Kết thúc quý 3/2024, Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS - sàn HNX) ghi nhận 4.820 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, do giá vốn hàng bán chỉ tăng 12% nên lợi nhuận gộp của tổng công ty trong kỳ đã tăng 85%, đạt gần 334 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cũng được cải thiện mạnh từ 4,3% lên 6,9%, cao hơn đáng kể so với thông thường.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí giảm 60%, còn khoảng 84 tỷ đồng. Về phía các khoản chi phí, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp không biến động quá nhiều. Tuy nhiên, chi phí tài chính đã tăng gấp 3,6 lần, lên hơn 166 tỷ đồng, chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá.
Kết quả, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí ghi nhận gần 193 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 34% so với quý 3/2023. Ban lãnh đạo tổng công ty cho biết, kết quả trên chủ yếu do ghi nhận giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại của khoản chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện và dự phòng phải trả theo quy định.
Sau 9 tháng đầu năm, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đạt 14.101 tỷ đồng doanh thu và gần 707 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 12% và 17% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, tổng công ty đã hoàn thành 107% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tính đến cuối quý 3/2024, tổng tài sản của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí tăng 3,5% so với hồi đầu năm, đạt hơn 27.342 tỷ đồng. Trong đó, riêng khoản tiền mặt và tương đương tiền tăng tới 43%, đạt hơn 8.232 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng nhẹ, lên mức 4.256 tỷ đồng.
Tổng công ty còn hơn 949 tỷ đồng giá trị hàng tồn kho, giảm 35% so với thời điểm đầu năm, chủ yếu là chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang tại các dự án. Trong đó, giá trị cho hợp đồng “thiết kế, mua sắm, thi công và lắp đặt giàn CNTT, giàn nhà ở và tháp đuốc” thuộc dự án khí Lô B – Ô Môn đang ghi nhận giá trị gần 10,3 tỷ đồng,
Ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí ghi nhận 13.401 tỷ đồng nợ phải trả, tăng hơn 4% so với đầu năm nay. Trong đó, vốn chủ sở hữu là gần 13.942 tỷ đồng.
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán MB, chuỗi dự án Lô B - Ô Môn cùng với nhu cầu phát triển điện gió ngoài khơi tại thị trường trong nước lẫn quốc tế dự kiến sẽ tạo ra lượng việc khổng lồ cho Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong những năm tới đây.
Dự phóng tổng backlog cho riêng mảng xây lắp cơ khí (M&C) của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong giai đoạn 2024 - 2028 sẽ ở mức 5,5 tỷ USD với biên lợi nhuận gộp dự kiến đạt 1,8% trong năm 2024 và 2,6% trong năm 2025, theo Chứng khoán MB.