Thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (theo Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ), nhiều Điểm bán hàng Việt Nam cố định và bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” đã được thiết lập tại khu vực có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, hàng hóa chủ yếu phục vụ cho công nhân và người lao động tại các địa phương trên cả nước.
Sau một thời gian dài thực hiện, Bộ Công Thương đã xây dựng được 104 điểm bán hàng tại 58 địa phương trên cả nước, trong đó rất nhiều điểm bán được đặt gần các Khu công nghiệp với hàng chục ngàn công nhân.
Chị Bùi Thị Hồng, công nhân Khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam) chia sẻ “Gần 3 năm gần đây, chúng tôi chọn mua hàng ở điểm bán hàng Việt Nam tại Siêu thị Lan Chi Đồng Văn. Hàng hóa tại đây không chỉ chất lượng tốt, mẫu mã phong phú mà giá rất phải chăng hợp với túi tiền người công nhân lao động". Không chỉ riêng cô công nhân kia, mà từ năm 2015 đến nay, người tiêu dùng tại nhiều huyện, thị xã lân cận, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Hà Nam và người tiêu dùng trên cả nước đã quen với tấm biển hiệu nền đỏ chữ trắng với dòng chữ quen thuộc "Điểm bán hàng Việt Nam".
Siêu thị Lanchi-Mart huyện Đồng Văn là một điểm sáng về các mô hình điểm bán hàng ViệtChia sẻ về mô hình "Điểm bán hàng Việt Nam", ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, xuất phát từ ý tưởng được gợi ý trong quá trình thực hiện Đề án, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam đã chủ động phối hợp với các đơn vị sản xuất có đông công nhân để đưa hàng hóa của mình vào tận nhà máy, Khu công nghiệp, Khu chế xuất phục vụ kịp thời cho nhu cầu sinh hoạt của đội ngũ công nhân, người lao động.
Một số điểm bán hàng Việt đã được triển khai tại khu vực các khu công nghiệp, khu chế xuất ở các địa phương như Hà Nam, Hưng Yên, Đăk Nông, Đồng Nai, Bến Tre... và rất thành công như siêu thị Lan Chi Mart gần khu công nghiệp Đồng Văn, Hà Nam hay siêu thị Mmart của Tổng công ty May 10… Trong đó, siêu thị Lanchi-Mart huyện Đồng Văn là một điểm sáng về các mô hình điểm bán hàng Việt được thiết lập năm 2015 tại khu vực có nhiều Khu công nghiệp, Khu chế xuất, hàng hóa chủ yếu phục vụ cho công nhân, ông Đông chia sẻ.
Theo báo cáo của Siêu thị Lanchi-mart, kể từ khi triển khai mô hình Điểm bán hàng Việt Nam tại siêu thị, đối tượng mua sắm, tiêu dùng là những người công nhân ngày càng tăng lên về số lượng, họ đã được tiếp cận nhiều hơn với các loại sản phẩm, hàng hóa do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ra với chất lượng tốt, giá rẻ và các chương trình khuyến mại, kích cầu kèm theo. Trong giai đoạn vừa qua, tốc độ tăng trưởng doanh thu của siêu thị đạt 25%/năm.
Ông Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Siêu thị Lan Chi Hà Nam cho hay, từ năm 2015, điểm bán hàng Việt Nam đầu tiên được mở tại Siêu thị Lan Chi - Đồng Văn, cạnh KCN Đồng Văn. Chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, sản lượng tiêu thụ hàng hóa tăng đáng kể. Đây đã trở thành điểm mua sắm hàng hóa quen thuộc của hàng nghìn công nhân KCN Đồng Văn. Phát huy kết quả đạt được, năm 2017, Điểm bán hàng Việt Nam thứ hai tiếp tục được Lan Chi mở tại Siêu thị Lan Chi thị trấn Vĩnh Trụ (huyện Lý Nhân, Hà Nam).
Giống như Lan Chi, Siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc - An Giang) đã gắn bó với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngay từ những ngày đầu phát động. Mang đậm đặc trưng của người dân miền Tây hồn hậu với làn da đỏ au vì nắng, tiếng cười hào sảng, ông Tạ Minh Sơn - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Tứ Sơn - vẫn vẹn nguyên cảm xúc khi nhớ về hành trình gắn bó với hàng Việt.
Từ "Điểm bán hàng Việt" tại siêu thị, hàng năm, Tứ Sơn thường xuyên mang hàng hóa về nông thôn, biên giới với mô hình siêu thị lưu độngÔng Sơn chia sẻ, là địa phương giáp biên, đã có thời điểm An Giang tràn ngập hàng hóa nhập lậu giá rẻ. Để khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt, ông chủ Tứ Sơn đã dùng chính hình ảnh và uy tín hơn 30 năm xây dựng, phát triển của siêu thị để bảo lãnh cho hàng hóa Việt. Đồng thời kiên định mục tiêu mang đến các sản phẩm tốt, giá phải chăng cho người tiêu dùng và hàng Việt Nam đáp ứng hoàn toàn các điều kiện đó.
Do vậy, ông Tứ Sơn lên kế hoạch chinh phục người tiêu dùng bằng một phương thức kinh doanh duy nhất: Siêu thị. Theo đó, ở khu vực trung tâm, Tứ Sơn xây dựng các siêu thị lớn, hiện đại với băng rôn, khẩu hiệu “Điểm bán hàng Việt Nam”. Từ điểm bán này, hàng năm, Tứ Sơn thường xuyên mang hàng hóa về nông thôn, biên giới với mô hình siêu thị lưu động.
Theo báo cáo của Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, kể từ khi thành lập, mô hình “Điểm bán hàng Việt” đã có một số kết quả cụ thể như: sản lượng tiêu thụ hàng hóa, doanh thu của doanh nghiệp tăng đáng kể, người dân nhận diện và biết đến nhiều hơn các hàng hóa do Việt Nam sản xuất, đồng thời tạo cơ hội quảng bá, giới thiệu các sản phẩm do Việt Nam sản xuất đến người tiêu dùng trong và ngoài địa phương.
Không những vậy, mô hình “Điểm bán hàng Việt Nam” còn thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nâng cao hiệu quả kinh tế và giải quyết công ăn, việc làm cho đội ngũ công nhân, người lao động. Đặc biệt mô hình “Điểm bán hàng Việt Nam” còn có nhiều ưu đãi thiết thực cho đối tượng công nhân, người lao động, từ đó hình thành thói quen sử dụng và ủng hộ hàng Việt Nam cho người tiêu dùng trên cả nước.