Từ kết nối quốc tế…
Năm 2023, bên cạnh cán cân thương mại thặng dư 28 tỷ USD, xuất khẩu nông sản là điểm sáng trong hoạt động ngoại thương cả nước, ước đạt 32,56 tỷ USD, tăng 5,7% so với năm 2022 và là nhóm hàng duy nhất ghi nhận tăng trưởng trong năm. Tỷ trọng của nhóm hàng này trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ 8,3% năm 2022, tăng lên 9,1% năm 2023.
Như câu hát “ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”, không có gì tự nhiên sinh ra ngay trong thời điểm hiện tại. Trong làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát, khi lượng hàng hóa nông sản cần được hỗ trợ tiêu thụ tại 26 tỉnh, thành phố phía Nam, miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc lên tới gần 5 triệu tấn lúa; 3,7 triệu tấn rau, củ quả; hơn 4 triệu tấn các loại trái cây; 120 nghìn tấn hải sản; 80 nghìn tấn lợn hơi; 600 nghìn tấn thịt gà và khoảng 400 triệu quả trứng… thì chỉ trong 4 ngày từ 02/8 đến 06/8/2021 có 3 sự kiện diễn ra liên quan đến hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
Ngày 02/8/2021, trong buổi hội đàm trực tuyến với Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Lộc Tâm Xã, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bí thư Lộc Tâm Xã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động thương mại song phương; nhanh chóng khôi phục thông quan tại một số cửa khẩu đang tạm thời bị đóng do dịch bệnh; kéo dài thời gian thông quan cho nông sản Việt Nam. Bí thư Lộc Tâm Xã bày tỏ sẵn sàng phối hợp cùng Bộ Công Thương trong tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại biên giới.
Cũng trong ngày 02/8/2021, Bộ Công Thương Việt Nam và Chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã ký Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2023. Tại Kế hoạch hành động, hai bên đồng thuận triển khai những nội dung quan trọng như: Thúc đẩy mở cửa thị trường cho các trái cây, nông sản của Việt Nam, tăng cửa khẩu chỉ định nhập khẩu nông sản thực phẩm; phát huy vai trò cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng - Bằng Tường; kịp thời thông báo trước sự thay đổi trong cơ chế kiểm tra hàng hóa và kiểm soát người qua lại.
Tiếp đó, ngày 06/8/2021, Bộ Công Thương chủ trì tổ chức “Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021”, với sự tham dự của trên 700 đại biểu trong nước và quốc tế. Tại cuộc họp, Bộ Công Thương yêu cầu hai Tổ công tác đặc biệt và các Vụ, Cục chức năng của hai Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) lấy thị trường trong nước làm trọng tâm, mở rộng thị trường xuất khẩu; yêu cầu các Thương vụ nắm bắt thị trường thế giới, thông tin đến người sản xuất, doanh nghiệp về quy cách tiêu chuẩn, hàng hóa, mẫu mã, tập quán tiêu dùng của người bản địa. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng kêu gọi các nhà phân phối, các sàn giao dịch điện tử, các kênh thương mại trên nền tảng số, vào cuộc quyết liệt và sáng tạo để giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm.
3 hoạt động nói trên diễn ra dồn dập trong một thời gian ngắn cho thấy khả năng phản ứng kịp thời và kết nối quốc tế nhanh chóng của các cơ quan quản lý nhà nước trong tình huống khẩn cấp, góp phần giải tỏa lượng nông sản cần tiêu thụ, và con số tăng trưởng ấn tượng của xuất khẩu rau quả tăng 66%; hạt điều tăng 17,6%, gạo tăng 38%,… có một phần rất lớn từ tinh thần vào cuộc quyết liệt để người nông dân yên tâm đẩy mạnh sản xuất.
...Tới phối hợp liên ngành
Cũng với tinh thần vào cuộc quyết liệt, phối hợp liên ngành, nhiều điểm “nóng” về tiêu thụ nông sản đã kịp thời được giải quyết. Ngay từ vụ Đông Xuân, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân xuất khẩu gạo, qua đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ các giải pháp xuất khẩu gạo năm 2023.
Trước tình hình Ấn Độ công bố lệnh cấm xuất khẩu gạo (trừ gạo basmati) và Nga tuyên bố không gia hạn thoả thuận mang tên Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị điều hành xuất khẩu gạo. Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ giám sát việc duy trì mức dự trữ và thu mua lương thực; hướng dẫn thương nhân nâng cao khả năng đàm phán, thực hiện hợp đồng xuất khẩu. Đồng thời, chỉ đạo thương nhân thực hiện nghiêm túc quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP đảm bảo duy trì mức dự trữ lưu thông, cân đối xuất khẩu hiệu quả.
Trong năm 2023, Bộ Công Thương đã tích cực đàm phán, trao đổi song phương với các đối tác nhập khẩu Malaysia, Philippines xem xét tiến tới ký kết Bản ghi nhớ thương mại gạo; ký kết với Bộ Công nghiệp nhẹ, Lương thực và Nông nghiệp Mông Cổ về Bản ghi nhớ thương mại gạo giữa Việt Nam và Mông Cổ; tổ chức Đoàn giao dịch thương mại gạo tại thị trường Trung Quốc… Đây cũng là năm xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 8,1 triệu tấn, trị giá gần 4,7 tỷ USD, cao nhất trong lịch sử ngành hàng lúa gạo Việt Nam; bảo đảm an ninh lương thực, giúp tiêu thụ lúa hàng hóa của người nông dân với giá cao.
Bộ cũng phối hợp với Bộ NN-PTNT, các địa phương, hiệp hội, ngành hàng và thương nhân trong phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tích cực đàm phán với các cơ quan của Trung Quốc để mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả. Năm 2023, chỉ riêng mặt hàng sầu riêng sau khi chính thức được phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc đã góp phần quan trọng vào kết quả xuất khẩu chung của ngành hàng rau quả, với 5,6 tỷ USD, tăng 66% so với năm trước.