Ngày 4/2 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng Đoàn công tác đã tới thăm, chúc Tết kỹ sư, công nhân tại công trường chế tạo thiết bị điện gió và làm việc với Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS - sàn HNX) tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đang làm chủ một khâu rất khó và phức tạp trong thiết kế, chế tạo các thiết bị điện gió ngoài khơi mà trên thế giới không có nhiều doanh nghiệp đủ năng lực làm được. Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã tìm tòi và tìm ra hướng đi có tính lịch sử trong phát triển điện gió ngoài khơi, đã khẳng định vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trong chuyển đổi khoa học công nghệ lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Phó Thủ tướng đề nghị Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trước mắt xây dựng một lịch trình, phương án rõ ràng để triển khai nhanh chóng, thông suốt đối với dự án điện gió ngoài khơi hợp tác với Singapore để Chính phủ xem xét, quyết định.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Mạnh Cường - Tổng Giám đốc Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí cho biết công ty đã bổ sung năng lượng tái tạo ngoài khơi là ngành nghề kinh doanh cốt lõi thứ 8 kể từ năm 2021 và đến nay đã đạt được và duy trì hầu hết các chứng nhận cần thiết cho ngành dịch vụ dầu khí và năng lượng tái tạo ngoài khơi.
Đến nay, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã có đủ kinh nghiệm, phương tiện, trang thiết bị và hoàn toàn chủ động được việc khảo sát ngoài khơi; cung cấp hầu hết các dịch vụ cho ngành năng lượng tái tạo ngoài khơi, trừ cánh và turbine.
Năm 2023, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã hoàn thành việc chế tạo 2 Trạm biến áp dự án điện gió ngoài khơi Hải Long 2 & 3 cho khách hàng tại Đài Loan (Trung Quốc) và dự kiến sẽ bàn giao sản phẩm trong quý 1/2024. Đồng thời, đơn vị đã ký mới các hợp đồng và được trao thầu khoảng 1,5 tỷ USD cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Đài Loan và châu Âu, đảm bảo việc làm đến năm 2027.
Để triển khai các dự án điện gió đã ký kết, hiện Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã phải huy động cả hạ tầng của đơn vị tại Thanh Hóa và sử dụng toàn bộ nguồn nhân lực trong nội bộ cả Tập đoàn Dầu khí, các doanh nghiệp trong quân đội, và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo đó, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã có ý tưởng và đề nghị Chính phủ tạo hành lang pháp lý, cơ chế chính sách cho công ty xây dựng Trung tâm năng lượng tái tạo tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhằm góp phần giúp Việt Nam chủ động được chuỗi cung ứng dịch vụ cho ngành năng lượng tái tạo ngoài khơi trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá ý tưởng trên của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí sẽ được Chính phủ, các bộ, ngành, các tập đoàn và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ủng hộ khi đề án được xây dựng khoa học với lộ trình rõ ràng.
Theo đánh giá hiện nay của nhiều tổ chức tài chính, dù mới thâm nhập vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đang có vị thế khá vững chắc khi số lượng đối thủ cạnh tranh trong ngành hạn chế; trong khi, uy tín và năng lực của công ty đã được khẳng định qua nhiều dự án xây lắp công trình dầu khí trên thế giới và tham gia thi công một số dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn.
Với hệ thống cảng kết hợp nhà xưởng có diện tích lên đến hơn 200 ha, cùng cầu cảng dài 1.000m lớn nhất trong khu vực, các cảng khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ là nơi Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí thực hiện gia công chế tạo chi tiết cho các dự án điện gió ngoài khơi. Hiện các đối thủ cạnh tranh chính tại khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia không có bãi cảng phù hợp, còn Thái Lan có bãi cảng nhưng quy mô nhỏ hơn đáng kể so với Việt Nam.
Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí cũng vừa đầu tư 6 nhà xưởng mới dùng trong thi công chân đế điện gió với công nghệ hiện đại hơn so với các đối thủ trong khu vực.