Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS - sàn HNX) dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 vào ngày 17/6 tới đây.
Theo đó, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí lập kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 15.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 660 tỷ đồng, lần lượt giảm 29% và 38% so với mức thực hiện của năm 2023.
Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, kế hoạch kinh doanh trên “tương đối thận trọng” so với triển vọng kinh doanh hiện nay của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí.
Kết thúc quý 1/2024, doanh thu thuần của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đạt 3.710 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 305 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, so với kế hoạch dự trình, sau 3 tháng đầu năm, tổng công ty đã hoàn thành 24% mục tiêu doanh thu và 46% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Ban lãnh đạo Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, công ty đã trúng một số gói thầu lớn trong chuỗi dự án phát triển mỏ khí Lô B - Ô Môn; các dự án chế tạo chân đế điện gió, trạm biến áp ngoài khơi thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi; tham gia chào thầu và dự kiến đạt được kết quả khả quan đối với các dự án lớn trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng tái tạo ngoài khơi.
Bên cạnh đó, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí cũng sẽ tiếp tục tham gia dự án đầu tư và xây dựng điện gió ngoài khơi tại Việt Nam để xuất khẩu điện sạch sang Singapore thông qua tuyến cáp ngầm cao áp dưới biển.
Đầu tháng 6 này, Công ty TNHH Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) - công ty con do Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí nắm 100% vốn đã giành được hợp đồng Tổng thầu EPCIC cho dự án phát triển mỏ dầu Lạc Đà Vàng ở vùng biển ngoài khơi Việt Nam.
Khối lượng công việc bao gồm các hạng mục công việc thiết kế chi tiết, mua sắm, thi công, vận chuyển, lắp đặt, đấu nối và chạy thử cho Giàn xử lý trung tâm LDV-A, với khối thượng tầng nặng hơn 6.000 tấn cùng với phần chân đế, cọc có khối lượng hơn 5.000 tấn.
Mặc dù không công bố chi tiết thông tin về hợp đồng, theo đánh giá hiện tại của một số tổ chức tài chính, giá trị hợp đồng giàn xử lý trung tâm và các công trình phụ trợ tại dự án mỏ Lạc Đà Vàng ước đạt hơn 100 triệu USD.
Với những dự án lớn đã và đang tham gia, nhu cầu vốn của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí cũng tăng lên, đặc biệt là trong giai đoạn 2024 - 2030.
Do đó, ban lãnh đạo Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí ước tính, công ty cần khoảng 70.640 tỷ đồng để đáp ứng các hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển dự án. Trong đó, nhu cầu về vốn chủ sở hữu của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí là 17.641 tỷ đồng (bao gồm 4.720 tỷ đồng giai đoạn 2024 - 2025 và 12.921 tỷ đồng giai đoạn 2026 - 2030).
Trong ngắn hạn, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí dự kiến sẽ bổ sung vốn từ các nguồn như lợi nhuận sau thuế (3.586 tỷ đồng); thu hồi đầu tư dài hạn (776 tỷ đồng); khấu hao (5.100 tỷ đồng); các khoản phân bổ tài sản dài hạn khác (689 tỷ đồng) và vốn chủ sở hữu chưa sử dụng để đầu tư (1.149 tỷ đồng).