Mảng M&C dầu khí của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí bùng nổ
Với việc giá dầu thô Brent đang vượt xa mức 70 USD/thùng như hiện nay, hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí (E&P) trên toàn cầu được nhận định vốn đã đang “rất nóng” sẽ càng tăng tốc hơn nữa trong thời gian tới. Hàng loạt quốc gia khai thác dầu thô lớn, đặc biệt là tại khu vực Trung Đông, đang đẩy mạnh hoạt động E&P trong giai đoạn 2023 – 2023 để sau đó sẽ dần giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu khí.
Một số tổ chức tài chính tại Việt Nam cũng như trên thế giới nhận định mảng E&P nhiều khả năng cao sẽ bước vào chu kỳ tăng trưởng mới với việc dòng vốn đầu tư quay trở lại lĩnh vực thượng nguồn sau giai đoạn trầm lắng vốn kéo dài từ năm 2015 - 2021 do khủng hoảng giá dầu và năm 2020 - 2021 do đại dịch COVID-19. Điều này sẽ tạo ra cơ hội bứt phá kết quả kinh doanh cho các đơn vị kỹ thuật dầu khí, đặc biệt là các đơn vị xây lắp cơ khí, công trình biển (M&C) như Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã cổ phiếu PVS - sàn HNX).
Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí được đánh giá là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và trong khu vực về cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí. Công ty hiện đang hoạt động kinh doanh chủ yếu trên 6 lĩnh vực, gồm: xây lắp cơ khí, công trình biển (M&C); kho nổi FSO/FPSO; dịch vụ vận chuyển, lắp đặt, bảo dưỡng O&M; cung ứng tàu dầu khí; căn cứ Cảng dầu khí; và khảo sát địa chấn.
Trong đó, mảng dịch vụ xây lắp M&C là mảng kinh doanh mũi nhọn của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí nhờ lợi thế chuyên môn đặc thù liên quan tới đóng giàn, chân đế, lắp đặt các cấu kiện hay thi công các phần của dự án lọc hóa dầu. Đây cũng là mảng đóng góp doanh thu lớn nhất, chiếm tỷ trọng hơn 50% tổng doanh thu hàng năm của công ty.
Theo KB Securities Vietnam (KBSV), ngoài các dự án đang thực hiện như Galaff 3 (Qatar) và Shwe Jacket 3 (Myanmar), Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đang gấp rút đấu thầu một số dự án rất lớn tại Qatar để nắm bắt thời cơ. Tuy nhiên, công ty chưa tiết lộ chi tiết cụ thể về thông tin cũng như giá trị các dự án này. Những dự án trên được kỳ vọng sẽ đảm bảo lượng công việc khổng lồ trong mảng M&C dầu khí quốc tế của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong giai đoạn 2025 - 2027.
Gói thầu thuộc dự án Lô B - Ô Môn có thể được triển khai trong nửa đầu năm 2024
Đối với thị trường nội địa, mảng M&C dầu khí nội địa của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí sẽ sôi động hơn từ năm 2024, chủ yếu đến từ chuỗi dự án khí Lô B - Ô Môn. Bộ phận phân tích của KBSV hiện giữ quan điểm thận trọng cho rằng tiến độ xin Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) của dự án Lô B - Ô Môn có thể chậm trễ đến giữa năm 2024 do các vấn đề cốt lõi trong khâu trung - hạ nguồn vẫn chưa được giải quyết.
Tuy nhiên, trong tháng 9/2023, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã ban hành nghị quyết nhằm tháo gỡ cho dự án. Theo đó, PVN sẽ được phép thực hiện trao thầu hạn chế (LLOA) cho gói thầu EPCI 1 và một số gói thầu thượng-trung nguồn khác với ngân sách phê duyệt trong 6 tháng tới. Trong trường hợp FID vẫn chậm trễ trong 6 tháng tới, một Thỏa thuận (Side Agreement) sẽ được đàm phán trong lúc thực hiện LLOA, trong đó sẽ cho phép PVN được triển khai tiếp dự án cho tới khi có FID.
Với việc liên doanh của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã trúng gói thầu Thiết kế, xây dựng, lắp đặt cụm giàn công nghệ trung tâm và giàn nhà ở (EPCI#1) với giá trị khoảng 1,08 tỷ USD, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí có thể sẽ được phép bắt đầu triển khai một phần công việc trong nửa đầu năm 2024.
Ngoài dự án Lô B - Ô Môn, loạt dự án khai thác dầu khí mới tại Việt Nam cũng sẽ sớm được triển khai, gồm Lạc Đà Vàng A&B, Sư Tử Trắng 2B, xa hơn có thể là dự án Nam Du U Minh. Những dự án này được kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra khối lượng công việc lớn mảng M&C cho Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong giai đoạn 2024-2027.
Đáng chú ý, mảng M&C năng lượng tái tạo của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã có công việc tới năm 2026 với các dự án Hải Long 2&3 và Greater Changhua (Đài Loan, Trung Quốc) và Baltica 2 (Ba Lan). Dù mới thâm nhập lĩnh vực này, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đang có vị thế khá vững chắc trong khu vực nhờ loạt lợi thế.
Thứ nhất, số lượng đối thủ cạnh tranh trong ngành rất hạn chế; trong khi, uy tín và năng lực của công ty đã được khẳng định qua nhiều dự án trên thế giới.
Thứ hai, các nhà thầu M&C năng lượng hàng đầu tại Đông Á hiện không quá hào hứng vào việc tham gia lĩnh vực năng lượng tái tạo do đã sẵn khối lượng công việc lớn trong khi quy mô lợi nhuận mảng điện gió chưa đủ hấp dẫn.
Cuối cùng, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí có lợi thế vượt trội về bãi cảng rất phù hợp cho mảng M&C điện gió trong khi các đối thủ cạnh tranh chính tại các quốc gia Đông Nam Á khác như Malaysia, Indonesia không có bãi cảng, còn Thái Lan có bãi cảng nhưng quy mô nhỏ hơn đáng kể so với Việt Nam.
Hiện KBSV dự báo biên lợi nhuận mảng M&C điện gió của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí sẽ dần được cải thiện từ năm 2024 khi công ty tập trung tối ưu hóa kho bãi sau khoảng thời gian đầu hi sinh lợi nhuận để thâm nhập ngành.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 26/9, cổ phiếu PVS đạt 36.100 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, thị giá cổ phiếu PVS đã tăng hơn 66%.