Điện Biên: GRDP 9 tháng năm 2024 tăng 10,55%

9 tháng đầu năm tỉnh Điện Biên đã ghi dấu ấn khi lọt vào danh sách top 10 địa phương có tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước với mức tăng 10,55%.

Theo báo cáo của Cục Thống kê Điện Biên, GRDP của Điện Biên trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt mức tăng 10,55%, xếp thứ 5 trên cả nước và thứ 3 trong 14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc. Trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng, tăng 9,48% (công nghiệp tăng 19,71%); khu vực dịch vụ tăng 12,82%,... Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng. 

Điện Biên thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024 trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen. 9 tháng đầu năm Điện Biên đã tổ chức nhiều sự kiện qui mô lớn như: Tổ chức khai mạc Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024, Lễ hội Hoa Ban năm 2024, đặc biệt là Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ,… là những điều kiện rất thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và phát triển dịch vụ du lịch.

Điện Biên

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cũng có nhiều yếu tố gây bất lợi như nguồn lực đầu tư còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; mưa lũ, sạt lở nghiêm trọng trong quý III gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của nhân dân trong tỉnh. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện nghiêm túc, linh hoạt Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vào tình hình thực tế tại địa phương, đồng thời chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương tập trung thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024 nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Với các giải pháp đồng bộ, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Điện Biên (GRDP) ước 9 tháng đầu năm 2024 tăng 10,55% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng tăng 11,29%, quý III tăng 9,09%), trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 2.323,2 tỷ đồng, tăng 9,48% (công nghiệp tăng 19,71%); khu vực dịch vụ đạt 7.006,35 tỷ đồng, tăng 12,82%; ..... Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng.

Điện Biên

Hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý III/2024 tăng trưởng tích cực hơn quý trước và so cùng kỳ năm trước, là quý cao điểm của mùa mưa, lượng mưa năm nay lớn và kéo dài nên thuận lợi cho ngành sản xuất thủy điện nên sản lượng điện tăng mạnh, tác động lớn đến chỉ số chung của toàn ngành công nghiệp. Tính chung 9 tháng 2024 hoạt động công nghiệp trên địa bàn tăng trưởng khá nguyên nhân chủ yếu là do tác động tích cực của 2 ngành: công nghiệp chế biến; sản xuất và phân phối điện.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 9/2024 ước giảm 12,2% so với tháng trước và tăng 36,32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 21,59% và 2,25%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chế tạo tăng 5,19% và 0,06%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 20,51% và 74,39% ; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 2,35% và 0,09%.

Điện Biên

Quý III năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 70,98% so với quý trước và tăng 29,01% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,28%). Trong đó, công nghiệp khai khoáng giảm 10,43% và 6,24%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 8,69% và 1,22%; sản xuất và phân phối điện tăng 220,78% và 54,85%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 4,53% và 0,43%.

Tính chung 9 tháng năm 2024 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 20,65% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 7,73%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,43%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 46,79% (cùng kỳ năm trước giảm 20%); ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,54%.

Chỉ số sản xuất 9 tháng năm 2024 của một số ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất gường, tủ, bàn ghế tăng 22,82%; sản xuất điện tăng 46,79%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 11,1%; sản xuất đồ uống tăng 14,05%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 9,23%; chế biến và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 9,32%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất tăng 9,5%.

Ở chiều ngược lại, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành giảm sâu: Khai khoáng quặng kim loại giảm 83,29%; khai thác than cứng và than non giảm 63,57%; sản xuất than cốc giảm 51,02%.

Điện Biên

Một số sản phẩm công nghiệp trong 9 tháng năm 2024 tăng cao với cùng kỳ năm trước như: Điện sản xuất tăng 49,31%; điện thương phẩm tăng 6,94%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm sâu so với cùng kỳ năm trước: Than đá (than cứng loại khác) giảm 63,57%; sản phẩm in khác giảm 31,82%; xi măng Portland đen giảm 9,81%; giường bằng gỗ các loại giảm 9,43%.

Như vậy, trong vòng 5 năm qua chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giữa các ngành luôn biến động tăng giảm không đồng đều, ngành sản xuất thủy điện có sức ảnh hưởng lớn và tác động mạnh đến chỉ số chung. Nguyên nhân dẫn đến sự tăng giảm đột biến do sự tác động khách quan từ thời tiết và sự biến đổi của khí hậu.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2024 ổn định so tháng trước và tăng 155,24% so với cùng kỳ chủ yếu do ảnh hưởng của sản phẩm xi măng Điện Biên, tiêu thụ giảm nên lượng tồn kho tăng 161,73%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9 năm 2024 tăng 20,56% so với tháng trước và giảm 22,48% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 9,33% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó ngành in ấn giảm 13,74%, sản xuất xi măng giảm 10,42% đây là sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số tiêu thụ chung của toàn ngành chế biến.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/9/2024 tăng 0,54% so với tháng trước, trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước ổn định; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,92%. So với tháng cùng kỳ năm trước tăng 0,49%, trong đó: Lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,52%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 1,2%. Tính chung 9 tháng năm 2024 số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm 1,33% (khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,19%, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 2,1%).

Mặc dù đạt được những thành tựu kinh tế ấn tượng, Điện Biên vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Trong 9 tháng đầu năm, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước giảm 6,13% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 1.060,29 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi ngân sách vẫn tăng 7,34%, đạt 10.975,5 tỷ đồng, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh.

Tỷ lệ hộ nghèo tại Điện Biên vẫn ở mức cao, tuy nhiên đã có sự cải thiện đáng kể. Tính đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 23,73%, giảm 1,95% so với năm trước. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo thuộc nhóm dân tộc thiểu số vẫn chiếm tỷ trọng lớn, nhưng đã có những bước tiến tích cực trong công tác giảm nghèo.

Những tháng cuối năm 2024, Điện Biên sẽ tiếp tục tập trung phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và công nghiệp, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư. Tỉnh cũng sẽ tăng cường quản lý thu ngân sách, đồng thời thực hiện hiệu quả các hoạt động trong chuỗi sự kiện Năm Du lịch Quốc gia 2024, góp phần tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế.

Hoa Lê