thứ 11 liên tiếp, xác lập chuỗi tăng trưởng dài nhất trong lịch sử. Đồng USD tăng giá sẽ khiến giá dầu thô, vốn được định giá bằng đồng USD, trở nên kém hấp dẫn hơn các loại hàng hoá khác đối với giới đầu tư.
Việc khối OPEC cùng một số quốc gia sản xuất dầu thô đồng minh (khối OPEC+) chưa đạt được thoả thuận đẩy mạnh cắt giảm sản lượng khai thác hơn nữa nhằm hỗ trợ giá dầu thô cũng khiến áp lực giảm đè nặng lên giá dầu thô trong hôm nay. Dự kiến khối OPEC+ sẽ nhóm họp vào đầu tháng 3 tới đây để bàn phương hướng sản xuất dầu thô trong năm 2020.