Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực Thương mại và Công nghiệp. Bộ Công Thương xác định tập trung vào những nhóm giải pháp đồng bộ hướng tới người dân và doanh nghiệp là chìa khóa để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nên cần được triển khai liên tục, kiên trì, thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí nguồn lực, đồng thời đảm bảo tính kế thừa và đổi mới sáng tạo với những bước đi vững chắc, phù hợp thực tiễn hoạt động của Bộ và của ngành Công Thương trong từng thời kỳ, từng lĩnh vực, theo định hướng chủ trương, nghị quyết của Trung ương.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/BCSĐ ngày 27/01/2022 lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số của Bộ Công Thương giai đoạn 2022 – 2025 với mục tiêu tổng quát “Đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương trên cơ sở cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, thực hiện chuyển đổi số, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và bảo đảm an toàn thông tin mạng”.
Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã quyết liệt triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như góp phần hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp thông qua chương trình cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) tại Bộ Công Thương.
Với quan điểm đổi mới, quyết liệt hành động, liên tiếp trong các năm vừa qua, Bộ Công Thương đã có nhiều đề xuất tham mưu cho Chính phủ cũng như có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát để đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC), điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh hiện đại hóa hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Trên thực tế, sau khi các điều kiện kinh doanh được cắt giảm, TTHC được đơn giản hoá đã tạo được môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng cho tất cả các thành phần kinh tế tại Việt Nam. Bộ Công Thương đã đẩy mạnh thực hiện việc áp dụng CPĐT, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quản lý điều hành, thực hiện nhiệm vụ để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm đẩy mạnh áp dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tại Bộ và đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Phiên họp thứ Hai của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số
Đến thời điểm này, tất cả 297 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai áp dụng DVCTT mức độ 2 trở lên; Hiện nay, Cổng Dịch vụ công (Cổng DVC) Bộ Công Thương đang cung cấp 236 DVCTT mức độ 3, 4 tại địa chỉ https://dichvucong.moit.gov.vn (08 DVCTT mức độ 3, 228 DVCTT mức độ 4) với gần 40.000 doanh nghiệp tham gia khai báo. Tổng số hồ sơ dịch vụ công trực tuyến năm 2021 là 1.617.249 hồ sơ, tương ứng hơn 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ.
Bộ Công Thương cũng đã hoàn thành mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trước thời hạn đề ra (trong năm 2021).
Từ ngày 01/12/2021, Bộ Công Thương triển khai việc in thẳng C/O mẫu D điện tử thành file PDF có mã phản hồi nhanh QRCode trên hệ thống eCoSys. C/O mẫu D là mẫu C/O đầu tiên trong 10 mẫu C/O sẽ được triển khai điện tử trong giai đoạn này. Việc triển khai thể hiện cam kết của Bộ Công Thương trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp như hiện nay.
Bộ Công Thương hiện đã kết nối 16 nhóm DVCTT với Cơ chế một cửa quốc gia (VNSW). Tổng số hồ sơ thực hiện trên VNSW trong năm 2021 là 282.564 hồ sơ. Riêng đối với thủ tục Cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), kết nối thành công với Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và đã trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước bao gồm: Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Bruinei, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippine. Trong năm 2021, tổng số hồ sơ điện tử đã trao đổi với các nước là 203.663 hồ sơ.
Đây là chứng từ điện tử đầu tiên của Việt Nam được gửi ra nước ngoài, tạo tiền đề, đòn bẩy để Việt Nam tiếp tục trao đổi, xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại khác dưới dạng điện tử khác với các nước, khối - cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đến tháng 12 năm 2019, Bộ Công Thương đã đưa tổng cộng 131 DVCTT mức độ 3, 4 của Bộ Công Thương lên Cổng DVCQG. Từ ngày 01/01/2021 đến nay, Cổng DVC Bộ Công Thương đã trao đổi 1.164.552 bộ hồ sơ điện tử với Cổng DVCQG.
Với kết quả đạt được, Bộ Công Thương đã được Văn phòng Chính phủ ghi nhận là một trong những đơn vị đi đầu trong cả nước đối với việc kết nối Cổng DVCQG (cả về số lượng DVCTT và số lượng hồ sơ điện tử).
Bộ Công Thương cũng đã triển khai kết nối Cổng DVC và Hệ thống một cửa điện tử của Bộ với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số để đánh giá, đo lường, công bố trực tuyến mức độ, chất lượng cung cấp DVCTT; từ đó, cải tiến chất lượng và hiệu quả cung cấp, sử dụng DVCTT đối với các TTHC cấp trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Báo cáo chuyên đề về chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số cho biết, Bộ Công Thương là một trong 3 bộ có kết quả xử lý trực tuyến cao nhất với tỷ lệ 99,78%.
Theo đánh giá tại báo cáo, Bộ Công Thương là một trong những bộ, ngành tiêu biểu về triển khai DVCTT trên phạm vi cả nước, không chỉ bảo đảm cung cấp tối đa DVCTT mức độ 4 mà còn triển khai các biện pháp, giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng DVCTT, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ.
Có thể thấy, trong thời gian qua, việc thúc đẩy việc xây dựng, ứng dụng DVCTT phục vụ người dân, doanh nghiệp tại Bộ Công Thương đạt được những kết quả đáng ghi nhận là nhờ:
Một là, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự đảng Bộ, của đồng chí Bộ trưởng và các đồng chí Lãnh đạo Bộ; sự đồng lòng nhất trí triển khai thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ của các cán bộ, công chức Bộ Công Thương;
Hai là lựa chọn đúng các TTHC có số lượng hồ sơ lớn để đưa vào xây dựng, áp dụng thành DVCTT, từ đó thấy được lợi ích cụ thể của việc xây dựng DVCTT, từ đó áp dụng trên diện rộng;
Ba là xây dựng DVCTT đơn giản, dễ sử dụng với người dân, doanh nghiệp;
Bốn là xây dựng, ban hành những văn bản, quyết định cá biệt nhằm thúc đẩy việc sử dụng các DVCTT tại Bộ Công Thương.